Mới đây, Cục thống kê Hàn Quốc đã đưa ra dự báo rằng dân số Hàn Quốc sẽ tiếp tục giảm sau năm 2028.
Mặc dù là nước có nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới vào năm ngoái nhưng chỉ có tỷ suất sinh sản 0,98.
Một giáo sư của Đại học Oxford đã tuyên bố rằng có khả năng trong thời gian sắp tới Hàn Quốc sẽ là quốc gia biến mất khỏi trái đất do sự suy giảm dân số trầm trọng.
Như các nước khác, chính phủ Hàn Quốc đã thay đổi nhiều chính sách cũng như thay đổi môi trường để khuyến khích khả năng sinh sản của người dân nước này.
Ví dụ như ở thành phố lớn như Seoul, chính phủ đã xây dựng nhiều không gian cho trẻ em và tạo mọi điều kiện để các gia đình đến vui chơi, tạo ra bầu không khí hạnh phúc vui vẻ, thậm chí còn hỗ trợ rất nhiều chi phí cho những gia đình có con.
Nhưng sau tất cả, những biện pháp này không gặt hái được bất cứ thành quả nào. Đặc biệt, phụ nữ Hàn Quốc không tin rằng việc có con là một sự lựa chọn hạnh phúc.
Tại sao những người trẻ không sẵn sàng có con?
Những người trẻ tuổi ở Châu Á thường miễn cưỡng có con vì nhiều lý do, chủ yếu là các vấn đề cùng tồn tại.
Ví dụ như giá nhà đất cao, áp lực công việc cao, cạnh tranh khốc liệt tại nơi làm việc, thời gian đi làm dài, chi phí nuôi con cao ngất ngưỡng… tất cả những vấn đề này đã khiến người trẻ chọn cách không sinh, không kết hôn, hay thậm chí là không yêu.
Mỗi khi hỏi đến vấn đề này, người trẻ thường bị chìm đắm trong một loạt suy nghĩ: "Sinh không được", "Muốn sinh nhưng nuôi không nổi", "nuôi được nhưng không đủ tiền cho đi học",...
Có một cặp vợ chồng trẻ người Hàn, cả hai đều muốn có con nên đã sinh con ra, tuy nhiên vì cơm áo gạo tiền họ đã buộc phải đối mặt với cuộc sống bận rộn, không thể có thời gian chăm sóc con.
Họ đã gửi con mình đến một trung tâm chăm sóc trẻ em miễn phí suốt ngày. Và ở đây, câu hỏi đặt ra là, sinh con rồi để con sống như thế thì sinh làm gì?
Dưới áp lực của nền kinh tế quốc dân, Hàn Quốc đã trở thành một trong những quốc gia bắt người lao động làm thêm ngoài giờ. Điều này đặc biệt tàn nhẫn với phụ nữ.
Mặc dù, chính phủ Hàn Quốc từng quy định rằng phụ nữ có thể nghỉ thai sản 3 tháng có lương, nhiều nhất có thể nghỉ ngơi đến 1 năm, nhưng trên thực tế chỉ không đến ⅕ dám nghỉ kỳ thai sản vì biết rằng việc rời khỏi công ty quá lâu đồng nghĩa với việc đánh mất công việc, đánh mất vị trí đang có.
Và đó là lý do người phụ nữ rất ngại sinh để bảo toàn cuộc sống của chính mình.
"Tôi không muốn sinh con" là sự trả thù của phụ nữ?
Ở xã hội Hàn Quốc hiện nay, ngoài việc phụ nữ không đủ khả năng sinh con thì còn một lý do khác quan trọng hơn đó là không muốn sinh con.
Những người phụ nữ có giáo dục tốt, có quyền tự chủ trong việc sinh sản thì họ đã chọn việc không sinh con. Đây được xem là hiện tượng điển hình trong xã hội hiện đại và cũng là hiện tượng phổ biến trên toàn cầu.
Tuy nhiên, cũng là phụ nữ độc lập thì tại sao mức độ sinh sản ở Châu Á lại thấp hơn nhiều so với Châu Âu và Châu Mỹ?
Nhà phê bình sách Duy Châu của Trung Quốc nhận định vì việc hiện đại hóa ở Châu Á quá nhanh nên đã vô tình tạo ra con dao hai lưỡi.
Một mặt nó khuyến khích người phụ nữ tiến bộ, tự mình vươn lên để đạt được mục tiêu cho bản thân, nhưng trái lại điều này đã làm ảnh hưởng đến cấu trúc của gia đình truyền thống, rất hiếm phụ nữ giỏi việc nước đảm việc nhà và chu toàn hai thứ song song.
Hơn nữa với sự phân biệt giai cấp giàu nghèo địa vị ở Hàn Quốc đã khiến người phụ nữ tin rằng việc sinh con sẽ khiến cuộc sống trở nên thiếu thốn và tự nhiên nó sẽ trở thành sự trả thù của họ, đó là không muốn sinh.
Truyền thông Hàn Quốc gọi đó là cuộc tấn công sinh sản. Những người phụ nữ ấy không chỉ không muốn sinh con, mà còn không muốn kết hôn.
Theo quan điểm của nhà nghiên cứu dân số Hàn Quốc - Triệu Thành Hạo cho biết, có hai lý do khiến tỷ lệ sinh ở nước này thấp.
Thứ nhất, các cặp vợ chồng ngày càng không muốn có con. Thứ hai, ngày càng có nhiều người chọn sống độc thân.
Nhưng ông tin rằng, lý do thứ 2 là nguyên nhân cốt lõi. Những năm gần đây, tỷ lệ kết hôn ở Hàn Quốc ngày càng thấp.
Năm ngoái ở Hàn Quốc chỉ có 5% kết hôn, Trung Quốc cũng đang giảm dần, năm ngoái là 7,2%, ở Thượng Hải là 4,4%, Chiết Giang là 5,9%.
Đối với thế hệ trẻ ở Hàn Quốc, có một xu hướng rất được ưa chuộng gọi là "N-po generation" (thế hệ từ bỏ tất cả), và đó cũng lý do vì sao người trẻ tuổi chọn sống độc thân.
Vào năm 2011, xu hướng từ bỏ trong suy nghĩ của giới trẻ chỉ giới hạn ở "Sampo generation", tức là từ bỏ 3 thứ bao gồm không hẹn hò, không kết hôn, không sinh con.
Vào năm 2015, từ "Sampo generation" đã trở thành "Opo generation", tức là bỏ 5 thứ, bao gồm 3 thứ trên và các mối quan hệ cá nhân, bỏ mua nhà.
Đến năm 2016, Opo phát triển thành Chilpo, tức là từ bỏ 7 thứ, bao gồm 5 thứ trên cộng thêm ước mơ và hy vọng.
Vào cuối năm 2016, giới trẻ Hàn Quốc đã quyết định theo đuổi N-po, tức là bỏ mọi thứ, chỉ muốn buông xuôi và không mong đợi bất cứ điều gì.
Một nhà truyền thông Lê Minh đã nói rằng, người Hàn Quốc rất cởi mở trong tình yêu.
Nhiều thanh thiếu niên có bạn trai, bạn gái nhưng trên thực tế đó chỉ là những người bạn thân khác giới, không giống với những người yêu nhau.
Vì vậy, sau một thời gian, họ thậm chí còn không biết tình cảm đó là gì, họ liên tục phân tích và kiểm tra để có câu trả lời.
Ngoài ra, xã hội Hàn Quốc quá tập trung vào việc theo đuổi ước mơ. Người trẻ tuổi thường nghĩ rằng thật không may nếu mình không có ước mơ.
Và đương nhiên hành trình theo đuổi ước mơ là vô tận, có những người mãi chạy theo và mất đi hứng thú với cuộc sống hôn nhân. Sau cùng, chuyện yêu đương kết hôn lại thành trở ngại trong việc theo đuổi ước mơ.
Bên cạnh đó, văn hóa phim thần tượng Hàn Quốc đã xây dựng những nhân vật hư cấu, một anh chàng đẹp trai nhà giàu, có cuộc sống cao cấp đã khiến giới trẻ ảo tưởng cũng như làm tăng tiêu chuẩn chọn bạn đời.
Khi một số phụ nữ Hàn Quốc được hỏi vì sao không kết hôn, họ đều nói rằng không muốn hạ thấp chất lượng cuộc sống của mình. Người trẻ tuổi độc thân thì sẽ thực sự tận hưởng được cuộc sống tốt hơn.