Chúng cách nhau tới 9 năm, một khoảng thời gian mà các CLB lớn đã "phá giá" rất nhiều lần. Và quãng thời gian dài đến thế càng khiến những CĐV Arsenal chán nản hơn với đội bóng mà người chịu đựng mọi chỉ trích chỉ là một mình Wenger.
1. Dưới thời Wenger, tính đến lúc này cũng chỉ có 4 vụ Arsenal chi tiền kỷ lục trong lịch sử CLB cho một cầu thủ. Đó là năm 1999, với trường hợp Thierry Henry (10,5 triệu bảng Anh), năm 2000, với Wiltord (13 triệu bảng) và 2 vụ được kể ở trên.
Sự thiếu liều lĩnh của Arsenal ban đầu được biện hộ bởi dự án xây sân Emirates và khi các báo cáo tài chính cho thấy dự án toà nhà căn hộ phức hợp trên nền sân Highbury cũ đã bán hết sạch, bắt đầu có những đổ lỗi cho Wenger. Nhưng thực sự, thắt lưng buộc bụng có phải là chính sách của Wenger hay không, hay ông chỉ là người tuân thủ một cuộc chơi mà luật chơi thuộc về giới chủ?
Khoảng vài năm trước, Stan Kroenke từng tuyên bố một câu khiến nhiều CĐV của Arsenal phật ý. Đại ý, ông chủ Mỹ cho rằng chỉ cần có vé dự Champions League là đã thành công rồi và điều đó bộc lộ rõ quan điểm coi CLB chỉ là một cỗ máy kinh doanh đầy thực dụng của những người Mỹ vốn không quá máu mê bóng đá.
Nhưng hôm nay, khi Arsenal không có vé Champions League, và nguy cơ sụt giảm doanh thu do thương hiệu trở nên ngày một kém cạnh tranh hơn, Kroenke đã phải có những thay đổi thực sự trong chính sách. Sự thay đổi đó có thể được coi là một cuộc cách mạng từ thượng tầng, và nó khiến Wenger được "minh oan" khỏi những cáo buộc về sự chậm trễ và keo kiệt suốt nhiều năm dài.
Thực chất, hoạt động chuyển nhượng ở Arsenal xưa nay vẫn được quyết định bởi Wenger, một manager đúng nghĩa còn hiếm hoi sót lại ở các CLB lớn của Premier League.
Tuân thủ theo chính sách "không bỏ nhiều tiền mua siêu sao" mà Ban giám đốc đề ra, Wenger lựa chọn con người. Sau đó, bộ phận thực hiện đàm phán sẽ xúc tiến các thương vụ. Rất tiếc, bộ phận ấy của Arsenal rất yếu mà người chịu trách nhiệm chính là "sếp mặc cả" Dick Law.
Quá quen với cảnh đến tận lúc đóng cửa TTCN mùa Hè tới nơi thì Arsenal mới mua được 1 ai đó, thường là không quá tên tuổi (trừ trường hợp Oezil, Sanchez và Mustafi gần đây), lực lượng CĐV Arsenal chĩa mũi dùi công kích vào Wenger là chủ yếu. Và việc họ đòi hỏi ông phải ra đi cũng bắt nguồn từ định kiến ấy. Họ cho rằng, Arsenal muốn khá hơn, phải làm cách mạng từ vị trí của HLV trưởng.
Song, việc Lacazette đã vượt qua kiểm tra y tế ở Arsenal hôm thứ Ba vừa rồi, và sau đó xuất hiện ở trại tập huấn của đội bóng, với mức giá được tiết lộ là 44 triệu bảng Anh kèm theo 8 triệu bảng tăng thêm tùy theo tình hình tương lai đã khiến một bộ phận CĐV Arsenal nhìn về Wenger rất khác.
Chưa bao giờ họ được hưởng cảm giác CLB mua một cầu thủ với mức giá kỷ lục ở vào thời điểm sớm sủa đến thế. Và nó còn như một thứ doping cho họ tin rằng sau Lacazette sẽ còn những cái tên khác nữa gia nhập CLB ở mùa Hè này.
Lacazette là cái tên sẽ bắt đầu cuộc cách mạng ở Arsenal?
2. Ít ai biết, để có Lacazette nhanh như vậy, Wenger đã phải cảnh cáo Dick Law từ cách đây vài tuần. Sự chậm trễ và lề mề của chuyên gia đàm phán vốn dĩ đã quá quen với trò thắt lưng buộc bụng của giới chủ đã khiến Wenger sốt ruột.
Ông thúc ép, tạo áp lực để Dick Law phải "thoáng" hơn. Thậm chí, việc ông đánh tiếng về trường hợp Mbappe cũng là một động thái để Dick Law hiểu rằng "nếu vì tiếc tiền để hụt Lacazette, cậu sẽ phải chi nhiều tiền hơn nữa vì lúc đó tôi sẽ đòi hỏi có Mbappe".
Dick Law cũng chính là người khiến cuộc đàm phán hợp đồng mới với Oezil đi vào ngõ cụt. Hồi tháng Năm, chính Oezil đã lên tiếng chấm dứt nói chuyện với Dick Law và yêu cầu gặp trực tiếp Josh Kroenke để bàn về tương lai của mình.
Và ngay cả vụ Lacazette vừa rồi cũng vậy thôi. Ngoài việc tạo áp lực lên Dick Law, chính Wenger cũng phải đích thân tham gia vào các vụ đàm phán để chủ tịch Lyon Aulas nhận thấy thiện ý thực sự của Arsenal.
Bây giờ, khi đã có Lacazette và sẵn sàng chia tay Giroud (được cho rằng sẽ đến Marseille hoặc Everton) theo đúng như đòi hỏi của cầu thủ này (Giroud bắn tin rằng nếu Arsenal mua Lacazette, anh sẽ ra đi), Wenger vẫn còn cần bổ sung cho hàng công của mình, đặc biệt là khi ông vẫn muốn theo đuổi lối đá tấn công và khả năng Sanchez ra đi cũng rất lớn.
Và hai cái tên kế tiếp mà Wenger muốn có chính là Mahrez và Lemar, với số tiền bỏ ra có khi còn lớn hơn cả số tiền cho Lacazette.
Cuộc cách mạng chuyển nhượng ở Arsenal dường như đã bắt đầu vào guồng. Nhưng cuộc cách mạng thượng tầng thì vẫn chưa thực sự bắt đầu.
Trường hợp của Dick Law là tiêu biểu nhất. Arsenal cần phải có một chuyên gia đàm phán nhanh nhẹn, liều lĩnh và suy nghĩ thoáng hơn hẳn. Wenger cũng cần một người như thế phụ giúp mình và để tránh việc ông lại phải tiếp tục chịu mang tiếng về các sai lầm chuyển nhượng tại Arsenal.
Nên nhớ, 10 năm trước, khi Lacazette mới 16 tuổi, chính Grimandi, tuyển trạch viên tại Pháp của Arsenal, đã giới thiệu anh với Wenger. 10 năm theo dõi và không cách gì thuyết phục được Lacazette đầu quân cho Arsenal, chắc chắn nguyên nhân không phải lỗi của Wenger, mà là lỗi của một chính sách thiếu cập nhật với thời đại cùng những chuyên gia đàm phán kém cỏi và trì trệ.
Làm việc quen trong một bộ máy có sức ì rất lớn, thực tế con người ta rất khó thay đổi. Và để cải cách Arsenal, nhà Kroenke cần phải thay đổi chính mình cũng như bộ máy giúp việc của mình. Nếu họ muốn tạo ra một CLB mới mẻ trong chính sách, họ rất cần những nhân sự mới, phù hợp với triết lý mới.
Và khi bộ máy mới đã vận hành ổn định, nếu Wenger vẫn không thể cải thiện được chất lượng của Arsenal, lúc đó việc phê phán ông mới là chuẩn xác. Thậm chí, ở hoàn cảnh ấy, có thể sa thải Wenger sẽ là hành động cuối cùng để hoàn tất cuộc cách mạng thượng tầng của nhà Kroenke.