Xem video:
Ở nước ta, nguồn truyền bệnh dại cho người 95% là từ chó nhà nuôi, sau đó là mèo. Có tới 1/3 số ca bệnh truyền nhiễm tử vong là do bệnh dại. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu.
Khi người bệnh đã lên cơn dại thì 100% dẫn tới tử vong. Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, sau khi bị chó, mèo nghi dại cắn, cần tiêm phòng bệnh dại càng sớm càng tốt. Các cách chữa khác như bằng thuốc nam đều không hiệu quả.
Cách sơ cứu khi bị chó, mèo cắn:
- Khi bị chó, mèo cắn nên rửa thật kỹ vết thương bằng xà phòng và các chất sát khuẩn để diệt virus dại; băng ép cầm máu nếu chảy máu nhiều.
- Tuyệt đối không nặn máu vì sẽ làm vết thương trầm trọng hơn. Còn nếu không chảy máu thì không nên băng quá kín.
- Sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Lưu ý về tiêm vaccine phòng dại:
- Nếu vết cắn nhẹ vào chân thì theo dõi con vật sau 15 ngày, nếu vẫn bình thường thì không cần tiêm vaccine. Còn nếu không theo dõi được con chó thì nên tiêm phòng.
- Khi bị cắn ở vùng đầu, mặt, cổ, đầu chi…dù vết cắn nhẹ cũng phải tiêm cả vaccine phòng dại và huyết thanh kháng dại.
- Nếu đến cơ sở y tế muộn sau khi chó cắn thì việc tiêm huyết thanh kháng dại sẽ không còn tác dụng, vì thế chỉ tiêm vaccine. Khi tiêm vaccine dại phải tiêm đủ liều theo quy định và tuân thủ đúng khoảng cách giữa các mũi tiêm theo hướng dẫn.