Cách thức bảo vệ độc đáo của Nga
Những căn cứ không quân của Nga nằm cách xa chiến tuyến đang trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hoặc tên lửa tầm xa và một số máy bay của Moscow đã bị hư hại sau khi bị tấn công.
Để ngăn chặn điều này, Nga đã áp dụng một giải pháp vô cùng độc đáo là sử dụng lốp ô tô cũ gắn trên cánh và thân máy bay.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Nga trang bị nhiều lốp xe cho máy bay. Nguồn: Telegram
Hình ảnh chụp từ vệ tinh do War Zone đăng tải đã tiết lộ thêm chi tiết về biện pháp đặc biệt mà Nga thưc hiện với hy vọng bảo vệ máy bay ném bom tầm xa Tu-95 trước cuộc tấn công của Ukraine. Tài khoản trên Twitter của blogger quân sự Tatarigami_UA cho thấy, quân đội Nga đã dùng lốp xe để che cánh và các bộ phận trung tâm của máy bay tại căn cứ không quân Engels-2, cách biên giới Ukraine gần 500km.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy ít nhất 5 máy bay Tu-95MS Bear-H sử dụng động cơ tuốc-bin cánh quạt và ít nhất 3 máy bay ném bom Tu-160 Blackjack cỡ lớn có cánh xoay, được gắn lốp xe ở xung quanh thân trên của chúng. Riêng Tu-95 được gắn lốp kéo dài xuống phần cánh.
Những máy bay ném bom chiến lược này đóng một vai trò quan trọng trong cuộc xung đột tại Ukraine. Tu-95 cất cánh lần đầu vào năm 1952 và hiện là một trong những máy bay lâu đời nhất vẫn còn phục vụ trong quân đội Nga. Dù có tuổi đời cao, nhưng máy bay này vẫn có khả năng hoạt động tốt và được nâng cấp đều đặn.
Còn Tu-160 cất cánh lần đầu vào năm 1981, được xem là một trong những máy bay chiến đấu lớn nhất, nhanh nhất và mạnh nhất thế giới, có khả năng tiêu diệt các mục tiêu quan trọng nhất trong các khu vực quân sự ay vùng địa lý xa xôi. Căn cứ không quân Engels là nơi đóng quân duy nhất của phi đội oanh tạc cơ chiến lược Tu-160. Ngoài ra, nơi đây còn có khoảng 50 máy bay ném bom Tu-95MS.
Đối phó tên lửa tầm xa và UAV
Việc sử dụng lốp của ô tô, xe tải gắn lên máy bay là một biện pháp đối phó nhanh chóng và tiết kiệm chi phí nhằm cung cấp cơ chế phòng thủ chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử hoặc tên lửa hành trình của đối phương.
Theo giới phân tích, lớp phủ bằng lốp xe có thể được tính toán cẩn thận để phá vỡ tín hiệu hồng ngoại của những máy bay này, nhằm gây nhầm lẫn cho tên lửa hành trình sử dụng phép so sánh hình ảnh để tìm mục tiêu. Kỹ thuật này thường được gọi là Hệ thống đối chiếu khung cảnh địa hình kỹ thuật số (DSMAC) hoặc nhận dạng mục tiêu tự động (ATR) sử dụng cho tên lửa hành trình. Việc ứng dụng DSMAC/ATR sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho phiên bản tấn công mặt đất của tên lửa hành trình Neptune do Ukraine tự sản xuất, khiến chúng khó bị các thiết bị tác chiến điện tử gây nhiễu.
Đáng chú ý, động thái của Nga trang bị lốp xe cho máy bay diễn ra vào thời điểm có một số báo cáo cho rằng Ukraine lần đầu tiên sử dụng phiên bản cải tiến của tên lửa Neptune có khả năng tấn công mặt đất.
Ngoài đối phó với tên lửa hành trình, giới phân tích cho rằng biện pháp của Nga còn nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Theo Bulgaria Military, mục đích của việc Nga lắp đặt lốp cao su lên thân và cánh máy bay là nhằm giúp hấp thụ lực tác động của UAV cảm tử, ngăn chúng gây ra thiệt hại đáng kể cho máy bay. Lốp xe được làm bằng cao su, là chất liệu có tính đàn hồi cao. Khi UAV va chạm với lốp xe, cao su sẽ hấp thụ năng lượng va chạm, biến dạng và làm giảm lực truyền tới máy bay. Điều này sẽ giúp giảm thiểu tác động tới cánh và nhiều bộ phận quan trọng khác của máy bay.
Tuy vậy, đây không phải là biện pháp phòng thủ tối ưu trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Hiệu quả sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó có kích thước và tốc độ của UAV, góc tấn công hoặc vị trí va chạm. Ngoài ra, cần phải tính đến khả năng lốp xe có thể bị bốc cháy khi va chạm, gây nguy hiểm cho máy bay và phi hành đoàn.
Dù chưa rõ hiệu quả của việc trang bị thêm lốp xe cho máy bay nhưng đây được xem là cách tiếp cận độc đáo để phòng thủ và là minh chứng cho nỗ lực không ngừng nghỉ nhằm tìm ra cách thức mới và sáng tạo để ứng phó với những mối đe dọa mới. Đó cũng là nỗ lực mới nhất của Nga để bảo vệ phương tiện quân sự bằng những vật liệu sẵn có.
Vật liệu cao su trước đây từng được sử dụng làm thiết bị bảo vệ cho các phương tiện quân sự. Chẳng hạn, các nhà sản xuất đã bố trí những miếng đệm cao su trên đường ray xe tăng, giúp giảm tiếng ồn khi xe di chuyển khiến đối phương khó phát hiện.
Ngoài ra, lớp phủ cao su cũng được sử dụng để bao bọc bên ngoài, giúp hấp thụ tác động của đạn dược, giảm thiệt hại đối với phương tiện. Chúng cũng giúp bảo vệ xe trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt.