Các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Ung thư Rogle của Đại học Michigan (Mỹ) vừa tìm ra bằng chứng cho thấy, hệ vi sinh vật sống trong đường tiêu hóa có thể quyết định mức độ của ung thư đại trực tràng (ung thư ruột).
Nghiên cứu cho thấy một số loại vi khuẩn đường ruột tốt hơn những loại khác trong việc kích thích các tế bào miễn dịch, cụ thể là tế bào T CD8+. Dạng tế bào đặc biệt này là một "con dao 2 lưỡi": khi nhận được kích thích vừa đủ, chúng sẽ giúp bảo vệ cơ thể chống ung thư. Khi bị kích thích quá mức, chúng lại thúc đẩy quá trình viêm và làm cạn kiệt các dạng tế bào T nói chung, khiến cơ thể dễ mắc ung thư.
Hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng lớn đến bệnh ung thư đại trực tràng.
Đối với người đã mắc bệnh, dạng tế bào T CD8+ này cũng tạo nên hiệu ứng tương tự, giúp khả năng chống chọi với bệnh của cơ thể cũng như việc trị bệnh bằng liệu pháp miễn dịch trở nên hiệu quả hơn hoặc kém hiệu quả.
Theo phó giáo sư - tiến sĩ Grace Chen, tác giả của nghiên cứu, thử nghiệm trên động vật đã chứng minh rõ ràng hơn vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng đến bệnh ung thư đại trực tràng, và một số sự rối loạn trong hệ vi sinh vật này có thể khiến căn bệnh trở nên nguy hiểm hơn.
Phát hiện này sẽ mở đường cho những cách can thiệp hiệu quả hơn trong điều trị ung thư đại trực tràng, thông qua "chăm sóc" hệ vi sinh vật đường ruột, thứ vốn phụ thuộc nhiều vào chế độ ăn uống và một số thuốc mà bệnh nhân sử dụng.
Nghiên cứu này vừa công bố trên tạp chí khoa học Cell Reports.