Cách sơ cứu cho bé bị co giật vì sốt cao

Anh Thư thực hiện |

Con trai tôi từng bị sốt cao, co giật hồi 2 tuổi và suýt nguy vì ngạt thở. Cháu có nguy cơ tái phát không, lúc đó tôi nên sơ cứu thế nào?

Bạn đọc Trần Hoài M. (nữ, 39 tuổi, quận Bình Thạnh, TP HCM), hỏi: Con tôi năm nay 3 tuổi. Hồi 2 tuổi cháu từng bị sốt cao co giật và thú thật lúc đó tôi chẳng biết làm thế nào, may có cậu hàng xóm là sinh viên y khoa phát hiện cháu đang bị ngạt đàm nhớt, có sơ cứu rồi cùng tôi đưa cháu đến viện. 

Tôi nghe nói trẻ đã co giật một lần sẽ tiếp tục tái phát, có đúng không? Vì sao bé bị co giật (con gái lớn của tôi có lúc sốt cao hơn cũng không bị giật)? Xin bác sĩ hướng dẫn tôi cách xử lý đúng.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:

Tình trạng co giật như con chị gặp hay xảy ra khi bé bị sốt quá cao, khó hạ, ví dụ như ở trẻ bị sốt xuất huyết, tay chân miệng nặng… Độ tuổi thường gặp nhất là 6 tháng đến 5 tuổi. Tuy nhiên nguy cơ xảy ra không nhiều, chỉ một số ít bé từng phải trải qua tình trạng trên.

Với bé đã từng co giật vì sốt cao như con trai chị, đúng là bé có nguy cơ cao hơn những trẻ chưa từng bị. Thông thường trẻ bị co giật khi sốt đến 39,5-40 độ C, tuy nhiên bé từng bị thì có thể sốt chưa đến mức đó đã bị co giật.

Cách phòng tránh là chủ động hạ sốt cho bé sớm. Ở trẻ có tiền sử sốt cao co giật, cặp nhiệt ở nách thấy chỉ số 38 độ (chưa cộng 0,5 độ) thì đã nên uống thuốc.

Cách xử lý khi bé bị co giật đầu tiên phải là hạ sốt. Không nên vội vã đưa đến bệnh viện mà chưa sơ cứu vì chính sự sốt cao sẽ gây nguy hiểm cho bé chứ không phải cơn co giật.

Co giật ở trẻ thường là co giật lành tính, diễn ra khoảng 1-2 phút, có bé chỉ 30 giây, nên bạn cần bình tĩnh.

Bạn cần chuẩn bị thuốc hạ sốt dạng nhét hậu môn cho bé, liều 80mg cho bé dưới 10 kg, 150mg cho bé 10-15 kg, 300mg cho bé trên 15 kg.

Nếu bé có tình trạng ngạt đàm nhớt, hãy đặt bé nằm nghiêng, dùng khăn chùi mũi, miệng liên lục để đàm nhớt thoát ra.

Khi đã chắc chắn đường thở bé thông suốt, bắt đầu lau và đắp khăn thấm nước hơi ấm cho bé để hạ sốt, không có thì dùng nước nhiệt độ thường cũng được.

Khăn đắp bao gồm 5 cái đắp ở 5 vị trí: trán, hai nách, hai bẹn, liên tục thay từng khăn để bảo đảm nhiệt độ khăn phù hợp để hạ sốt cho bé.

Khi bé bắt đầu bớt sốt, hãy đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra. Thường sốt cao co giật ở trẻ em là lành tính nhưng không loại trừ một số ít trường hợp là triệu chứng co giật là biểu hiện của một bệnh nào đó, cần sự thăm khám và điều trị trực tiếp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại