Nhóm nghiên cứu đến từ Bệnh viện trực thuộc Số 2 của Đại học Y Trùng Khánh - Trung Quốc đã điều tra mối liên hệ giữa chế độ ăn và nguy cơ ung thư phổi trên hơn 98.400 người từ 55 tuổi trở lên với thời gian theo dõi trung bình 8,8 năm.
Kết quả cho thấy căn bệnh trước giờ hay được liên kết với yếu tố nguy cơ chính là thuốc lá này còn bị tác động không nhỏ bởi một yếu tố khác: Chất béo trong chế độ ăn.
Theo bài công bố trên tạp chí The Journal of Nutrition, Health and Aging, việc tuân thủ chế độ ăn ít chất béo làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư phổi ở tất cả các phân nhóm ung thư phổi.
Đó là những người có chế độ ăn mà lượng calo từ chất béo chiếm ít hơn 30% tổng lượng calo nạp vào trong ngày. Nếu họ tiêu thụ nhiều chất xơ, trái cây và vitamin C, lợi ích càng tăng.
Ngược lại, chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa làm tăng nguy cơ mắc loại bệnh này.
Chất béo bão hòa là dạng chất béo được tìm thấy trong mỡ đa số động vật hay một số loại dầu nhiệt đới như dầu cọ, dầu dừa. Các món ăn ngọt, đồ ăn nhanh, chế biến sẵn... cũng thường chứa nhiều chất béo này.
Còn chất béo không bão hòa đến từ các loại dầu "tốt" như các loại dầu ô liu, đậu phộng, hạt cải, hướng dương, đậu nành...; các loại đậu và hạt; cá.
Đặc biệt, tác động của chế độ ăn lên nguy cơ ung thư phổi rõ ràng nhất ở những người có hút thuốc, bởi nhóm này có nguy cơ ung thư phổi vốn đã cao hơn người khác rất nhiều.
Tuy vậy, do tác động của thuốc lá rất lớn nên người hút thuốc dù có chế độ ăn uống tốt thì nguy cơ mắc ung thư phổi vẫn cao hơn người chưa bao giờ hút thuốc.
Các tác giả cũng cho biết có nhiều cơ chế giải thích cho tác động của chất béo trong chế độ ăn với ung thư phổi.
Đầu tiên, chế độ ăn nhiều chất béo làm thay đổi trực tiếp quá trình trao đổi chất và trạng thái tế bào của các mô khỏe mạnh, như kích hoạt một số yếu tố nhằm điều chỉnh việc lưu trữ chất béo ở gan và các nơi khác, điều đồng thời thúc đẩy sự khởi phát và tiến triển của khối u.
Thứ hai, chất béo còn hoạt động như các phân tử truyền tín hiệu nội bào và ngoại bào. Các tế bào ung thư cũng tiết ra một dạng chất béo hoạt tính sinh học nhằm thúc đẩy sự phát triển, xâm lấn và di căn của căn bệnh.
Vì thế, thêm chất béo từ chế độ ăn, cũng như thêm dầu vào lửa.
Thứ ba, tương tác giữa tế bào và tế bào được làm trung gian giữa chất béo trong môi trường vi mô của khối u, vì vậy nhiều chất béo, khối u càng có cơ hội sống khỏe, sống lâu.
Chưa kể, trong môi trường vi mô khối u này, chất béo có thể gây tổn hại đến các "tế bào tiêu diệt tự nhiên" và chức năng của tế bào T, là những vũ khí cơ thể vốn có để chống lại ung thư.
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa trước đây đã được chứng minh là gây hại cho sức khỏe, bao gồm làm tăng các bệnh mạn tính hàng đầu trong nhóm tim mạch, chuyển hóa.
Ngoài ra, cũng có các bằng chứng trên thế giới cho thấy béo phì là một yếu tố gây ung thư chỉ thua hút thuốc một chút, mà cách ăn nhiều chất béo bão hòa là một trong những con đường phổ biến nhất dẫn đến béo phì.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi là loại ung thư đứng đầu về số ca mắc lẫn số ca tử vong trên toàn cầu.