Hố đen vũ trụ vốn là một khái niệm bí ẩn với chúng ta. Dù đã trải qua hàng chục năm nghiên cứu, những gì thu được về hố đen vũ trụ vẫn chỉ như muối bỏ bể so với tiềm năng kiến thức được cung cấp bởi chúng.
Dựa trên vốn kiến thức ít ỏi về hố đen, con người phân nó ra thành 2 loại theo kích cỡ. Một loại là hố cỡ nhỏ, có khối lượng gấp vài chục lần Mặt trời. Loại khác là siêu hố đen, "nặng" gấp hàng triệu, thậm chí hàng tỉ lần so với quả cầu lửa của Thái dương hệ.
Mặt trời có khối lượng khổng lồ, nhưng hố đen có thể lớn gấp cả tỉ lần
Tuy nhiên mới đây, nó tiếp tục khiến cho chúng ta phải ngạc nhiên, khi các nhà khoa học tìm ra bằng chứng về một loại hố đen hoàn toàn khác, với kích cỡ ở khoảng giữa 2 loại. Họ gọi nó là hố đen cỡ trung, và nó cách chúng ta 740 triệu năm ánh sáng.
Cụ thể, hố đen này nằm tại một thiên hà rất rộng lớn. Nhờ vào các vụ nổ tia X phát ra khi hố đen nuốt một ngôi sao, các nhà khoa học mới có thể xác nhận được sự tồn tại của nó.
Trên thực tế, các vụ nổ như vậy thường xuất hiện ở trung tâm thiên hà, nơi có các siêu hố đen tồn tại. Chính vì thế, việc tìm ra hố đen cỡ lớn nằm ở rìa thiên hà thực sự gây ngạc nhiên. Và theo các tính toán, khối lượng của hố đen này gấp khoảng 50.000 lần Mặt trời của chúng ta.
"Chúng tôi tìm thấy nguồn sáng từ một ngôi sao thông qua 2 bức hình từ năm 2005. Nguồn sáng này xanh hơn, và sáng hơn bình thường" - Jay Strader, chuyên gia thiên văn từ ĐH Michigan chia sẻ.
Strader và các cộng sự tìm ra các bằng chứng này trong khối dữ liệu do XMM-Newton - tên lửa của Cơ quan vũ trụ châu Âu ESA mang lại. Tuy nhiên, họ đã không ngờ rằng mình được nhìn thấy cảnh tượng cuối cùng của một ngôi sao, khi nó bị tấn công bởi một hố đen tầm trung.
Và với sự tồn tại của hố đen này, chứng tỏ rằng trong vũ trụ còn rất nhiều hố đen với kích cỡ tương tự như vậy.
"Việc có thêm các kiến thức mới sẽ giúp chúng ta hiểu hơn về các hố đen dạng này" - Norbert Schartel, chuyên gia dự án XMM-Newton của ESA cho biết.