Cách Nga giành chiến thắng trên mặt trận tác chiến điện tử ở Ukraine

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) |

Nga sở hữu một vũ khí vô hình có thể ngăn chặn đội quân UAV của Ukraine, đó là công nghệ tác chiến điện tử hiện đại. Những "chiếc kéo vô hình" này của Moscow là lý do tại sao các UAV của Kiev gặp khó khăn trong việc tạo được thành quả đáng kể.

Những “chiếc kéo vô hình”

Cả Nga và Ukraine đều đang nghiên cứu các công nghệ tác chiến điện tử nhằm gây nhiễu và chuyển hướng UAV cũng như tên lửa dẫn đường của đối phương. Tuy nhiên, Moscow đã đi trước trong lĩnh vực này gần 1 thập kỷ.

Trong khi yêu cầu hỗ trợ các phương tiện quân sự của Ukraine vẫn đang được cân nhắc giữa bối cảnh xung đột sắp bước sang năm thứ ba thì việc nước này đề xuất các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại hầu như không nhận được sự quan tâm từ phương Tây.

Cách Nga giành chiến thắng trên mặt trận tác chiến điện tử ở Ukraine- Ảnh 1.

Hệ thống tác chiến điện tử Krasukha-4 của Nga. Ảnh: Wikimedia Commons

Nếu không có sự bảo vệ hiệu quả của hệ thống tác chiến điện tử, các lực lượng của Ukraine dễ bị nhắm đến bởi các cuộc tấn công UAV cảm tử, máy bay không người lái thả bom từ trên cao và tấn công pháo binh do UAV dẫn đường. Tác chiến điện tử được miêu tả là chìa khóa phá thế bế tắc chiến trường.

Nga đang tăng cường sử dụng công nghệ tác chiến điện tử để làm chệch hướng các vũ khí dẫn đường chính xác của Ukraine, chẳng hạn như đạn pháo Excalibur và tên lửa HIMARS. Dữ liệu từ chiến trường cho thấy vai trò ngày càng tăng của các cuộc tấn công UAV nhằm vào các mục tiêu của Nga dọc tiền tuyến gần 1.000km.

Theo các số liệu được nhà phân tích Andrew Perpetua công bố, trong tháng 11/2023, khoảng 50 - 70% phương tiện quân sự bị hư hại hoặc bị phá hủy của Nga là do các máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất (FPV).

Financial Times thừa nhận, việc UAV Nga có mặt khắp chiến trường là lý do tại sao cuộc phản công được kỳ vọng cao của Ukraine không tạo ra bất kỳ thành quả đáng kể nào và xe bọc thép bị phá hủy thậm chí trước khi chúng bị hỏng.

Kiểm soát phổ điện từ để gây nhiễu UAV của đối phương và khiến cho các phương tiện của mình không bị gián đoạn đã trở nên vô cùng quan trọng trên chiến trường.

Trước đó, EurAsian Times đưa tin, Nga tuyên bố đã phát triển "sóng vô tuyến thần kỳ" cho các máy bay không người lái FPV, khiến cho chúng có khả năng chống lại sự gây nhiễu của các công nghệ tiên tiến nhất cho UAV hiện nay.

Các máy bay không người lái FPV được điều khiển bằng tay và không phụ thuộc vào định vị vệ tinh. Điều này làm giảm nguy cơ bị tấn công của chúng trước các chiến thuật tác chiến điện tử. Tuy nhiên, trong trường hợp đối phương gây nhiễu tần số sóng vô tuyến mà UAV sử dụng, các tín hiệu truyền video và lệnh chỉ huy sẽ bị gián đoạn.

Financial Times dẫn lời ông Mykola Kolesnyk - Chỉ huy một đơn vị UAV của Ukraine nhận định, các cuộc tấn công của quân đội Nga và hệ thống tác chiến điện tử đang trở nên "dữ dội và liên tục". Ông gọi chúng là "những chiếc kéo vô hình cắt đứt sự kết nối của một thiết bị được điều khiển từ xa".

Đại tá Lực lượng Vũ trang Ukraine Ivan Pavlenko nhấn mạnh tầm quan trọng của tác chiến điện tử và cho rằng, các nước phương Tây nên cung cấp cho Ukraine nhiều khả năng hơn để "ngăn chặn và đánh lừa" hệ thống định vị vệ tinh (GNSS) của Nga, được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa và UAV. Ông cũng chỉ ra rằng các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại của Nga cần các vật liệu công nghệ cao và các nước phương Tây cần áp trừng phạt lên các mặt hàng này.

Trò chơi "mèo vờn chuột"

Ngay từ đầu cuộc xung đột, Ukraine đã gặp rắc rối với các hệ thống tác chiến điện tử thời Liên Xô. Vào tháng 3, Ukraine đã lúng túng khi đạn pháo Excalibur do GPS dẫn đường của họ bỏ lỡ mục tiêu mà sau này xác định được là do Nga gây nhiễu. Bom lượn dẫn đường JDAM do Mỹ cung cấp cũng chịu chung số phận này.

Điều các lực lượng của Ukraine lo ngại nhất là khả năng Nga đối phó với đội quân UAV của Kiev, hiện đang làm nhiệm vụ tình báo, giám sát và trinh sát bên cạnh nhắm vào các mục tiêu như xe tăng và chốt chỉ huy.

Các UAV do Ukraine điều khiển tương đối rẻ và nước này đang sản xuất chúng với số lượng lớn. Tuy nhiên, Nga đã tìm cách đánh lừa hệ thống dẫn đường hoặc gây nhiễu các đường dây kiểm soát radio kết nối với người điều khiển.

Có thời điểm, Ukraine đã tổn thất 2.000 UAV/tuần do các hệ thống tác chiến điện tử của Nga. Các UAV này di chuyển một cách vô định cho tới khi hết pin và lao xuống đất.

Ukraine vẫn chưa tìm ra công nghệ để khiến các UAV nhỏ "miễn nhiễm" trước các đòn gây nhiễu và đánh lừa của Nga. Hiện nay, Moscow còn giành ưu thế cả trong cuộc đua về số lượng. Chiến trường hiện nay tràn ngập UAV của Nga và Moscow đang sử dụng 2 máy bay không người lái cho mỗi UAV Kiev triển khai.

Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Ukraine - ông Valerii Zaluzhnyi, thông báo Kiev đã phát triển hệ thống tác chiến điện tử trên toàn quốc có tên là Pokrova song thông tin về hệ thống này chưa có nhiều. Hệ thống trên được tuyên bố là sẽ khiến các tên lửa Shahed-136 của Nga ít hiệu quả hơn và làm giảm tính chính xác của tên lửa hành trình được phóng vào Ukraine.

Kiev cũng thông báo các tiêm kích F-16 sắp được phương Tây cung cấp sẽ được trang bị các hệ thống tác chiến điện tử hiện đại.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại