Cách mở bài "đi vào lòng đất" của bao thế hệ học trò, trường tồn từ thi Văn học kỳ đến đại học

Diệu Thu |

Dù thích hay không thích thì chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng Ngữ văn là một trong những môn học quan trọng, được sử dụng nhiều ở các kỳ thi.

Lâu nay Ngữ văn luôn là môn học ám ảnh với nhiều thế hệ học sinh, bởi vậy tụi học trò có thể kể ra 1001 lý do khiến điểm Văn lúc nào lẹt đẹt, học dễ gây buồn ngủ, nhàm chán, dài dòng, khó thuộc, khó nhớ,...

Nhất là khi phải làm văn, ngay phần mở bài đã cắn bút mãi không thể viết được câu nào - điều này chắc chắn ai cũng từng trải qua. Cứ đến tiết làm văn, đặc biệt văn miêu tả, 10 đứa thì hết 9 đứa mở bài y chang nhau, lặp đi lặp lại mô típ: "Trong tất cả các loại... em thích nhất...". Nhưng đầu xuôi đuôi khắc lọt, nếu biết cách để viết một mở bài hay thì kiểu gì thân bài cũng chỉ là chuyện nhỏ.

Cách mở bài đi vào lòng đất của bao thế hệ học trò, trường tồn từ thi Văn học kỳ đến đại học - Ảnh 1.

Cách mở bài kinh điển của nhiều thế hệ học trò (Ảnh: Mụ hàng xóm)

Mới đây, trang fanpage của Đường Lên Đỉnh Olympia có đăng tải bức ảnh ghi lại loạt mở bài huyền thoại của học sinh nhiều thế hệ với dòng chia sẻ: "Cách mở bài kinh điển, trường tồn qua bao thế hệ học sinh, chắc chắn ăn 0.25 điểm, đến từ vị trí của các cây viết nhân dân. Áp dụng từ ngày thi học kỳ đến tận lúc thi đại học, có ai thấy bóng dáng mình quen quen ở đây không?".

Theo đó, dân tình thi nhau bình luận rôm rả, thậm chí không ngần ngại để lại những câu mở bài "đi vào lòng đất" siêu lầy lội.

"Trong tất cả các loại hồn, em thích nhất hồn Trường Ba".

"Em rất thích trẻ em. Tác phẩm của Thạch Lam có tận hai đứa. Vì thế Hai Đứa Trẻ".

"Trong tất cả các loại người, em thích nhất là người con gái Nam Xương".

"Trong tất cả các loại lầu, em thích nhất là lầu Ngưng Bích. Trong tất cả các loại vợ, em thích nhất là Vợ Nhặt".

"Trong tất cả các loại đường, em thích nhất là Đường Lên Đỉnh Olympia!".

Cách mở bài đi vào lòng đất của bao thế hệ học trò, trường tồn từ thi Văn học kỳ đến đại học - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Trên thực tế, khi viết mở bài bạn có thể nêu vấn đề trực tiếp hoặc gián tiếp, đơn giản hay sáng tạo, miễn là đừng quá lan man, sáo rỗng mà không nhắc được trọng tâm vấn đề. Bài văn nghị luận, hay văn phân tích, cảm thụ... mỗi kiểu bài đều cần có một cách mở bài khác nhau để đúng và hay. Sau khi xác định được vấn đề cần đề cập tới, và kiểu bài cần triển khai, bạn hãy chọn một cách mở bài đáp ứng được 2 yêu cầu đó. Dẫn dắt như thế nào để vừa ra được vấn đề, lại không bị sai dạng bài.

Chỉ cần đảm bảo được việc đặt ra vấn đề, và đặt đúng vấn đề, còn lại thì cứ thoải mái sáng tạo và để lại dấu ấn cho người đọc thôi. Giữa hàng chục cái mở bài ai cũng theo công thức giống nhau, chỉ cần thêm một chút mới mẻ, phá cách là bạn đã ăn điểm. Ngữ văn không bao giờ giới hạn sự sáng tạo của bạn đâu!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại