Mỹ đã cung cấp đạn chùm có tính sát thương cao cho Ukraine vào tháng trước sau khi thừa nhận nước này đang cạn kiệt đạn pháo cỡ nòng 155mm theo quy ước. Tuy nhiên, truyền thông Mỹ dẫn lời các chỉ huy quân sự và binh lính Ukraine cho biết, quân đội Nga đang thích nghi hiệu quả với loại đạn chùm này.
"Đạn chùm rất tốt. Chúng phát huy hiệu quả. Nhưng Nga đang đào hào sâu và học cách đối phó nhanh chóng", một chỉ huy đại đội trinh sát của Ukraine cho hay, đồng thời giải thích Nga đã đào các chiến hào sâu hơn 2 mét và phân tán quân đội trong những khu vực rộng lớn để tránh thương vong.
Ukraine khai hỏa lựu pháo tự hành về phía Nga ở Donetsk. Ảnh: Reuters
Cùng với việc sử dụng đạn chùm do Mỹ cung cấp, các lực lượng của Ukraine cũng được cho là đã thay đổi chiến thuật, từ sử dụng các phương tiện bọc thép sang đi bộ tiến công nhằm xuyên qua các bãi mìn để tiến vào các vị trí của Nga. Sự dịch chuyển này diễn ra sau khi các lực lượng của Ukraine tổn thất số lượng lớn xe bọc thép do các bãi mìn của Nga khi bắt đầu tiến hành phản công vào đầu tháng 6.
Một binh lính Ukraine cho biết, trong số 60 người tấn công vào các vị trí của Nga, thì có tới 45 người thương vong.
Đạn chùm và các chiến thuật mới vẫn chưa thể giúp Ukraine tiếp cận "những phòng tuyến mạnh mẽ nhất của Nga", bao gồm một loạt chiến hào bộ binh, bẫy xe tăng và các chướng ngại vật khác cần phương tiện hạng nặng để xuyên qua.
Tuy không đạt được nhiều tiến triển nhưng quân đội Ukraine vẫn khen ngợi hiệu quả của bom chùm khi gây thương vong cho đối phương trong bán kính rộng.
"Thậm chí nếu bạn chệch hướng một chút thì nó vẫn có hiệu quả. Với đạn chùm, bạn có thể khai hỏa 3 lần và cây cối hoàn toàn đổ rạp", binh lính Ukraine nói.
Cựu chỉ huy Quân đội Mỹ ở châu Âu Ben Hodges cũng đánh giá cao việc sử dụng đạn chùm. Ông nhận định, "nếu bạn đang ngồi trong một chiến hào mở, bạn sẽ phải trả giá đắt trước những thứ như vậy", đồng thời cho rằng chúng cũng có thể phát huy hiệu quả với pháo binh của đối thủ, miễn là chúng đủ khả năng vươn tới mục tiêu.
Chính quyền Tổng thống Biden thông báo kế hoạch cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn chùm cho Ukraine vào đầu tháng 6 với loại đạn có thể được phóng từ lựu pháo. Chiến dịch phản công của Ukraine được cho là đã tổn thất 43.000 binh lính, hơn 4.900 phương tiện quân sự, trong đó có hơn 1.830 xe tăng và xe bọc thép.
Mỹ và đồng minh đã cung cấp gần 100 tỷ USD vũ khí, đạn dược, huấn luyện, tình báo và sự hỗ trợ khác cho Ukraine kể từ tháng 2/2022. Đối mặt với ưu thế trên không và pháo binh vượt trội của Nga, các lực lượng của Ukraine không thể đạt được đột phá như kỳ vọng ở Donbass, Zaporozhye và Kherson, làm dấy lên mối lo ngại ở Kiev và các nước ủng hộ Ukraine rằng dư luận phương Tây sẽ không còn quan tâm đến việc tiếp tục hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.