Hedy Lamarr
Hedy Lamarr là nữ diễn viên người Mỹ gốc Áo, từng được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế giới”, sinh năm 1914 tại Áo và đến với Hollywood vào năm 1937. Cô đã đóng vai chính trong các bộ phim được đánh giá cao như Algiers (1938), The Strange Woman (1946) và Samson and Delilah (1949) cùng nhiều bộ phim khác trong "thời kỳ hoàng kim của Hollywood".
Tuy nhiên, ngoài vai trò là một nữ diễn viên, Lamarr còn là một nhà phát minh. Không thích tiệc tùng và giao du với giới thượng lưu Hollywood, cô thường dành hàng đêm để mày mò, xây dựng và thử nghiệm những thứ mới mẻ trong xưởng của riêng mình. Các phát minh của cô vô cùng đa dạng, từ một viên nén có thể hòa tan trong nước để biến thành đồ uống có ga, tạo hình cánh của một chiếc máy bay giúp tiết kiệm nhiên liệu, cho đến các cải tiến về đèn giao thông.
Tuy nhiên, phát minh quan trọng nhất của cô lại là thứ được được khơi dậy bởi mong muốn giúp nước Mỹ giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh. Lamarr là người gốc Do Thái, và cô đã rất kinh hoàng trước các tin tức nhận được sau Thế chiến thứ hai. Cô rất muốn giúp Lực lượng Đồng minh đánh bại Đức quốc xã, vì vậy người đẹp này đã tập trung toàn bộ khả năng sáng tạo và trí tuệ của mình vào những thứ có thể mang lại lợi thế cho Lực lượng Đồng minh.
Một trong những vấn đề lớn nhất khi đó là công nghệ dẫn đường cho ngư lôi đã bị phát xít Đức cản trở một cách dễ dàng. Vào thời điểm đó, các tàu ngầm của Đức có thể tránh ngư lôi bằng cách gây nhiễu một tần số vô tuyến duy nhất mà chúng sử dụng để dẫn đường. Vì vậy, để khắc phục vấn đề này, Lamarr đã nghĩ ra một giải pháp tài tình: phương pháp nhảy tần.
“Cô ấy hiểu rằng vấn đề với tín hiệu vô tuyến là chúng có thể bị nhiễu. Nhưng nếu bạn có thể làm cho tín hiệu nhảy nhót xung quanh một cách ngẫu nhiên từ tần số vô tuyến sang tần số vô tuyến khác, thì người ở đầu dây bên kia khi cố gắng làm nhiễu tín hiệu sẽ không biết nó ở đâu", nhà sử học Richard Rhodes chia sẻ. “Nếu đối phương cố gắng làm nhiễu một tần số cụ thể, nó có thể chạm vào tần số đó trên một trong các bước nhảy, nhưng chúng sẽ chỉ ở đó trong một phần của giây."
Tất nhiên, phần khó khăn cần giải quyết là việc các tần số dịch chuyển phải diễn ra trong thời gian đồng bộ với máy phát vô tuyến dẫn đường cho ngư lôi, nếu không mọi thứ sẽ hỏng bét và ngư lôi sẽ chệch hướng ngay sau khi được bắn ra.
Lamarr đã vượt qua được thử thách này với sự giúp đỡ của một nhà soạn nhạc kiêm nhà phát minh George Antheil. Với năng lực kỹ thuật của Lamarr và kỹ năng cơ học của Antheil, họ đã chế tạo một thiết bị hoạt động giống như thiết bị chơi đàn piano tự động, để giữ cho ngư lôi và máy phát trên tàu được đồng bộ hóa khi chúng đồng thời nhảy từ tần số này sang tần số khác. Bộ đôi này sau đó đã được cấp bằng sáng chế cho phát minh của họ vào năm 1942.
Bằng sáng chế về hệ thống nhảy tần của Lamrr và Antheil.
Đáng tiếc, phát minh của Lamarr đã không được Hải quân Hoa Kỳ sử dụng trong Thế chiến thứ hai. Nhưng nó đã được sử dụng để truyền vô tuyến trong cuộc khủng hoảng tên lửa năm 1962 sau đó. Tuy nhiên, quan trọng hơn, phương pháp nhảy tần đã đặt nền móng cho một loạt các công nghệ truyền thông vô tuyến mà chúng ta sử dụng ngày nay.
Ngày nay, nhảy tần được sử dụng cho công nghệ Bluetooth và cũng được sử dụng trong các dạng Wi-Fi thời kỳ đầu. Nó thậm chí đặt nền tảng cho cả hệ thống GPS mà bạn sử dụng trên điện thoại thông minh của mình ngày nay. Và thế giới sẽ không hoàn toàn giống như bây giờ nếu không có bộ óc sáng tạo của Lamarr.
Mọi người vẫn nhớ tới Lamarr như một diễn viên hơn là nhà sáng chế.
Thật không may, không nhiều người biết về những đóng góp của nữ diễn viên xinh đẹp này cho các công nghệ hiện đại và những nỗ lực của cô để giúp Lực lượng Đồng minh giành chiến thắng trong Thế chiến thứ hai. Đơn giản vì cô chủ yếu được biết đến với tư cách là một diễn viên Hollywood. Cô đã không nhận được sự công nhận xứng đáng cho những thành tích của mình khi còn sống và thậm chí vẫn chưa được công nhận xứng đáng cho tới tận ngày hôm nay.
Tham khảo DigitalTrend