Cách nhóm Trương Mỹ Lan vận hành gần 1.500 công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát: Thuê hàng nghìn người đứng tên, nhóm chính được trả lương 8 – 10 tỷ đồng/tháng

Quốc Thụy |

Theo kết luận điều tra, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát lập 1.470 Công ty với gần 1.800 cá nhân để đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tài sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Trong kết luận điều tra vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB giai đoạn 2, cơ quan cảnh sát điều tra đã đề cập tới thủ đoạn thành lập Công ty "ma" (không có bộ máy nhân sự, hoạt động thực tế), thuê người đứng tên thành lập Công ty, sở hữu cổ phần, tài sản, khoản vay, ký khống tài liệu ... phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (Tập đoàn VTP).

Theo kết quả điều tra, việc thành lập các "Công ty ma" cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát do Văn phòng HĐQT phụ trách, phối hợp với Nguyễn Ngọc Dương, Tổng Giám đốc và Nguyễn Phương Anh, Phó Tổng giám đốc Công ty SPG thực hiện, gồm: đặt tên Công ty, tìm thuê người đứng tên thành lập Công ty dưới các vai trò là Người đại diện pháp luật, cổ đông, thành viên Công ty TNHH, tìm địa chỉ ảo cho Công ty trên đăng ký kinh doanh, chọn ngành nghề kinh doanh ... cho phù hợp với các hoạt động tài chính cụ thể.

Nguyễn Ngọc Dương chỉ đạo Bùi Đức Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Natural Land và các nhân viên thuộc Công ty Sunny World, Natural Land... tìm kiếm, thuê người và cung cấp thông tin cho Phan Chí Luân, Nhân viên Văn phòng HĐQT quản lý, cập nhật danh sách để kiểm tra điều kiện của các cá nhân, chuyển thông tin cho Đặng Phương Hoài Tâm, nhóm Đặng Ngọc Diệp, nhân viên Văn phòng HĐQT để báo cho Hoàng Gia Thủy, nhân viên Văn phòng HĐQT (người quản lý nhóm hành chính của các Công ty gồm khoảng 10 nhân viên) soạn thảo hồ sơ thành lập Công ty rồi chuyển cho Liêu Nguyễn Phượng Uyên, nhân viên Văn phòng HĐQT làm thủ tục thành lập Công ty tại Sở KH&ĐT TP. Hồ Chí Minh.

Các "Công ty ma" sau khi được thành lập được báo cho Phan Chi Luân để theo dõi tổng thể, nhóm Hoàng Gia Thủy sẽ quản lý các con dấu, giấy phép đăng ký kinh doanh và hồ sơ liên quan...

Ngoài ra, Nguyễn Phương Anh sẽ phân bố các Công ty cho các Kế toán thuộc Nhóm SPG (có khoảng 30 người) như: Phạm Thị Thúy Hằng, Lê Thị Minh Hiền, Nguyễn Thị Xuân Niệm, Đình Thị Trúc Chi... mỗi người quản lý 20 - 30 Công ty, có nhiệm vụ mở tài khoản, kể khai kế toán, báo cáo thuế, báo cáo tài chính ... và theo dõi, quản lý hồ sơ hoạt động của các "Công ty ma", phục vụ cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn (vay vốn, phát hành trái phiếu, mua bán/chuyển nhượng cổ phần, tài sản...).

Ngoài nhóm Công ty SPG của Nguyễn Ngọc Dương, Nguyễn Phương Anh là nhóm chính thì còn có nhiều nhóm tìm người khác cho Tập đoàn như nhóm của Diệp Thúy, Mỹ Thanh... qua từng giai đoạn hay các nhóm quản lý Công ty "ma" khác như: nhóm Acumen của Trịnh Quang Công, nhóm của Nguyễn Hữu Hiệu...

Riêng nhóm Công ty SPG, Tập đoàn VTP sắp xếp nguồn tiền từ 8 – 10 tỷ đồng/1 tháng để chi trả lương cho các cá nhân được thuê, tùy vào mức độ tham gia.

Cụ thể, lương đứng tên thành lập Công ty 12 triệu đồng/tháng/Công ty có khoản vay, từ 7-10 triệu/tháng/Công ty không có khoản vay; lương đứng tên cổ phần 02 triệu đồng/tháng/Công ty; lương đứng tên khoản vay 15 – 25 triệu đồng/năm/khoản vay; các khoản lương này do nhóm Nguyễn Phương Anh, chủ động chi trả bằng tài khoản từ nguồn do Tập đoàn cấp.

Lương đứng tên tài sản là khoảng 15 triệu đồng/năm. Cuối năm, Đặng Phương Hoài Tâm tổng hợp danh sách tài sản và cá nhân đứng tên tài sản cho Trương Mỹ Lan để xin nguồn chỉ trả lương; sau đó, tiền mặt được chuyển lên Văn phòng HĐQT để Đặng Phương Hoài Tâm trực tiếp chi tiền mặt cho các trưởng nhóm tìm người đứng tên (Nguyễn Ngọc Dương, Diệp Thúy, Mỹ Thanh...).

Với phương thức này, theo danh sách quản lý của Nguyễn Phương Anh, Phan Chí Luân và tài liệu, chứng cứ khác ghi nhận đến thời điểm khởi tố vụ án (ngày 07/10/2022), Tập đoàn VTP đã có 1.470 Công ty (bao gồm 46 Công ty nước ngoài và một số ít Công ty do Trương Mỹ Lan mua lại) và gần 1.800 cá nhân đứng tên thành lập doanh nghiệp, đứng tên khoản vay, cổ phần, tải sản, ký khống tài liệu, chứng từ.

Sau khi được thành lập, các "Công ty ma" sẽ được lựa chọn, đưa vào sử dụng cho các hoạt động tài chính của Tập đoàn VTP.

Trong đó, có 656 Công ty được sử dụng để vay tiền SCB, trong đó hiện còn 435 Công ty còn dư nợ gốc và lãi, đều thuộc nợ nhóm 5, không có khả năng thu hồi (đã được điều tra, kết luận ở Giai đoạn 1);

Có 85 Công ty được thành lập để chuyển tiền từ Việt Nam đi nước ngoài và 63 Công ty nhận tiền từ các Công ty nước ngoài chuyển về Việt Nam thông qua Ngân hàng SCB (trong đó có 23 Công ty có sai phạm trong việc chuyển tiền quốc tế, được chứng minh ở Giai đoạn 2);

Có gần 50 Công ty được sử dụng để tạo lập, phát hành trái phiếu và hàng trăm Công ty khác được thành lập cho các mục đích khác như mua tài sản, đứng tên Dự án, cơ cấu lại sở hữu cổ phần giữa các Công ty, chuyển nhượng cổ phần, tài sản cho các cá nhân theo mục đích của Trương Mỹ Lan.

Theo cơ quan điều tra, việc tạo dựng một số lượng lớn Công ty "ma", cá nhân đứng tên còn là tiền đề cho việc thực hiện thủ thuật tài chính thường gọi tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát là "Giải quỹ", thực chất là cho các Công ty chuyển tiền cho các cá nhân dưới hình thức "hứa chuyển nhượng cổ phần" của các Công ty ma thuộc Tập đoàn với mức đơn giá cổ phần được nâng khống lên nhiều lần tùy vào quy mô và tài sản của các Công ty; làm căn cứ chuyển tiền và rút tiền ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB mà không làm phát sinh thuế theo quy định của pháp luật.

Ứng dụng của thủ thuật "Giải quỹ" được sử dụng chính cho việc rút tiền (dòng tiền thật) từ các khoản giải ngân của Ngân hàng SCB nhằm "cắt đứt" dòng tiền, "che giấu" mục đích sử dụng tiễn, ngoài ra còn được sử dụng khi cần chạy "kỹ thuật" các dòng tiền "khống" trong quá trình tạo lập trái chủ sở cấp cho các gói trái phiếu của các Công ty phát hành hay rút tiền từ nước ngoài chuyển về...


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại