Bạn sẽ khó để phát hiện ra người nói dối hơn khi thông qua lời nói của họ. Rất có thể họ đã tập luyện trước về những gì mình sẽ thốt ra. Không giống như lời nói, ngôn ngữ cơ thể có xu hướng thật hơn và giúp bạn xác định người nói dối chính xác hơn.
Dưới đây là những dấu hiệu của người nói dối phổ biến nhất mà bạn cần chú ý:
Họ cười ít hơn khi nói dối
Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mọi người có xu hướng cười ít hơn khi họ nói dối, đặc biệt là ở nam giới. Mọi người thường có liên tưởng việc nói dối với nụ cười và do đó, người nói dối chọn cách giảm đi yếu tố dễ thấy này. Nếu ai đó cười khi nói dối, bạn sẽ thấy nụ cười có xu hướng ít chân thật hơn, họ dễ cười hơn và giữ nụ cười lâu hơn mức bình thường.
Họ gãi cổ khi cảm thấy lo lắng
Một dấu hiệu khác mà bạn có thể lấy làm căn cứ để xác định người nói dối là xem họ có gãi phần cổ ngay dưới tai khi trò chuyện hay không. Thường thì họ sẽ gãi bằng ngón trỏ của bàn tay thuận. Đây là tín hiệu điển hình thể hiện sự bất an, nghi ngờ và không chắc chắn khi một người không nói ra toàn bộ sự thật.
Họ có xu hướng chạm vào mặt nhiều lần
Chạm tay vào mặt có lẽ là một trong những dấu hiệu của sự lừa dối phổ biến nhất. Đó có thể là che mắt hoặc đặt tay lên trán, má... Điều này rất có thể bắt nguồn từ đặc điểm thời thơ ấu khi lũ trẻ thường bịt miệng, bịt tai, bịt mắt để không nói, không nghe, không nhìn. Khi chúng ta lớn hơn, những cử chỉ này trở nên nhanh hơn và ít rõ ràng hơn nhưng vẫn được sử dụng trong tiềm thức.
Tuy nhiên, việc một người chạm vào mặt nhiều lần không phải lúc nào cũng có nghĩa là họ đang nói dối. Có thể đối phương đang cố giữ lại thông tin nào đó mà họ nghĩ tốt hơn là mình không nói ra.
Họ che miệng một cách vô thức
Hành động che miệng là một phản xạ tiềm thức khi một người đang cố gắng chặn những lời dối sắp phát ra từ miệng mình. Đó có thể là lấy cả bàn tay che miệng hoặc đơn giản là một ngón tay đặt lên môi trong cử chỉ “suỵt”. Hành động này có thể bắt nguồn từ việc lúc nhỏ chúng ta thường thấy cha mẹ thực hiện cử chỉ này với mong muốn ta giữ im lặng. Ở tuổi trưởng thành, nó có thể dấu hiệu cho thấy ai đó đang nói dối. Một số người sẽ ngụy trang cử chỉ này bằng cách giả vờ ho.
Họ chạm vào mũi khi nói chuyện
Chúng ta đều biết về chiếc mũi sẽ dài ra mỗi khi nói dối của nhân vật Pinocchio. Các nhà khoa học tại Tổ chức nghiên cứu và điều trị về vị giác và khứu giác ở Chicago (Mỹ) đã phát hiện ra rằng mũi của con người thực sự “nở” ra khi nói dối. Điều này khiến họ có xu hướng muốn gãi, sờ vào mũi để giảm đi cảm giác ngứa râm ran.
Họ kéo cổ áo vì khu vực này trở nên nhạy cảm hơn khi nói dối
Đây là một trong những dấu hiệu dễ nhận biết của người đang nói dối. Lý do là bởi khi một người nói dối, họ dễ cảm thấy ngứa râm ran ở khu vực quanh mặt và cổ, khiến họ muốn chạm vào. Áp lực khi nói dối cũng khiến mồ hôi vùng quanh cổ tăng lên và đó là lý do tại sao người nói dối lại hay kéo, nới cổ áo.
Họ dụi mắt để tránh nhìn bạn
Điều này bắt nguồn từ những ngày thơ ấu khi chúng ta thường che mắt khi không muốn nhìn vào thứ gì đó. Khi trưởng thành, chúng ta vẫn vô thức dụi hoặc chạm vào vùng mắt khi không muốn nhìn vào thứ gì đó (trong trường hợp này là người mà chúng ta đang nói dối). Đó là cơ chế đối phó của bộ não để chống lại sự lừa dối và áp lực đối mặt với người mà chúng ta đang lừa dối.