Nhiều cây ATM giới hạn số tiền rút một lần. Do đó, khách hàng sẽ tốn không ít phí. Dưới đây là chiêu giúp người dùng tiết kiệm phí rút tiền tại ATM.
Sử dụng thẻ dành riêng cho việc rút tiền
Trong số các loại thẻ trên thị trường, phí rút tiền thẻ ghi nợ nội địa thấp nhất, ở mức khoảng 1.650-3.000 đồng/giao dịch. Vì vậy, nếu thường xuyên rút tiền hãy sử dụng loại thẻ này.
Thẻ tín dụng tuy có chức năng rút tiền nhưng mức phí cao (khoảng 4% số tiền rút). Do đó, không nên rút tiền ATM bằng thẻ tín dụng.
Ưu tiên rút tiền nội mạng
Hiện tại, nhiều ngân hàng vẫn thực hiện chính sách miễn phí rút tiền nội mạng như SHB, Techcombank, hoặc miễn phí rút tiền nội - ngoại mạng như ngân hàng Timo, VIB (nếu đăng ký gói Freedom)...
Vì thế, người tiêu dùng nên chọn cây nội mạng, hạn chế rút tiền ngoài hệ thống ngân hàng để tiết kiệm chi phí.
Rút lượng tiền tối đa
Phí rút tiền ATM phụ thuộc vào số lần thực hiện giao dịch. Do đó, khách hàng nên rút số lần ít nhất có thể, không nên rút nhiều lần.
Hạn chế dùng tiền mặt
Các chuyên gia ngân hàng cho rằng, thay vì đem theo tiền mặt bên người không an toàn, có thể gặp nhiều rủi ro như rơi, bị đánh cắp...người dùng nên chọn giải pháp thanh toán không tiền mặt như quẹt thẻ. Cách thanh toán bằng hình thức quẹt thẻ giúp hạn chế rút tiền ATM và phần nào tiết kiệm phí giao dịch.
Sử dung gói tài khoản, chọn ngân hàng ít phí
Để giúp khách hàng tối ưu hóa chi phí, nhiều ngân hàng đóng gói sản phẩm, thay vì bán riêng lẻ như trước. Vì thế, ngay từ khi ký hợp đồng với ngân hàng, các khách hàng kinh doanh nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp nên cân nhắc sử dụng gói tài khoản của ngân hàng. Các gói này thường ưu đãi các chi phí về giao dịch tài khoản, internet banking, lãi vay và phí sử dụng nhiều dịch vụ ngân hàng khác.
Lựa chọn dùng gói sản phẩm ngân hàng thay cho từng sản phẩm riêng lẻ giúp khách hàng tiết kiệm được nhiều khoản phí, trong đó có phí giao dịch ATM.