Bất kể là pha nước chấm hay chế biến món ăn, những gia vị này là điều không thể thiếu trong bếp của bất kỳ gia đình Việt nào!
1. Hành lá
Hành là gia vị không thể thiếu trong các món ăn của người Việt, từ trứng rán đến canh sườn, canh cá…
Mỗi ngày chúng ta thường mua vài nghìn hành để dùng trong các bữa ăn, nhưng bạn sẽ chẳng lãng phí tiền mua hành nữa khi biết rằng trồng hành lại nhàn đến thế.
Lưu ý tách củ hành ra thành nhiều nhánh và xếp đầu nhánh hành quay ra bên ngoài bình.
Đều đặn tưới nước để đất có dủ độ ẩm, sau vài ngày bạn sẽ thấy hành bắt đầu mọc mầm. Kết quả là bạn sẽ có cả một "bình" hành như thế này đây.
Hơn nữa, mỗi lần thu hoạch bạn chỉ việc cắt lấy lá hành để nấu, hành sẽ lại tiếp tục ra lá mới như bình thường.
Ngoài ra, bạn cũng có thể dùng chính đoạn rễ của hành tươi để trồng bằng cách ngâm đoạn rễ này vào trong bình nước, vài ngày sau rễ sẽ dài thêm và cây cũng bắt đầu mọc lại lá.
Chú ý để cây gần khu vực có nhiều ánh nắng để lá hành có màu xanh nhờ được quang hợp.
2. Tỏi
Đầu đông chính là thời điểm tốt nhất để trồng tỏi, và chẳng cầ phải lo có vườn mới trồng được tỏi, bạn có thể trồng tỏi trong những chiếc thùng xốp hoặc bất kỳ chiếc chậu rộng và sâu nào đặt ở nơi có nhiều ánh nắng mặt trời, ít nhất là có 6 giờ ánh nắng mặt trời có thể chiếu vào chậu cây.
Tách các nhánh tỏi ra (chú ý không làm hỏng nhánh tỏi), chỉ chọn những nhánh tỏi to để trồng, những nhánh nhỏ bạn có thể cất đi để nấu.
Kiếm một thanh gỗ , dùng thanh gỗ này đâm xuống mặt đất để tạo thành các lỗ nhỏ sâu khoảng 6-7 cm, bỏ mỗi nhánh tỏi vào một lỗ, sao cho phần đầu của nhánh tỏi hướng lên trên, sau đó lấp đất lại.
Tỏi có thể nảy mầm rồi lại chết vào mùa đông, nhưng đừng lo, khi sang xuân, nó sẽ lại tiếp tục sống như bình thường.
Thường xuyên dùng bình xịt tưới nước cho chậu cây, hoặc phủ lên trên bề mặt đất những miếng bọt biển đã thấm nước, đất sẽ hút ẩm từ miếng bọt biển này.
Khi mới trồng tỏi, lưu ý cần tưới nước thường xuyên để đất ẩm và rễ có thể phát triển. Sau đó thì không tưới quá nhiều nước, tỏi sẽ không phát triển tốt.
Chỉ tưới nhiều nước 1 lần/tuần nếu đặt cây trong nhà hoặc nếu đặt cây ở ngoài trời nhưng không có mưa.
Khi thời tiết dần ấm lên, giảm lượng nước tưới dần dần, bởi vì tỏi cần mùa hè khô nóng mới có thể cho ra những củ tỏi mập mạp.
3. Gừng
Gừng có thể chế biến củng ất nhiều món ăn, nhất là khi đông lạnh về, một bát canh bí xanh nấu với gừng sẽ giúp bạn ấm áp hơn rất nhiều.
Cách trồng gừng cũng không hề khó như bạn tưởng, và hoàn toàn có thể trồng ở ban công, sân thượng hay thậm chí đặt ở bệ cửa sổ trong nhà.
Bạn cần chọn củ gừng tươi, gừng già nhưng nhỏ sẽ giúp bạn có được những nhánh gừng cay hơn khi thu hoạch.
Bẻ lấy một đoạn gừng (chú ý chọn phần có nhiều mắt gừng), ngâm vào nước ấm qua đêm. Nếu mắt gừng đã nảy mầm, bạn có thể mang chúng ra trồng trực tiếp luôn mà không cần phải ngâm.
Đem gừng ra trồng vào chậu. phủ lên trên củ gừng khoảng 4cm đất, lưu ý đất phải tơi xốp và các mắt gừng phải hướng lên trên. Tưới nước đều đặn cho cây để tránh đất bị quá khô và nên tưới bằng bình xịt.
Đặt chậu vào khu vực ấm áp nhưng không quá nắng. Sau vài tuần bạn sẽ bắt đầu thấy gừng nhú mầm và mọc lá.
Khoảng 3-4 tháng sau khi trồng thì bạn có thể thu hoạch gừng. Mỗi lần thu hoạch chỉ cắt đủ lượng gừng cần dùng, sau đó lại lấp đất lại như cũ.
Chú ý vẫn cần luôn đảm bảo đất có đủ độ ẩm. Cũng giống như hành, tỏi, gừng là loại củ có thể phát triển liên tục nếu được chăm bón tốt.
4. Riềng
Riềng có lẽ không thường được sử dụng nhiều trong các món ăn, nhưng cũng là gia vị không thể thiếu trong món cá kho riềng, thịt giả cầy….
Giống như gừng, riềng cũng có thể dễ dàng được trồng bằng những mắt trên thân củ riềng và cách trồng cũng tương tự.
Chậu trồng riềng cần có đường kính khoảng 30-40cm, và chỉ trồng khoảng 1-2 củ cho một chậu. Riềng là loại cây rễ ăn ngang, cho nên không cần trồng quá sâu.
Chỉ cần trồng riềng cách mặt đất khoảng 8-10 cm.
Mặc dù là loại cây ưa bóng râm, nhưng bạn cũng cần đặt cây ở khu vực có ánh nắng chiếu đến mỗi ngày để cây có thể quang hợp và phát triển tốt.
Tưới nước ngày một lần vào sáng sớm vào mùa khô, mùa mưa thì chỉ cần tưới cách ngày.
Ngoài việc dùng làm gia vị, hoa riềng cũng rất đẹp. Sau 6-8 tháng thì cây sẽ bắt đầu ra hoa, và thường tươi rất lâu nên bạn có thể dùng riềng như một cây cảnh trong nhà nữa.
Tương tự như gừng, mỗi một lần dùng bạn có thể bới đất lên để cắt dùng, sau đó lại lấp đất lại như ban đầu.
5. Sả
Sả không chỉ có ích trong việc chế biến đồ ăn, nó còn có công dụng đuổi muỗi và làm đẹp cho các chị em.
Với ngần ấy công dụng, hẳn nhiên nó là thực phẩm không thể thiếu trong bất kỳ bếp nhà nào, và tuyệt vời nhất chính là việc trồng sả lại chẳng khó khăn gì.
Tìm mua sả ở chợ hoặc siêu thị gần nhà. Chú ý chọn củ sả vẫn còn phần cuống và tươi nhất có thể. Bóc bỏ lớp vỏ ngoài cùng và những chiếc lá đã khô trên thân củ sả nếu có.
Sau đó cắt phần gốc sả ra, bỏ vào một cốc nước sao cho phần nước ngập đến khoảng 4cm của đoạn sả.
Đặt cốc này ở bệ cửa sổ có nhiều nắng và thay nước hàng ngày trong 3-4 tuần cho tới khi rễ của củ sả dài đến 4cm.
Chậu trồng cần phải có lỗ thoát nước, sâu ít nhất 16-18cm và rộng 20-24cm. Đất phải được làm ẩm nhưng không ướt trước khi trồng sả.
Sau khi làm ẩm đất thì dùng thanh gỗ nhỏ chọc hố xuống đất để trồng sả.
Đặt sả đã mọc rễ vào trong các hố một cách nhẹ nhàng, tránh để làm gãy rễ. Sau đó lấy đất lấp xung quanh hố. Đặt chậu ở khu vực có nhiều nắng.
Tưới nhiều nước cho cây để giữ đất luôn ẩm nhưng không ướt. Khi thời tiết quá nóng hoặc quá gió thì tưới nước thường xuyên hơn, vì cây trồng trong chậu thường hút nước nhanh hơn cây trồng trực tiếp ngoài đất vườn.
Thu hoạch sả thường xuyên sẽ giúp sả phát triển tốt hơn, và chỉ sau vài tuần hoặc vài tháng, bạn sẽ bất ngờ với số sả mà mình thu được chỉ từ một vài củ sả ban đầu.
6. Ớt
Thường những ai đã quen với việc ăn ớt sẽ rất khó chịu khi nước chấm hoặc đồ ăn không có vị cay, vì cảm giác đồ ăn sẽ mất gia vị đi rất nhiều.
Tự trồng một cây ớt trong nhà, để khỏi phải vì quên mà mất ngon trong bữa ăn với cách trồng ớt cực đơn giản này nhé!
Bạn có thể dùng những quả ớt đã bị khô héo trong bếp để đem vùi cả quả xuống đất nếu muốn có nhiều cây cùng lúc (Sau này sẽ tách các cây ra nhiều chậu).
Hoặc tách quả lấy hạt đem phơi khô để trồng, ngâm hạt khô trong nước ấm 50 độ C khoảng 2-8 tiếng đồng hồ. Gieo hạt vào chậu rồi phủ một lớp đất mỏng lên trên.
Đặt chậu ở khu vực có nhiều nắng. Chú ý tưới nước để đất luôn đủ độ ẩm. Chú ý di chuyển cây tránh để cho cây chịu nắng quá gắt trong giai đoạn này.
Sau khi cây nảy mầm và cao khoảng 10-15cm, chọn những cây to và di chuyển cây sang chậu lớn hơn để cây phát triển tốt hơn.
Sau 2 tháng, cây sẽ bắt đầu ra hoa, và đến tháng thứ 3 thì ra quả. Trong giai đoạn phát triển của cây, chú ý tỉa bớt lá ở phần gần gốc cây để cây tập trung phát triển hoa và quả.