Cách tính giá xăng dầu bị "chê" nhiều bất cập, Bộ Công Thương nói gì?

Văn Huy |

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, thời gian qua, Bộ này và Bộ Tài Chính đã phối hợp chặt chẽ, hiệu quả việc điều hành giá xăng dầu theo đúng nội dung Nghị định 83/NĐ-CP.

Liên quan đến phản ánh của dự luận về việc cách tính giá xăng dầu trong thời gian qua đang lộ nhiều bất cập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2015 và thời gian đầu năm 2016, việc điều hành giá xăng dầu theo Nghị định 83/NĐ-CP đã có 2 nội dung được Lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành, doanh nghiệp và các đối tượng tiêu dùng đánh giá tích cực.

Cụ thể, theo Thứ trưởng Hải, trước hết, giá xăng dầu trong nước đã tiệm cận với giá thị trường thế giới. 

Tức là giá thế giới tăng thì giá trong nước cũng tăng và ngược lại, còn mức độ tăng, giảm bao nhiêu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố và sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ và liên Bộ Công Thương – Tài chính.

Thứ hai là tính công khai minh bạch trong việc điều hành. Chúng ta đã có công thức tính giá xăng dầu được đăng tải công khai. 

Tổ điều hành giá xăng dầu gồm đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương và Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ và theo đúng quy định.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng cho biết, gần đây có việc Việt Nam đã ký kết các FTA thế hệ mới, trong đó có FTA đã có hiệu lực thi hành, nên có việc về thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu khi áp dụng khác nhau nên Bộ Tài Chính đã trình Chính phủ và theo chỉ đạo của Thủ tướng thì cũng đã có áp dụng thuế suất mới. 

Dựa vào đó, theo quy định, Bộ Công Thương là đầu mối tiếp tục phối hợp với Bộ Tài Chính để điều hành giá xăng dầu.

"Chúng ta điều hành giá xăng dầu phải dựa vào quy định của Nghị định 83/NĐ-CP, theo đó phải căn cứ vào nhiều yếu tố, trong đó có thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu, theo quy định là do Bộ Tài chính là đơn vị đầu mối thực hiện. 

Nếu có vướng mắc, Bộ Tài chính sẽ phải báo cáo Chính phủ hoặc Quốc hội xem xét, quyết định", Thứ trưởng Hải cho biết.

Ông Hải cũng cho biết, mới đây, Bộ Công Thương có nhận được công văn của doanh nghiệp (gồm doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước tại khu lọc dầu Dung Quất và doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu) và Hiệp hội xăng dầu Việt Nam.

"Các ý kiến cho rằng, thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu hiện đang áp dụng vẫn chưa đảm bảo hài hòa lợi ích của các DN sản xuất và kinh doanh xăng dầu, các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tượng sử dụng xăng dầu. 

Việc này, Bộ Công Thương đã tập hợp ý kiến và gửi công văn báo cáo Chính phủ và gửi cho các Bộ, ngành có liên quan, trong đó có Bộ Tài chính", lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Mới đây, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam đã có văn bản báo cáo và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về một số vướng mắc hiện nay của các doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu.

Theo đó, Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho biết, theo cam kết, hiện Việt Nam đang thực hiện lộ trình giảm thuế nhập khẩu xăng dầu theo các hiệp định song phương và đa phương đã được ký kết với các mức thuế nhập khẩu khác nhau (đối với xăng là 20% nhập từ ASEAN và 10% nhập từ Hàn Quốc; tương tự, các mặt hàng dầu 0% và 5%)...

Mặc dù vậy, trước ngày 21/3/2016: áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở theo Thông tư số 48/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính đối với mặt hàng xăng là 20%, các mặt hàng dầu là 7%; thoát ly thuế nhập khẩu thực tế các doanh nghiệp nhập khẩu về Việt Nam.

Kể từ ngày 21/3/2016, Bộ Tài chính áp mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở là bình quân gia quyền các mức thuế nhập khẩu ưu đãi theo thực tế nhập khẩu từng quý, lấy số liệu quý trước tính cho quý sau (Văn bản 189/BTC-QLG ngày 18/3/2016 và Văn bản 4536/BTC-QLG ngày 05/4/2016); mức thuế nhập khẩu hiện đang áp dụng để tính giá cơ sở là 18,35% đối với xăng, 2,32% đối với điezen và 0% đối với dầu hỏa và mazut.

Theo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam, sau khi điều chỉnh việc áp dụng mức thuế nhập khẩu để tính giá cơ sở như trên vẫn còn bất cập. 

Cụ thể, phát sinh chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế doanh nghiệp phải nộp với mức thuế bình quân; ảnh hưởng trực tiếp đến Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn; và tạo sự không minh bạch cũng như thiếu cơ sở pháp lý trong điều hành giá bán xăng dầu…

Để khắc phục những bất cập trên, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam kính đề nghị Thủ tướng giảm thuế nhập khẩu xuống còn 10% đối với xăng và 0% đối với các mặt hàng dầu trong biểu thuế nhập khẩu ưu đãi (Hiện mức thuế nhập khẩu thấp nhất theo các cam kết của Việt Nam với quốc tế là 10% đối với xăng, 0% đối với các mặt hàng dầu) và là mức thuế để tính giá cơ sở...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại