Cách các công ty game của Mỹ trở thành "tay sai", đi xây dựng công cụ kiểm soát người chơi cho theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc

Minh Anh |

Giống như các công ty công nghệ lớn, nhiều công ty game nổi tiếng giờ cũng phải ngoan ngoãn chiều theo các yêu cầu của chính quyền Trung Quốc về chính sách quản lý người chơi để không bị loại khỏi mâm bánh thị phần khổng lồ ở đất nước tỷ dân.

Tháng 10/2018, các kỹ sư phần mềm trò chơi điện tử của công ty Riot Games - đơn vị sở hữu trò chơi League of Legends (hay Liên minh huyền thoại) ở Santa Monica được đặt hàng thực hiện một yêu cầu rất kỳ quặc: Tìm ra cách hạn chế mọi người dành nhiều thời gian chơi game nhằm đáp ứng chính sách kiểm soát của chính phủ Trung Quốc.

Điều này có vẻ trái ngược với phong cách lâu nay của công ty game này. Bởi cũng giống như nhiều đơn vị phát triển trò chơi điện tử khác, để thành công, Riot Games phải sáng tạo ra những trò chơi có sức hấp dẫn, buộc người chơi phải mê mệt trong thế giới ảo. Nhưng nó lại là một công ty cổ phần và một trong những cổ đông lớn nhất là Tencent.

Cách các công ty game của Mỹ trở thành tay sai, đi xây dựng công cụ kiểm soát người chơi cho theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc - Ảnh 1.

Những nhà phát triển game lớn của Mỹ như Riot Games đang bị buộc phải xây dựng sản phẩm theo hướng kiểm soát xã hội của chính quyền Trung Quốc.

Nắm giữ cổ phiếu điều hành của Riot Games kể từ năm 2011, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc Tencent ít khi tham gia vào việc phát triển các sản phẩm. Ngoài ra, nhà sản xuất game lớn nhất Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung này cũng sở hữu phần lớn cổ phiếu và cổ phiếu điều hành của hàng loạt các công ty đang dẫn đầu trong ngành công nghiệp, bao gồm Supercell với game Clash of Clans hay Epic Games với trò chơi Fortnite. Chưa kể trò chơi mà Tencent tự phát triển, Honor of King, đang là game di động đạt tổng doanh thu cao nhất thế giới năm 2018.

Nhưng chính sự thành công của trò chơi này đã tạo nên mối lo ngại về vấn đề nghiện game của giới trẻ đối với chính phủ Trung Quốc. Do đó, dưới sức ép ngày càng tăng từ phía truyền thông và các đơn vị quản lý, về vai trò của các nhà phát triển game đối với vấn nạn nghiện game, Tencent đã yêu cầu các kỹ sư của mình xây dựng hệ thống theo dõi thời lượng chơi game của người chơi dựa trên số chứng minh nhân dân đầu tiên trên thế giới.

Tencent yêu cầu phải bắt buộc người chơi cung cấp độ tuổi và xác thực số chứng minh nhân dân trên trò chơi Honor of Kings vào năm 2018. Hãng cam kết việc xác thực này sẽ được áp dụng trên tất cả các game của hãng trong năm 2019. Đồng thời, công ty cũng đang tiến hành thử nghiệm các phương pháp xác minh bổ sung như kiểm tra qua nhận dạng khuôn mặt.

Cách các công ty game của Mỹ trở thành tay sai, đi xây dựng công cụ kiểm soát người chơi cho theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc - Ảnh 2.

Riot Games, chủ sở hữu của Leagua of Legends đang tìm cách chống nghiện game cho giới trẻ Trung Quốc.

Tencent cũng buộc các kỹ sư của Riot Games phải tìm ra cách để theo dõi thời gian mà mỗi người ở Trung Quốc đang dành cho việc chơi Leagua of Legends, từ đó có biện pháp để ngăn những người trẻ dành hơn 2 giờ mỗi ngày cho việc chơi game. Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, Riot có thể mất hoàn toàn quyền phân phối các sản phẩm của họ tại thị trường Trung Quốc.

Không tốn quá nhiều thời gian để các kỹ sư của Riot đáp ứng được yêu cầu này. Tháng 12/2018, trên trang truyền thông xã hội QQ, Riot Trung Quốc thông báo bản cập nhật mới của League of Legends với rất nhiều sự thay đổi.

Theo đó, những người chơi sẽ bị theo dõi thời gian trải nghiệm, dựa trên số chứng minh nhân dân của họ. Những người trẻ dưới 18 tuổi có thể bị phạt rất nặng trong game hoặc thậm chí bị trục xuất vĩnh viễn nếu chơi game quá lâu.

Đó chỉ là một trong số nhiều những công ty công nghệ Mỹ nói riêng hoặc phương Tây nói chung đang phải thay đổi, tạo nên những nền tảng tùy biến để có thể "sống sót" trên thị trường lớn thứ 2 thế giới này. Một nơi đầy màu mỡ nhưng cũng không ít khó khăn.

Cách các công ty game của Mỹ trở thành tay sai, đi xây dựng công cụ kiểm soát người chơi cho theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc - Ảnh 3.

Các chính sách kiểm soát của chính phủ khiến thị trường game Trung Quốc bị đóng băng.

Lisa Cosmas Hanson, sáng lập công ty thông tin khảo sát thị trường Niko Partners cho rằng việc kiểm duyệt game đang làm đóng băng thị trường game và gây ra nhiều tổn hại nặng nề đối với các công ty trong lĩnh vực giải trí có liên quan ở Trung Quốc. Điều này khiến cho những công ty nhỏ bước tới bờ vực phá sản, số khác có thể bám trụ, ứng biến theo nhưng cũng rất khó khăn.

"Những nhà phát triển game ở Trung Quốc nói rằng có sản phẩm trước đây chỉ cần khoảng 20 trang giấy tờ hồ sơ để xin cấp phép phân phối, nhưng dưới sự kiểm soát mới của chính quyền, bộ hồ sơ cần tới 300 trang", Hanson dẫn chứng. Theo nghiên cứu của Nikon Partners, chỉ 75 game "ngoại nhập" có thể tiến vào thị trường Trung Quốc trong năm 2018. Trong khi trước đó chỉ một năm, 2017, con số này là 467 game.

Các công ty công nghệ Mỹ nói riêng và phương Tây nói chung có lẽ đang tìm ra hướng đi mới để thiết kế lại những sản phẩm của mình, nhằm tạo ra một phiên bản phù hợp với sự kiểm soát xã hội chặt chẽ. Nếu không, họ có thể phải chấp nhận từ bỏ thị trường lớn thứ 2 thế giới này.

Google và Facebook cũng từng phải đối mặt với lựa chọn khó khăn tương tự, về việc liệu có tạo nên những phiên bản tùy biến cho nền tảng của họ để kết nối với thị trường Trung Quốc hay không. Google bị "đá đít" khỏi Trung Quốc vào năm 2010 do những mâu thuẫn với chính phủ nước này về việc kiểm duyệt các kết quả tìm kiếm và một sự cố lớn liên quan đến bảo mật.

Cách các công ty game của Mỹ trở thành tay sai, đi xây dựng công cụ kiểm soát người chơi cho theo yêu cầu từ chính phủ Trung Quốc - Ảnh 4.

Google thất bại trong việc tiến vào thị trường Trung Quốc.

Năm 2018, Google bí mật phát triển một dự án công cụ tìm kiếm tuân thủ sự kiểm duyệt của Trung Quốc với cái tên Project Dragonfly. Điều này dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ chính các nhân viên của Google và cả các chính trị gia Mỹ. Nhưng hồi tuần trước, một đại diện của công ty đã trình bày trước Quốc hội Mỹ rằng dự án này đã bị chấm dứt.

Về phía Facebook, công ty này đã từ bỏ việc tiến vào thị trường Trung Quốc sau nhiều năm đàm phán thất bại với Bắc Kinh để kháng cáo khỏi lệnh cấm năm 2009. Trong khi đó, những nhà làm luật Mỹ đã bắt đầu kêu gọi các nhà đầu tư Mỹ ngừng rót vốn cho sự phát triển của các hệ thống kiểm soát tại Trung Quốc.

Một số công ty công nghệ Mỹ khác lại không có quyền lựa chọn. Họ phải bắt buộc hỗ trợ việc kiểm duyệt bởi đã nằm dưới quyền sở hữu của những tập đoàn Trung Quốc. Đơn cử như ứng dụng hẹn hò cho người đồng tính nam Grindr, mảng kinh doanh điện thoại di động của Motorola hay chính Riot Games, các công ty đã tự đánh mất quyền tự chủ và có thể bị buộc phải vi phạm những nguyên tắc đạo đức vốn có của mình để làm theo sự điều hành của người chủ mới.

Tham khảo Los Angeles Times

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại