Anh Minh nêu lại giải pháp của cố Tiến sĩ Đặng Xuân Toàn, một nhà khoa học tài năng và yêu Hà Nội: đặt trạm bơm ở hai đầu sông Tô Lịch, kết nối Tô Lịch với sông Hồng và hồ Tây, bơm liên tục tạo dòng chảy, làm Tô Lịch trở thành một con sông cuộn sóng đúng nghĩa.
Cùng với đó, phải tạo cơ chế để có nguồn thu từ những người được hưởng lợi khi con sông sạch đẹp hơn, lấy kinh phí đó tiếp tục "nuôi" sông Tô Lịch. Các biện pháp thực hiện đồng bộ, tạo một giải pháp tổng thể cứu sông Tô Lịch.
Tôi nghĩ ở Việt Nam ai đó mà làm được việc này thì đáng được tuyên dương Anh hùng, và lấy tên đặt cho con sông cũng không có gì làm quá.
Sau mấy ngày phập phồng với việc xả nước hồ Tây, khiến sông Tô xanh được một hôm rồi lại đen như cũ, không những thế kết quả thí nghiệm vi sinh của người Nhật từ mấy tháng nay còn bị cuốn trôi mất, tôi quyết định phải kể với các bạn Hà Nội câu chuyện Sông Thối ở Singapore nơi tôi đang sống.
Những năm 1970, ai đến Singapore sẽ được thưởng thức một con sông còn bẩn thỉu hơn sông Tô Lịch của Hà Nội ngày nay. Đầu dòng sông là nơi cư trú của gần một triệu con lợn được nuôi trong mười ngàn trại lợn.
Sông Singapore (Singapore River) vào những năm 1970.
Giữa dòng là hàng ngàn ngôi nhà ổ chuột, các quán xá, hàng rong. Cuối dòng sông - nơi đổ ra biển là hàng trăm thuyền vận tải lớn nhỏ đủ các cỡ đậu chen chúc.
Tất cả rác rưởi, chất thải đều xả thẳng xuống sông. Dòng sông có một tên chính thức rất đẹp nhưng người bản xứ gọi nó là Sông Đen hay Sông Thối.
Thuyền trên sông Singapore vào những năm 1970.
Hẳn là nó sẽ tiếp tục được gọi là Sông Thối đến tận bây giờ nếu không có hai con người này: Lý Quang Diệu và Lý Nhất Thiêm (Lee Ek Tieng).
Lý Quang Diệu, Thủ tướng Singapore là người áp đặt ý chí và quyết tâm làm sạch Sông Thối, phủ quyết toàn bộ những ý kiến "bàn lùi" hay cản trở ngay ở trong nội các như của Bộ Phát triển Quốc gia và Bộ Tài chính.
Bộ trưởng Phát triển Quốc gia lúc bấy giờ còn giễu cợt kế hoạch của Lý Quang Diệu như sau: "Ông ấy muốn thấy có cá ở Sông Thối, tốt nhất là cấp tiền mua cá hàng ngày vả thả xuống sông, còn hiệu quả hơn."
Lý Nhất Thiêm, Bí thư thường trực Bộ Môi trường (hàm Thứ trưởng) là người chuyển hóa quyết tâm chính trị của Lý Quang Diệu thành hành động cụ thể. Cặp đôi này có thể ví như Kennedy – Werner van Braun của Singapore.
(Tổng thống Kenedy là người đặt quyết tâm đưa người lên mặt trăng rồi trở về an toàn ngay trong thập kỷ 60. Werner van Braun là người chế tạo ra cỗ máy Saturn V để hoàn thành quyết tâm của Kennedy và cả nước Mỹ.)
Làm sạch một con sông không đơn giản chỉ đổ hàng triệu mét khối nước vào là sông sẽ sạch. Chúng ta vừa được chứng kiến: nước Hồ Tây đổ vào sông Tô trong một ngày để rồi ngày hôm sau nước sông vẫn đen và thối.
Cũng bởi công việc này rất khó, nên sau thành công của chiến dịch làm sạch Sông Thối, Lý Nhất Thiêm được bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan hành chính Cộng hòa Singapore.
Lý Nhất Thiêm đã xây dựng một "master plan" - kế hoạch tổng thể rất toàn diện và hơn nữa là động chạm lợi ích nhiều người: Cho di chuyển toàn bộ nhà ổ chuột ven sông. Cấm cửa toàn bộ trang trại lợn và nhà máy đầu nguồn gây xả ô nhiễm.
Đặt lại toàn bộ hệ thống nước thải phải xử lý trước khi xả ra sông. Chuyển tàu bè từ cảng sông sang cảng biển. Và quan trọng nhất, là giáo dục người dân không vứt rác thải ra sông. Phạt thật nặng nếu vi phạm.
Hơn năm ngàn hộ kinh doanh buôn bán ven Sông Thối "được" chuyển về các trung tâm thương mại với trợ cấp hoặc ưu đãi thuế của chính quyền. Cư dân khu nhà ổ chuột được cấp căn hộ cao tầng. Nhà máy và trang trại di dời được trả tiền theo giá thị trường.
Tất nhiên, có phản ứng dữ dội từ những người sinh sống nhờ vào dòng Sông Thối. Thực hiện một kế hoạch dài hạn, đụng chạm tới lợi ích và thói quen cố hữu của một bộ phận dân chúng và không sinh ra lợi nhuận bằng tiền không phải là một lựa chọn chính trị khôn ngoan.
Chính phủ của Lý Quang Diệu phải đối mặt với nguy cơ chính trị rất lớn, mất phiếu trong kỳ bầu cử nếu dự án không thành công.
Các nghị sĩ quốc hội và cán bộ Ủy ban được huy động để giải thích và vận động công chúng. Mặc dù không ai tin tưởng dự án này sẽ thành công nhưng họ lại có lòng tin vào Lý Quang Diệu.
Dự án không lợi ích nhóm, không có khoản chi nào bị đội vốn. Không nhà thầu nước ngoài. Không trì hoãn. Không khoan nhượng.
Vậy mà cũng phải mất đến mười năm thực hiện và khoản chi phí 170 triệu đô la Singapore (tương đương với 733 triệu SGD chuyển đổi theo thời giá hôm nay), cộng với quyết tâm chính trị và tầm quy hoạch tuyệt vời, hai người họ Lý mới trả lại được tên cho dòng sông - sông Singapore.
Cùng với việc hồi sinh dòng sông, họ đã đưa Singapore thành một đô thị nổi tiếng trên thế giới về độ xanh, sạch đẹp, văn minh.
Nhìn lại dự án làm sạch sông Tô Lịch: Chúng ta có thể không cần đến 10 năm. Có thể không cần đến hàng trăm triệu USD. Có thể không gánh nặng vì rủi ro chính trị.
Nhưng nhất định cần một trái tim yêu Hà Nội và niềm khao khát làm Hà Nội ngày một đẹp hơn trong mắt ai…