Người dân nghỉ tránh nắng dưới bóng râm của cây cầu ở New Delhi, Ấn Độ ngày 12/5/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Theo nghiên cứu đăng tải trên tạp chí Communications Earth and Environment ngày 25/8, trong kịch bản có thể xảy ra nhất, thế giới sẽ bỏ lỡ những mục tiêu đã đặt ra khiến người dân ở những vùng nhiệt đới có khả năng phải trải qua các mức nhiệt độ có hại trong hầu hết các ngày của mỗi năm điển hình (năm được coi là nắng nóng cực đoan) vào cuối thế kỷ này. Nếu thế giới không kiểm soát được lượng khí thải, nhiều người ở những khu vực nhiệt đới có thể phải đối mặt với những giai đoạn nắng nóng cực đoan "ác mộng" tiềm tàng.
Tác giả chính của nghiên cứu trên thuộc Đại học Harvard, Lucas Vargas Zeppetello, cho rằng nếu thế giới không hành động cùng nhau, có khả năng hàng tỷ người trên toàn cầu sẽ phải hứng chịu các mức nhiệt cực kỳ nguy hiểm một cách quá mức chưa từng thấy.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng ngay cả khi nhân loại có thể đáp ứng được những mục tiêu về khí hậu như trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu là hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, thì hàng triệu người ở những vùng nhiệt đới có thể vẫn phải hứng chịu tình trạng nắng nóng nguy hiểm đến nửa năm vào năm 2100. Trong khi đó, ở những khu vực ngoài vùng nhiệt đới, những đợt nắng nóng chết người cũng sẽ xảy ra hàng năm.
Các nhà nghiên cứu đang đề cập đến mức nhiệt nguy hiểm là 39,4 độ C trong khi mức nhiệt trên 51 độ C được coi là "cực kỳ nguy hiểm" và không an toàn đối với con người. Theo nhà nghiên cứu Zeppetello, mức nhiệt cực kỳ nguy hiểm là khi con người làm việc trong môi trường trong nhà mà vẫn cảm thấy nóng như thiêu đốt. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng vào cuối thế kỷ này, một số khu vực nhiệt đới, trong đó nguy cơ nhất là khu vực Nam sa mạc Sahara châu Phi và Ấn Độ, sẽ phải hứng chịu mức nhiệt này mỗi năm trừ khi thế giới phải cắt giảm mạnh lượng khí thải. Nhà nghiên cứu Zeppetello cho rằng "điều này khá đáng sợ" khi mà việc đi bộ ngoài trời trong điều kiện thời tiết như vậy cũng rất nguy hiểm.
Nhiệt độ Trái Đất hiện đã tăng lên gần 1,2 độ C và những dự báo hiện nay dựa trên những cam kết cắt giảm khí thải CO2 sẽ cho thấy thế giới có thể sẽ vượt xa mức mục tiêu tăng nhiệt là 2 độ C vào năm 2100. Ước tính, thế giới chỉ có 0,1% cơ hội để có thể hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu là 1,5 độ C vào năm 2100, theo đó dự báo nhiệt độ Trái Đất có thể tăng ở mức 1,8 độ C vào năm 2050. Các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ trung bình toàn cầu có thể tăng 3 độ C vào năm 2100, điều mà chuyên gia Zeppetello nhận định là "cơn ác mộng" đối với nhiều người.