Cách phi hành gia Liên Xô ‘cứu’ nhân loại khỏi trạm không gian 'chết' rơi xuống Trái đất

Hữu Hiển |

Tháng 6/1985, các phi hành gia Liên Xô đã ghép nối thành công tàu vũ trụ với trạm không gian Salyut 7 "chết" theo cách thủ công.

Theo trang Russia Beyond, cho đến nay, đây vẫn được coi là một trong những sứ mệnh khó khăn và nguy hiểm nhất trong lịch sử ngành hàng không vũ trụ.

Cách phi hành gia Liên Xô ‘cứu’ nhân loại khỏi trạm không gian chết rơi xuống Trái đất - Ảnh 1.

Trạm không gian Salyut 7 của Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Mất liên lạc

Vào lúc 9:23 sáng ngày 11/2/1985, Trung tâm Điều khiển Sứ mệnh RKA (TsUP) của Liên Xô đã liên tục gửi tín hiệu đến trạm Salyut 7 để kiểm tra xem tất cả các hệ thống của trạm có hoạt động hay không. Trạm không gian này đã không có người ở trong nửa năm do các chuyến thám hiểm không gian tạm dừng kéo dài và Salyut 7 đang vận hành tự động. Tuy nhiên, lần này, không có phản hồi nào đến từ Salyut 7. Chắc chắn đã có chuyện gì đó xảy ra; tuy nhiên, không ai trên Trái đất có thể đưa ra lý do khiến trạm bị ngắt kết nối đột ngột.

Nếu không có sự điều chỉnh điện tử về quỹ đạo bay, Salyut 7 đang trở thành một “sao chổi” nặng 19 tấn không thể điều khiển được từ từ tiếp cận Trái đất. Ngay cả với những tính toán lạc quan nhất, thực tế là không thể tránh khỏi thương vong – những mảnh vụn không cháy trong khí quyển có thể rơi xuống đe dọa các thành phố.

Tuy nhiên, kịch bản này không hoàn toàn thuyết phục được cả TsUP và các lãnh đạo Liên Xô. Lý do chính để khởi động một sứ mệnh giải cứu (dù nghe có vẻ hoài nghi) là một thảm họa quy mô như vậy sẽ gây ra thiệt hại không thể khắc phục được đối với danh tiếng của ngành hàng không vũ trụ Liên Xô.

Đào tạo gấp rút

Việc chuẩn bị cho sứ mệnh giải cứu được bắt đầu ngay sau khi Salyut 7 mất kết nối. Đến giữa tháng 3/1985, các phi hành gia cho sứ mệnh này đã được phê duyệt. Những người giàu kinh nghiệm nhất đã được chọn: chỉ huy phi hành đoàn là Vladimir Dzhanibekov, cùng với kỹ sư bay Viktor Savinykh.

Quá trình đào tạo của họ kéo dài 4 tháng. Trong suốt thời gian này, Dzhanibekov phải "đuổi bắt" trạm không gian khi đang bay, giải quyết nhiều tình huống khác nhau trong một trình mô phỏng. Bất kỳ sai lầm nào cũng có thể phải trả giá bằng mạng sống của chính các phi hành gia cũng như con người trên Trái đất.

Vì nguyên nhân khiến trạm không gian bị ngắt kết nối vẫn còn là một bí ẩn, Savinykh đã phải nghiên cứu tất cả các tài liệu có sẵn về Salyut 7. Ngoài ra, anh còn phải học cách bò quanh mô hình trạm không gian trong bóng tối hoàn toàn, vì có thể không còn điện trên Salyut 7.

Tàu vũ trụ cứu hộ Soyuz T-13 cũng được thay đổi thiết kế. Một khoang trong tàu vũ trụ được dùng để cất giữ thực phẩm trong thời gian dài, vì không biết các phi hành gia sẽ mất bao lâu để cứu hộ Salyut 7 "chết" và thực phẩm dự trữ trong các hầm hàng của nó có thể đã bị hỏng do không gian lạnh lẽo.

Cách phi hành gia Liên Xô ‘cứu’ nhân loại khỏi trạm không gian chết rơi xuống Trái đất - Ảnh 2.

Hai phi hành gia Vladimir Dzhanibekov và Viktor Savinykh. Ảnh: Sputnik

Cuộc ‘đuổi bắt’ trong không gian

Sáng sớm ngày 6/6/1985, Dzhanibekov và Savinykh bắt đầu sứ mệnh giải cứu từ Sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan. Đội cứu hộ chỉ có một cơ hội thành công ở độ cao 300km so với bề mặt Trái đất.

Vào ngày thứ hai của chuyến bay, Dzhanibekov và Savinykh đã tiếp cận Salyut 7. Theo tính toán của họ, tàu vũ trụ Soyuz chỉ cách mục tiêu 10km. Một “ngôi sao” nhỏ đã lấp lánh ngoài cửa sổ, dần dần trở nên sáng hơn.

Đội cứu hộ chuẩn bị thực hiện thao tác khó nhất trong lịch sử du hành vũ trụ. Ở chế độ tiếp cận tự động, Dzhanibekov giảm khoảng cách xuống còn 2,5km và bắt đầu ghép nối với Salyut 7. Tuy nhiên, khi bay đủ gần, các phi hành gia nhận ra rằng họ đã phạm sai lầm…

Cổng ghép nối không hoạt động của Salyut 7 đang ở trước mặt lực lượng cứu hộ. Ở vị trí này, họ chỉ có hai lựa chọn: quay trở lại Trái đất hoặc cố gắng bay vòng quanh trạm không gian để ghép nối ở cổng phía bên kia. Tuy nhiên, hành động sau có thể khiến cả hai phi hành gia phải trả giá bằng mạng sống của mình. Dzhanibekov đã xin phép TsUP. Sự im lặng kéo dài khiến họ căng thẳng, nhưng sau vài phút, các phi hành gia nhận được phản hồi: họ phải thử.

Việc bay vòng quanh trạm không gian đã diễn ra thành công nhờ quá trình đào tạo lâu dài và kinh nghiệm của Dzhanibekov. Bây giờ, anh quan sát cổng ghép nối đang hoạt động của Salyut 7 qua một lỗ cửa sổ. Tất cả những gì họ còn lại là hoàn thành thao tác ghép nối ở chế độ thủ công. Họ phải thực hiện thao tác này với độ chính xác gần như tuyệt đối. Nếu Dzhanibekov giật tay lái dù chỉ một milimet, tàu vũ trụ Soyuz có thể dễ dàng làm hỏng cổng ghép nối hoặc chọc thủng Salyut 7, đồng nghĩa với nhiệm vụ thất bại.

Con tàu vũ trụ khựng lại trong giây lát. Các phi hành gia cảm thấy một lực đẩy nhẹ, sau đó tiếng kêu của chốt tự động vang lên, tàu Soyuz đã ghép nối an toàn với Salyut 7 “chết”.

Nhiệm vụ khả thi

Ngay cả khi đó, sứ mệnh giải cứu vẫn chưa kết thúc, họ phải làm cho trạm không gian hoạt động trở lại. Dzhanibekov và Savinykh chuẩn bị bước vào trạm Salyut 7. Tất cả công việc phải được thực hiện thủ công do hệ thống tự động đã gặp trục trặc. Họ mở một van nhỏ trên cửa để dẫn không khí từ Soyuz đến các khoang của Salyut 7. Khi áp suất đã cân bằng, họ tiến vào trạm.

Họ xác nhận rằng không có điện trên trạm không gian. Tất cả hệ thống đều tắt và các thiết bị đều tiếp xúc với nhiệt độ thấp; không rõ liệu chúng có thể bật lại được hay không. Pin cũng bị hỏng. Và việc cung cấp năng lượng từ tàu vũ trụ Soyuz là quá nguy hiểm, vì nếu hệ thống điện bị chập, nó có thể vô hiệu hóa tất cả các thiết bị điện tử trên Soyuz, đồng nghĩa với việc chắc chắn họ sẽ chết.

Chỉ có một cách: khởi động nguồn điện của Salyut 7 trực tiếp từ các tấm pin mặt trời. Với động cơ của Soyuz, họ đã xoay hướng trạm không gian sao cho ánh sáng mặt trời chiếu thẳng vào các tấm pin. Và các thiết bị của trạm bắt đầu có dấu hiệu hoạt động. Một ngày sau, Savinykh quyết định kết nối pin với hệ thống năng lượng của trạm và Salyut 7 hoạt động trở lại.

Cách phi hành gia Liên Xô ‘cứu’ nhân loại khỏi trạm không gian chết rơi xuống Trái đất - Ảnh 3.

TsUP đã khôi phục được quyền điều khiển từ xa trên Salyut 7 chỉ sau 7 ngày và các phi hành gia chuyển sang hoạt động thường ngày. Ảnh: Sputnik

Tổng cộng, các phi hành gia đã dành hơn 100 ngày trên Salyut 7. Trong thời gian này, họ không chỉ sửa chữa trạm không gian mà còn cập nhật phần lớn các thiết bị điện tử trên đó. Trong quá trình sửa chữa, họ đã tìm ra nguyên nhân của sự cố: một trong các cảm biến trên pin bị hỏng và gửi tín hiệu sai rằng tất cả pin đã được sạc đầy. Máy tính trên trạm không gian đã tắt các tấm pin mặt trời nên đến một ngày, năng lượng của Salyut 7 cạn kiệt và trạm ngừng hoạt động.

Ngày 21/11/1985, tàu vũ trụ Soyuz quay trở lại Trái đất, trong khi trạm không gian Salyut 7 được đưa lên quỹ đạo và tiếp tục hoạt động ở chế độ tự động.

Đến năm 1990, trạm không gian Salyut 7 hết thời hạn hoạt động và bắt đầu rơi xuống Trái Đất với tốc độ 6 - 8 km/ngày. Trong đêm từ ngày 6 đến ngày 7/2/1991, Salyut 7 đi vào bầu khí quyển phía trên với tốc độ 30.000 km/h, nơi nó gần như bốc cháy hoàn toàn.

Các mảnh vỡ của Salyut 7 được xác định rơi xuống Argentina, trong đó một vài mảnh thiết bị cháy dở được phát hiện ở thị trấn Capitan Bermudez nhưng không có thương vong.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại