Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay

Bá Nam |

Thông tin cơ bản và hữu ích nhất về các chế độ lái trên ô tô hiện đại và ảnh hưởng của chúng đến quá trình điều khiển và vận hành của xe.

Cùng với sự phát triển của kỹ thuật và các công nghệ hỗ trợ điện tử, những chiếc ô tôđang ngày càng trở nên dễ lái và thân thiện hơn với người dùng. Một trong số những tính năng phổ biến và tiêu biểu nhất cho nhận định này chính là khả năng tùy chỉnh các chế độ lái khác nhau trên xe – trang bị đã trở nên phổ biến trên hầu hết các dòng xe trải dài ở mọi phân khúc.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 1.

Vì sao cần trang bị nhiều chế độ lái cho xe?

Về cơ bản, mỗi chiếc xe khi được thiết kế sẽ sở hữu đặc tính vận hành khác nhau tùy theo phân khúc, giá thành hay định hướng phát triển của nhà sản xuất. Có những xe được thiết kế tối ưu độ thoải mái, êm ái và nhẹ nhàng. Cũng có những mẫu xe nhấn mạnh đặc tính thể thao, qua đó hy sinh một phần độ thoải mái, yên tĩnh khi vận hành.

Việc ra đời nhiều chế độ lái khác nhau nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho khách hàng trên cùng một mẫu xe mà không làm mất đi đặc tính, định hướng ban đầu từ nhà sản xuất. Đối với những mẫu xe sở hữu nhiều chế độ lái, chủ xe có thể trải nghiệm nhiều đặc tính vận hành khác nhau và thay đổi chúng theo sở thích thông qua hệ thống nút bấm hoặc công tắc trên bảng điều khiển.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 2.

Cơ sở lý thuyết của hệ thống thay đổi chế độ lái trên ô tô

Về mặt lý thuyết, tính năng thay đổi chế độ lái hoạt động dựa trên thực tế rằng rất nhiều thành phần điều khiển, vận hành trên ô tô hiện nay đều hoạt động bằng các cảm biến và tín hiệu điện tử hơn là các cơ cấu cơ khí truyền thống.

Các ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như chân ga điện tử, trợ lực lái điện, hộp số tự động, van điều khiển ống xả hay cao hơn là hệ thống treo điều khiển điện tử trên những mẫu xe hạng sang như Mercedes S-class, BMW 7-series,… .

Tín hiệu từ các hệ thống này được gửi về bộ điều khiển trung tâm (ECU). Từ đó, ECU sẽ phân tích và điều khiển các hệ thống trên dựa theo chế độ lái mà người dùng đã chọn để mang đến kết quả cuối cùng là những trải nghiệm khác biệt về độ nhạy chân ga, thời điểm sang số, độ êm ái hay cứng vững của xe… .

Các chế độ lái thường gặp trên ô tô

Các chế độ lái phổ biến nhất trên ô tô có thể kể đến như:

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 3.

Normal: đây là chế độ mặc định trên xe, trung tính và cân bằng giữa độ êm ái, yên tĩnh và hiệu suất vận hành của xe. Đây cũng là chế độ thể hiện đặc tính nguyên bản mà nhà sản xuất muốn đem đến cho người dùng.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 4.

Comfort: đây là chế độ mà tất cả các thành phần vận hành điều khiển điện trên xe được ECU tối ưu hóa cho độ thoải mái, êm ái và yên tĩnh cho người ngồi trong xe.

Các thay đổi có thể cảm nhận ở chế độ này bao gồm giảm độ nhạy chân ga (độ trễ khi tăng tốc lớn hơn), tăng độ trợ lực cho vô lăng, sang số sớm hơn để giữ tua máy thấp nhất có thể, với những xe có hệ thống treo điện tử thì giảm chấn cũng được tinh chỉnh để mang lại cảm giác êm ái nhất.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 5.

Sport: ngược với Comfort mode, chế độ thể thao sẽ tối ưu các thành phần vận hành ưu tiên hiệu suất và cảm giác thể thao trên xe.

Độ nhạy chân ga tăng lên để giảm độ trễ khi tăng tốc, hộp số ngâm số lâu hơn, sang số trễ hơn để tối ưu độ bốc và khả năng tăng tốc, ống xả cho âm thanh to và phấn khích hơn, vô lăng nặng và đầm chắc hơn, hệ thống treo cũng trở nên cứng vững hơn để tăng độ bám đường khi vào cua. Qua đó, người điều khiển phải chấp nhận hy sinh một phần độ thoải mái và êm ái của xe.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 6.

Sport+ (Track): chế độ này thường chỉ xuất hiện trên những mẫu xe vốn được nhà sản xuất thiết kế theo định hướng thể thao, mạnh mẽ. Đúng như tên gọi, chế độ này chỉ thích hợp để vận hành trong những điều kiện đường đẹp và lý tưởng như đường đua (track).

Tất cả các hệ thống được tăng độ cứng vững, ổn định và đầm chắc nhất có thể, thậm chí các công nghệ an toàn hỗ trợ người lái như Kiểm soát lực kéo TCS hay Chống bó cứng phanh ABS cũng có thể được tắt đi để các tay lái "trình cao" thể hiện hết khả năng của mình.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 7.

Eco (Econ): viết tắt của economy (tính kinh tế). Ngay từ cái tên cũng đã cho thấy đây là chế độ giúp tối ưu tính kinh tế, hay cụ thể hơn là hiệu quả sử dụng nhiên liệu của xe.

Ở chế độ này, ECU có thể hạn chế một phần sức mạnh của xe, ngăn tình trạng thốc ga tăng tốc đột ngột, ổn định hệ thống điều hòa không khí cũng như ưu tiên sử dụng cấp số cao nhất có thể để tiết kiệm nhiên liệu. Chế độ này rất phổ biến trên các dòng xe lai xăng-điện hyid.

Tuy nhiên hiện nay Honda cũng đã trang bị nó cho các dòng xe phổ thông như City, Civic kèm theo cả hướng dẫn trực tiếp để người lái tiết kiệm nhiên liệu cho xe hiệu quả nhất.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 9.

Individual (cá nhân): đúng như tên gọi, đây là chế độ cho phép người lái tự tùy chỉnh các thông số vận hành theo với sở thích và cách chạy của bản thân. Bạn có thể kết hợp tùy chỉnh các đặc tính về độ nhạy, độ êm ái của các thành phần điều khiển và bật/tắt các trang bị hỗ trợ để tạo cho mình một chế độ lái riêng biệt và phù hợp nhất.

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 10.

Hiện nay, đa phần những hãng xe danh tiếng từ Đức như Mercedes, BMW, Audi đều đã trang bị hệ thống thay đổi chế lái cho các dòng xe của mình.

Còn ở phân khúc phổ thông, những dòng xe Hàn với ưu điểm dồi dào về trang bị cũng không đứng ngoài cuộc khi mang các chế độ lái khác nhau lên những dòng xe quen thuộc với khách hàng Việt như Hyundai Elantra, Hyundai SantaFe hay Kia Cerato, Kia Sorento,…

Cách sử dụng các chế độ lái trên ô tô hiện nay - Ảnh 12.

Trong khi đó, các nhà sản xuất Nhật Bản như: Honda, Toyota lại tập trung vào các chế độ lái tiết kiệm như Econ Mode trên Honda City, Honda Civic hay Eco mode trên Fortuner...

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại