Cách sếp Nhật làm việc ở Việt Nam

Quang Huy |

Văn hóa tôn trọng trên dưới, tiết kiệm tài nguyên, đi sớm về trễ được nhiều người Nhật áp dụng ngay cả khi làm việc ở Việt Nam.

"Tôi nghĩ rằng bạn làm việc rất tốt", một ông chủ người Nhật sẽ nói với nhân viên dưới quyền người Việt như vậy, khi người này dành 2/3 thời gian trong ngày để vùi đầu vào đống giấy tờ và giải quyết công việc nhanh chóng trong những thời gian biểu dày đặc và ngắn hạn mà công ty giao cho.

Ngọc Anh là một nhân viên được đánh giá cao. Cô thường rời nhà từ 6h15 để lên xe đón nhân viên, vào làm lúc 7h30 sáng tại một trong những công ty liên doanh hàng đầu của Nhật Bản và Mỹ đóng nhà máy tại khu công nghiệp Từ Sơn - Bắc Ninh.

Theo lịch, công việc sẽ kết thúc lúc 18h tối để nhân viên lên xe trở về Hà Nội, nhưng rất hiếm khi Ngọc Anh rời trụ sở trong chuyến xe này. Rất tâm lý, công ty sẽ cho xe quay trở lại đón cô trong ca thứ hai, lúc 20h30 phút. Và trong 2 tiếng chờ xe, Ngọc Anh sẽ tiếp tục làm việc, sếp vẫn ở lại văn phòng cùng cô.

"Mỗi khi thấy tôi mệt mỏi vì làm việc đến tối muộn, sếp nói tôi nên về sớm và tiếp tục phần việc dang dở tại nhà. Tôi từ chối với lý do muốn dành toàn bộ thời gian ở nhà cho bản thân, mối quan hệ cá nhân.

Sếp rất ngạc nhiên, và nói 'bạn phải lựa chọn thôi, hoặc công việc, hoặc gia đình. Bây giờ bạn còn trẻ, bạn nên chọn công việc'. Đó dĩ nhiên là lựa chọn rất khó, vì tôi đã gần 35 tuổi và vẫn còn độc thân. Tôi muốn có gia đình riêng, nhưng không có thời gian để hẹn hò", Ngọc Anh chia sẻ.

Nghe có vẻ lạ, nhưng đó là cách người Nhật làm việc trong môi trường của họ. Phần lớn phụ nữ Nhật Bản không làm việc sau khi đã kết hôn. Họ nghỉ việc và chăm sóc con cái, gia đình, trong khi gánh nặng kinh tế sẽ được chồng cáng đáng.

Trong khi đó, những người đã độc thân đến ngưỡng 35 thường quyết định sống như vậy suốt đời, và làm việc không cần nghỉ hưu.

Khác với nhân viên người Việt, các sếp người Nhật thường thuê hoặc mua nhà ở gần công ty, sở hữu xe riêng để có thể đi về thuận lợi hơn. Họ cũng chỉ sang Việt Nam một mình mà không mang theo gia đình. Thay vào đó, họ về thăm nhà trong những dịp nghỉ lễ khá thường xuyên theo lịch của Nhật Bản.

Các công ty Nhật tại Việt Nam thích sử dụng người Nhật cho những vị trí quản lý cao nhất, bởi văn hóa kỷ luật vốn quen thuộc trong đời sống đất nước anh đào sẽ dễ dàng được phát huy tại Việt Nam. Sếp luôn về sau nhân viên cuối cùng, và đến đúng giờ vào buổi sáng hôm sau.

Sự chuẩn mực về giờ giấc được coi như tiêu chuẩn hàng đầu khi làm việc với người Nhật. Họ sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các chế độ đưa đón và yêu cầu nhân viên chấp nhận sự bất tiện, nếu điều đó đảm bảo việc nhân sự đến đúng giờ làm việc buổi sáng. Với người Nhật, cần cù được đánh giá cao hơn nhanh nhẹn và thông minh.

Nhân viên cũng được yêu cầu không dùng đồ ăn trong khu vực làm việc, ăn nhanh, làm nhanh, di chuyển nhanh, hạn chế tối đa tiếng ồn. Tiết kiệm tài nguyên của công ty cũng là yêu cầu được nhiều sếp Nhật đặt ra đối với các nhân viên dưới quyền.

Chỉn chu và cực kỳ khó khăn trong công việc, nhưng sếp Nhật thường gây được thiện cảm với nhân viên trong những mối quan hệ xã giao. Họ không ngần ngại chờ đợi nhân viên, thường xuyên tặng quà (những món ăn vặt hoặc đồ lưu niệm nhỏ) khi đi du lịch, và thể hiện sự thích thú khi các nhân viên bản địa có thể dùng được (dù chỉ một chút) tiếng Nhật.

Nguyễn Hoàng làm cho một công ty của Nhật tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đã được 4 năm. Dù mọi công việc hàng ngày đều thực hiện thông qua tiếng Anh, nhưng Hoàng cho hay, hơn một nửa nhân viên tại công ty này vẫn học thêm tiếng Nhật để có thể giao tiếp tốt hơn với sếp người Nhật.

"Không có ưu tiên cụ thể nào với những nhân viên giỏi tiếng Nhật hơn tiếng Anh, dù chúng tôi có lợi thế về giao tiếp hơn. Mọi công việc, dù rất nhỏ, đều được thực hiện và nghiệm thu qua email, vì thế, tiếng Anh vẫn là công cụ liên lạc chính", Hoàng chia sẻ.

Sếp người Nhật làm việc tại Việt Nam đối xử với nhân viên bản địa và với những người Nhật khác nhau. "Họ biết về mối quan hệ có phần bình đẳng giữa sếp và nhân viên tại Việt Nam, và tôn trọng điều đó.

Nhưng giữa những người Nhật, cách đối xử lại hoàn toàn khác. Gập người cúi chào, tuân theo chỉ thị một cách chính xác và đối xử một cách cực kỳ kính trọng. Họ giữ văn hóa trên dưới rất cẩn trọng, dù rằng không yêu cầu người Việt phải thực hiện chuẩn xác như mình".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại