Các hội viên phụ nữ phấn khởi tham gia “Nuôi heo đất tiết kiệm tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện” tại tỉnh Bến Tre.
Nuôi heo đất để tham gia BHXH
Nhằm mở rộng số người tham gia BHXH tự nguyện, BHXH tỉnh Bến Tre đã phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh triển khai mô hình nuôi heo đất tiết kiệm tham gia BHXH tự nguyện. Được triển khai từ tháng 9/2022 đến nay, mô hình này đã được nhân rộng ở tất cả các huyện, thành phố. Tại mỗi xã, thành lập ít nhất 1 tổ hội viên phụ nữ tham gia mô hình nuôi heo đất, với số lượng 10 người/1 tổ.
Mỗi hội viên phụ nữ sẽ tiết kiệm chi tiêu sinh hoạt ít nhất 10.000 đồng mỗi ngày để tham gia BHXH tự nguyện với mức thấp nhất hàng tháng là 297.000 đồng; hoặc có thể tiết kiệm nhiều hơn tùy vào thu nhập và mức đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Số tiền này được chị em dùng để đóng BHXH tự nguyện tương ứng với mức lựa chọn đăng ký. Với cách làm này đến nay, mô hình đã được nhân rộng tại 403 tổ phụ nữ với gần 4.300 người, trong đó có 1.679 thành viên tham gia BHXH tự nguyện.
Đánh giá hiệu quả việc tham gia mô hình nuôi heo đất, chị Nguyễn Thị Ro - Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Khánh Thạnh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) chia sẻ, cuộc sống khó khăn nếu phải bỏ ra một lúc mấy triệu đồng thì không thể tham gia BHXH được nhưng mỗi ngày dành ra 10.000 đồng nuôi heo đất để đóng BHXH cũng không phải khó khăn gì. Bù lại, sau này già yếu, mình có lương hưu và có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) của Nhà nước lo cho khám chữa bệnh để không phải phiền hà con cháu.
Tương tự tại Hà Tĩnh, để mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH tự nguyện, nhiều mô hình phát triển BHXH tự nguyện thiết thực đã ra đời như Chương trình Tiết kiệm an sinh, Câu lạc bộ Vườn rau an sinh… cũng đang được thực hiện. Trong đó, Chương trình Tiết kiệm an sinh của xã Thạch Xuân ban đầu chỉ từ 28 hội viên tham gia BHXH tự nguyện đến nay đã là 230 người tham gia. Chị Nguyễn Thị Thủy - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Thạch Xuân (huyện Thạch Hà) cho biết, đã nhìn thấy rõ được những chuyển biến tích cực mà chương trình này đem lại.
Theo đó, không chỉ ở số lượng người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng tăng mà nhận thức của người dân trong xã về chính sách cũng đã được nâng cao rõ rệt. Bà con rất yên tâm, tin tưởng vào chính sách BHXH, BHYT. “Nhiều người sinh năm 1963, 1960 rất hào hứng tham gia BHXH tự nguyện với niềm tin tưởng về một tương lai dù già yếu nhưng luôn được tự mình làm chủ về kinh tế”- chị Thủy chia sẻ.
Cần “cú hích” hỗ trợ
Theo BHXH Việt Nam, Bến Tre, Hà Tĩnh chỉ là hai trong số nhiều địa phương trong cả nước đang triển khai và vận hành hiệu quả các mô hình, cách làm sáng tạo nhằm mở rộng độ bao phủ BHXH, BHYT tới người dân.
Các mô hình khác như: “Tổ, nhóm phụ nữ tiết kiệm giúp nhau mua thẻ BHYT” (tại Thanh Hóa); “Vận động phụ nữ tiết kiệm mua bảo hiểm y tế - vì sức khỏe gia đình” (tại Hòa Bình); “Chi/tổ phụ nữ thực hành tiết kiệm mua thẻ BHYT - vì sức khỏe phụ nữ” (tại Bình Phước)…, cũng giúp cho không ít người lao động đang từng ngày chắt chiu thu nhập để tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để tích lũy cho tương lai và chăm sóc sức khỏe. Mặc dù vậy đứng trước bối cảnh khó khăn của kinh tế việc mở rộng độ bao phủ tham gia BHXH tự nguyện đang đứng trước rất nhiều thách thức.
Báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng chỉ ra rằng, đến hết năm 2022, mới chỉ có gần 38,07% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn gần 28,42 triệu người chưa tham gia, chiếm khoảng 62% lực lượng lao động trong độ tuổi. Mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi, theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW là một thách thức rất lớn nếu không có những giải pháp căn bản về cả chính sách và công tác tổ chức thực hiện chính sách.
Về vấn đề này, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, bên cạnh tăng quyền lợi cho người tham gia cần tăng mức hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia từ 30% lên 50% đối với người thuộc hộ nghèo, từ 25% lên 30% đối với người thuộc hộ cận nghèo...