Cách Nga “cài bẫy” khiến Ukraine cạn kiệt kho tên lửa Patriot

Hồng Anh |

Theo giới phân tích, Nga có thể khiến Ukraine phải tiêu hao một số lượng lớn tên lửa Patriot bằng các cuộc tấn công quy mô lớn trong bối cảnh phương Tây cắt giảm viện trợ cho Kiev.

Nga khiến Ukraine cạn kiệt kho tên lửa Patriot

Các cuộc tấn công tên lửa dồn dập của Nga trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại lớn cho Ukraine, nhưng phía sau đó còn ẩn chứa một mục tiêu cụ thể hơn.

Cách Nga “cài bẫy” khiến Ukraine cạn kiệt kho tên lửa Patriot- Ảnh 1.

Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ. Ảnh: AP

Business Insider dẫn nhận định của một số chuyên gia cho biết, ngoài việc cố gắng phá hủy các mục tiêu trong cuộc tấn công, Nga có thể đang khiến Ukraine phải sử dụng cạn kiệt kho đạn dược quý giá cho hệ thống phòng không Patriot mà phương Tây cung cấp cho nước này. Nếu không có sự bảo vệ của hệ thống Patriot, Nga có thể khiến Ukraine chịu tổn thất nặng nề hơn mà không lo ngại các cuộc tấn công bị thất bại. Thời điểm này đặc biệt thích hợp, vì Quốc hội Mỹ đang trì hoãn phê chuẩn gói viện trợ bổ sung cho Ukraine, vốn có thể hạn chế khả năng của Kiev trong việc tiếp nhận thêm nhiều tổ hợp Patriot.

Tiến sĩ Jade McGlynn, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho rằng mục tiêu làm cạn kiệt kho dự trữ tổ hợp Patriot và các loại tên lửa khác "rõ ràng là một phần" chiến lược của Nga. “Patriot là trọng tâm chính đối với Nga. Ngoài ra, còn có những yếu tố khác thúc đẩy quyết định của họ”, bà Jade McGlynn lưu ý.

Cùng chung quan điểm này, cây bút Yaroslav Trofimov của Wall Street Journal cho rằng, Nga trước hết đang tìm cách bào mòn kho tên lửa Patriot của Ukraine, sau đó hy vọng phá hủy các bệ phóng và các khẩu đội, khiến việc thay thế khó khăn hơn rất nhiều. Ngoài Patriot, một loại tên lửa đất đối không khác là NASAMS cũng có thể trở thành mục tiêu.

Ukraine đã tiếp nhận 5 khẩu đội Patriot từ Mỹ, Đức và Hà Lan. Các tổ hợp này có thể theo dõi 100 mục tiêu từ khoảng cách gần 1.000 km, và được cho là đã đánh chặn thành công nhiều tên lửa của Nga. Vào tháng 12/2023, Ukraine cho biết sắp tiếp nhận thêm hệ thống Patriot từ các nước phương Tây, trong đó có một tổ hợp từ Đức. Song Kiev không cung cấp thông tin chi tiết về các nguồn khác sẽ đến từ đâu.

Các thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã ngăn chặn yêu cầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden về việc cấp thêm viện trợ cho Ukraine, đồng thời tuyên bố họ chỉ đồng ý nếu vấn đề an ninh biên giới được giải quyết trước. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tháng 12/2023 cảnh báo rằng: “Chúng ta sắp hết khoản kinh phí cần thiết và chúng ta cũng sắp hết thời gian”.

Theo giới phân tích, những diễn biến tại Quốc hội Mỹ có thể là nguyên nhân khiến Nga phải chờ đợi đến cuối tháng 12/2023 để tiến hành các đợt tấn công lớn. “Nga có thể đang thực hiện chiến dịch tấn công tên lửa theo khung thời gian riêng của họ, bởi biết rằng nguồn cung cấp vũ khí của nước ngoài cho Ukraine đang hạn chế. Ngoài ra, sự thiếu đảm bảo của Mỹ trong việc viện trợ khiến tình hình trở nên thách thức hơn nhiều đối với Ukraine, buộc Kiev phải đưa ra những quyết định khó khăn về thời điểm sử dụng hệ thống phòng thủ", ông McGlynn nhận định.

Phương Tây cấp tập bổ sung kho dự trữ

Trong khi đó, NATO đang công bố một kế hoạch mới nhằm giúp các quốc gia châu Âu mua tới 1.000 tên lửa cho hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất. Điều này cho thấy các đồng minh và đối tác của Mỹ ngày càng gia tăng nhu cầu về tên lửa Patriot, một phần do cuộc xung đột tại Ukraine. Việc mua thêm tên lửa Patriot sẽ giúp lấp đầy kho dự trữ của NATO, đồng thời bổ sung cho kho vũ khí của Ukraine.

Thời gian gần đây, Đức và Hà Lan tuyên bố viện trợ thêm tên lửa đánh chặn Patriot cho Ukraine để đẩy lùi các cuộc tấn công của Nga. Trước đó, Ukraine cho biết đã sử dụng hiệu quả tên lửa này để bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm ngắm Iskander và tên lửa Kinzhal của Nga. Máy bay Nga cũng được cho là đã bị lực lượng Ukraine bắn hạ bằng tên lửa Patriot. Trước đó, nhiều quốc gia châu Âu đã thông qua kế hoạch mua chung hệ thống Patriot để lấp đầy khoảng trống viện trợ cho Ukraine.

Mặc dù mục tiêu hàng đầu của NATO là bổ sung kho dự trữ đang dần cạn kiệt của khối, nhưng kế hoạch nêu trên có thể giúp Ukraine tiếp tục có thêm tên lửa Patriot trong tương lai. Tuy vậy, việc tăng cường sản xuất và bàn giao chắc chắn sẽ mất nhiều thời gian.

Ukraine hiện đang cần thêm rất nhiều tên lửa Patriot cho hệ thống phòng không của nước này để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái quy mô lớn của Nga. Tổng thống Ukraine Zelensky thời gian gần đây cho biết, hệ thống Patriot do phương Tây cung cấp, đóng một vai trò trong trọng trong việc phòng thủ trước những cuộc tấn công này.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh: “Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga nhằm vào thành phố và thị trấn của Ukraine cho thấy tầm quan trọng của hệ thống phòng không hiện đại. Việc gia tăng quy mô sản xuất đạn dược là chìa khóa cho an ninh của Ukraine và của chúng tôi”.

Tại Mỹ, các tập đoàn sản xuất vũ khí như Raytheon và Lockheed Martin đều đang mở rộng nhà máy sản xuất như một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của Lầu Năm Góc nhằm bổ sung số lượng tên lửa đánh chặn Patriot cho châu Âu cũng như cho Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại