Thao túng tâm lý thường là cách khiến bạn luôn nhận thấy sự thiếu sót, bị ai đó kiểm soát cách mình suy nghĩ và cư xử. Điều này có thể ảnh hưởng đến các quan điểm về bản thân, mối quan hệ và thế giới xung quanh nói chung.
Một số chiến thuật thao túng có thể tinh vi đến mức bạn có thể phải liên tục kiểm tra hành vi của chính mình hơn là của người khác. Điều này có thể đẩy bạn đến ranh giới mong manh của việc dễ bị tổn thương. Học cách xác định các dấu hiệu để tránh bị thao túng tâm lý có thể giúp bạn tự bảo vệ mình và đưa ra những quyết định đúng đắn.
Bạn cố gắng bỏ qua trực giác của mình
Dấu hiệu đầu tiên có thể là trực giác đang phát tín hiệu rằng có điều gì đó không ổn hoặc bạn đang cố chấp làm những điều mình không muốn. Tuy nhiên, bạn lại có xu hướng bỏ qua cảm giác này và cố gắng thuyết phục bản thân rằng mọi thứ đều ổn.
Ví dụ, bạn buồn vì người yêu luôn chơi điện thoại trong các buổi hẹn hò. Bạn nói với người ấy về cảm nhận của mình nhưng điều bạn nhận lại là sự nóng giận và câu nói: "Em quá nhạy cảm".
Cuộc trò chuyện sau đó chuyển sang câu chuyện bạn dường như đã phá hỏng buổi hẹn đặc biệt bằng cách gây ra một cuộc tranh cãi. Vì vậy, bạn quên đi những gì bạn muốn nói và cố gắng xoa dịu đối phương. Trong khi đó, người yêu của bạn lại tiếp tục đặt sự chú ý của mình vào điện thoại của người ấy.
"Chuyện gì vừa xảy ra vậy?" bạn tự hỏi mình. Song, bạn lại tiếp tục gạt đi suy nghĩ đó vì không muốn tạo thêm xích mích.
Bạn tự hỏi: Có phải bạn không?
Nếu bạn bắt đầu nghi ngờ bản thân và mong muốn của chính mình, bạn có thể đang rơi vào trạng thái bị thao túng tâm lý.
Bạn đã từng tự tin vào khả năng xử lý 1 tình huống cụ thể nhưng bây giờ bạn lại bắt đầu đặt câu hỏi về khả năng của mình. Thậm chí, bạn có thể tự hỏi rằng liệu mình có phải là "vấn đề" trong mối quan hệ hay không.
Chẳng hạn, bạn thử nói lại với người yêu về cảm giác của mình khi họ luôn nghịch điện thoại trong các cuộc hẹn hò vốn dĩ để 2 người yêu nhau tâm sự. Nhưng họ nói rằng bạn cũng vậy và bạn luôn cố gắng tìm lý do để cãi nhau.
Dù không cho rằng thực tế là như vậy, sau lần thứ 3 nghe lập luận này, bạn tự hỏi liệu vấn đề có phải là bạn không thể bỏ qua những điều nhỏ nhặt hay không. Có lẽ bạn nên "thư giãn" và tự tận hưởng buổi hẹn.
Bạn cảm thấy tội lỗi
Một dấu hiệu phổ biến cho thấy ai đó có thể đang thao túng bạn về mặt cảm xúc là bạn bắt đầu cảm thấy tội lỗi hoặc xấu hổ vì 1 hành động nào đó.
Ví dụ, bạn làm 2 công việc và hầu như không có thời gian cho bản thân. Sau đó là ngày nghỉ đầu tiên sau nhiều tháng, và bạn quyết định dành nó ở nhà và xem tivi vì đây là cách tốt nhất để bạn nạp lại năng lượng.
Khi nói điều này với bạn bè, bạn nhận thấy họ có vẻ khó chịu. Khi bạn hỏi có chuyện gì, họ nói rằng họ không thể tin được rằng bạn không ra ngoài để đi chơi với bạn bè vào ngày nghỉ. Bạn đột nhiên cảm thấy có lỗi đến nỗi cuối cùng bạn lại dành cả ngày để đi chơi dù không thật sự thích điều đó.
Mặc dù tình huống này có thể diễn ra theo cách này vì nhiều lý do khác nhau, đó là một dấu hiệu đỏ nếu bạn liên tục cảm thấy tội lỗi vì đã không nói hoặc làm những gì bạn muốn.
"Kẻ thao túng" đang bày tỏ sự không hài lòng về điều gì đó bạn nói hoặc làm, đặc biệt là khi bạn cố gắng thiết lập ranh giới. Sau đó, bạn sẽ nhượng bộ để khiến đối phương hài lòng và giảm bớt cảm giác tội lỗi.
Ý thức về bản thân trở nên mờ nhạt
Khi bạn bắt đầu mất cảm giác về con người mình sau khi làm theo yêu cầu dù là trực tiếp hay gián tiếp của người khác để từ bỏ ý kiến và sở thích của mình.
Ví dụ, trong một số cặp đôi lãng mạn, 1 người có thể áp dụng lối sống và sở thích của người kia để tránh xung đột. Nếu bạn muốn dành thời gian cho họ, bạn dường như phải làm những gì họ muốn.
Trong các mối quan hệ gia đình, có thể bạn không cảm thấy mình có thể bộc lộ bản thân cũng như những lựa chọn trong cuộc sống và bạn có thể hành động khác khi ở bên cạnh họ.
Bạn rất cẩn thận về lời nói hay hành động của mình
Có lẽ bạn nghĩ về nỗi sợ hãi như một cảm xúc hoặc phản ứng mãnh liệt trước một mối đe dọa. Tuy nhiên, nỗi sợ hãi cũng có thể biểu hiện như sự do dự khi hành động hoặc nói những điều nhất định để tránh xung đột hoặc xích mích.
Bạn thậm chí có thể không nhận thức được cảm giác của mình - bạn chỉ tự động tránh các chủ đề hoặc hành động nhất định có thể gây ra tranh cãi. Một số người có thể sử dụng sự tức giận như một chiến thuật thao túng tâm lý. Sự bộc phát của họ có thể khiến người khác lùi bước hoặc thay đổi hành vi của chính mình.
Bạn có thể thấy động thái này khi cha mẹ cảnh báo con họ đừng làm điều gì đó, nếu không họ có thể nổi điên. Khi trưởng thành, bạn cũng có thể sẽ phải trải qua các dấu hiệu lo lắng mà không có nguyên nhân rõ ràng. Bạn có thể nghĩ về mọi quyết định theo kiểu "Người kia sẽ làm gì?".
Ví dụ, bạn có thể muốn đi dự tiệc sinh nhật bạn bè, nhưng bạn biết người yêu không thích họ. Lần gần đây nhất bạn dành thời gian cho bạn mình, người yêu đã không nói chuyện với bạn trong nhiều giờ. Lần này, bạn suy nghĩ về điều đó 2 lần trước khi nhận lời, dự đoán rằng bạn có thể phải đối mặt với sự không hài lòng của đối tác nếu bạn làm vậy.
Bạn bắt đầu đặt câu hỏi về sức khỏe tinh thần của mình
Thao túng tâm lý không chỉ có thể gây căng thẳng và lo lắng mà còn có thể khiến bạn cảm thấy bối rối và bất an về hành vi và cảm xúc của mình. Bạn có thể bắt đầu tự hỏi liệu phản ứng của mình có phải là triệu chứng của tình trạng sức khỏe tâm thần hay không.
Khi ai đó liên tục chọc tức bạn, bạn bắt đầu đặt câu hỏi về trí nhớ và sức khỏe của mình đến mức bạn không chắc chắn liệu có những điều nhất định đã xảy ra hay không. "Thật kỳ lạ", điều đó dường như chỉ xảy ra khi ở cạnh người này.
Theo Psychcentra