Nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện Đa khoa Asklepieion (Voula, Hy Lạp) chứng minh rằng chỉ cần chịu khó sắp xếp thời gian ngủ trưa dài đủ 1 giờ mỗi ngày, những bệnh nhân cao huyết áp có thể được hưởng lợi không thua gì việc uống thuốc hay chế độ kiêng khem muối và rượu nghiêm ngặt.
Các nhà khoa học đã theo dõi 212 tình nguyện viên có mức huyết áp tâm thu trung bình từ 130 mmHg, mức huyết áp đã được chứng minh là không khỏe mạnh. Kết quả cho thấy chỉ một thời gian áp dụng cách ngủ trưa 1 giờ mỗi ngày, huyết áp tâm thu trung bình của họ đã giảm được 5 mmHg.
Trong khi đó, nếu dùng thuốc trị cao huyết áp đều đặn, mức giảm trung bình là 5-7 mmHg; trong khi chế độ giảm bớt muối, kiêng rượu giúp giảm 3-5 mmHg.
Nếu kết hợp ngủ trưa 1 giờ mỗi ngày với các biện pháp truyền thống nói trên, tác dụng giảm huyết áp sẽ cao hơn và rất có lợi cho những bệnh nhân cao huyết áp nặng.
Theo tiến sĩ Manolis Kallistratos, tác giả chính của công trình, điều này đặc biệt có ý nghĩa để ngăn chặn các tai biến gây chết người của bệnh cao huyết áp, nhất là nhồi máu cơ tim.
Các phát hiện vừa được trình bày tại hội nghị quốc tế do Đại học Tim mạch Mỹ tổ chức.
Hiện nay, tiêu chí chẩn đoán cao huyết áp là mức huyết áp tâm thu/tâm trương từ 140/90 mmHg trở lên.
Tuy nhiên năm ngoái, một nghiên cứu công bố giữa năm 2018 do University College London (UCL, trường thành viên của Đại học London, Anh) dẫn đầu chứng minh rằng chỉ với mức huyết áp 130/80 mmHg, một người đã tăng đến 50% nguy cơ phát triển chứng mất trí nhớ. Sau nghiên cứu này, nhiều đơn vị y tế bắt đầu lấy mốc 130/80 mmHg làm chuẩn.