Có 3 loại tế bào mỡ chính là tế bào mỡ màu trắng, màu nâu và màu be được lưu trữ dưới dạng chất béo thiết yếu dưới da hoặc nội tạng. Mỗi loại chất béo khác nhau trong cơ thể đảm nhiệm một vai trò khác nhau. Một số loại chất béo có thể gây ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của bạn và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch, bệnh huyết áp cao hay bệnh ung thư,...
1. Các loại mỡ của cơ thể
- Mỡ trắng
Hầu hết mỡ trắng được hình thành từ các tế bào lớn, được lưu trữ dưới da hoặc xung quanh các cơ quan ở bụng, cánh tay, mông và đùi. Những tế bào mỡ này tích tụ là cách cơ thể lưu trữ năng lượng để sử dụng cho các hoạt động sau này.
Mỡ trắng có các vai trò chính trong chức năng của các hormone như nội tiết tố, leptin (hormone kích thích cơn đói), insulin, cortisol (hormone gây căng thẳng) và hormone tăng trưởng. Tỷ lệ phần trăm mỡ trắng trong cơ thể theo khuyến nghị nên là 14 - 24% ở nam giới và 21 - 31% ở nữ giới (trừ trường hợp là vận động viên).
Quá nhiều mỡ trắng có thể khiến bạn tăng nguy cơ mắc các vấn đề như tiểu đường type 2, bệnh tim mạch vành, huyết áp cao, đột quỵ, mất cân bằng nội tiết tố, các biến chứng thai kì, bệnh gan - thận,...
- Mỡ nâu
Mỡ nâu là loại mỡ chủ yếu được tìm thấy ở trẻ sơ sinh còn ở người lớn chúng ta chỉ tìm thấy với một lượng rất nhỏ tại cổ và vai.
Loại mỡ này đóng vai trò đốt cháy axit béo để giữ ấm cho cơ thể. Theo Healthline, việc tìm cách kích thích hoạt động của mỡ nâu có thể giúp ngăn ngừa béo phì, mặc dù cần nhiều nghiên cứu và số liệu để chứng minh cụ thể.
- Mỡ màu be (brite)
Mỡ màu be hoặc màu nhạt là những tế bào mỡ hoạt động "ở đâu đó" xen giữa các tế bào mỡ nâu và trắng. Tương tự như mỡ nâu thì các tế bào mỡ màu be cũng giúp đốt cháy chất béo nhiều hơn là tác dụng lưu trữ như mỡ trắng.
Cơ thể có 3 loại mỡ chính đóng vai trò khác nhau ở các vùng khác nhau (Ảnh: Internet)
2. Các vùng mỡ khác nhau trên cơ thể cho thấy điều gì về sức khỏe?
Như đã nói ở trên, các tế bào mỡ đóng vai trò khác nhau trong cơ thể và tùy từng vị trí khác nhau. Tuy nhiên quá nhiều mỡ cơ thể lại cảnh báo các vấn đề sức khỏe. Cụ thể:
- Mỡ bụng
Mỡ bụng là một trong những vùng mỡ phổ biến nhất trên cơ thể và thường được gọi là mỡ nội tạng. Thực tế có hai loại mỡ bụng là mỡ nội tạng (Abdominal fat hay Visceral fat) và mỡ dưới da (subcutaneous fat). Mỡ này bao quanh các cơ quan quan trọng trong cơ thể và bạn sẽ bắt đầu nhận thấy vùng mỡ này khi tiêu thụ quá nhiều calo trong khi không tiêu hao đủ.
Những biến chứng sức khỏe thường liên quan tới mỡ nội tạng nhiều hơn là mỡ dưới da. Theo Medical News Today, mỡ bụng dư thừa có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, huyết áp cao, đột quỵ, tiểu đường type 2, hen suyễn, ung thư vú, ung thư ruột kết, mất trí nhớ,...
Đây có thể là:
+ Dấu hiệu của sự trao đổi chất thấp hoặc mất cân bằng nội tiết tố. Đối với phụ nữ, mỡ bụng thường tích tụ nhiều hơn, đặc biệt là sau mãn kinh, cơ bắp giảm đi và chất béo tăng lên - ngay cả khi không tăng cân
+ Chế độ ăn nghèo nàn ít protein, tiêu thụ nhiều thực phẩm có đường như bánh ngọt, soda, kẹo
+ Uống quá nhiều rượu
+ Thiếu vận động
Mỡ bụng là một trong những vùng mỡ phổ biến nhất trên cơ thể (Ảnh: Internet)
+ Căng thẳng ảnh hưởng tới quá trình giải phóng cortisol - tác động tới quá trình trao đổi chất, thúc đẩy thèm ăn
+ Di truyền, môi trường
+ Ngủ kém, thời gian ngủ ngắn thúc đẩy thói quen ăn uống thất thường theo cảm xúc gây tăng cân
+ Hút thuốc thúc đẩy nguy cơ béo bụng một cách gián tiếp.
- Mỡ bắp tay
Mỡ bắp tay xuất hiện nhiều hơn có thể là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể, chẳng hạn như khi bạn đang dùng bất kì một loại thuốc nội tiết tố nào đó khiến nồng độ hormone trong cơ thể thay đổi thì mỡ bắp tay cũng sản xuất nhiều hơn. Mất cân bằng nội tiết tố có thể dẫn đến việc giữ nước, khiến cánh tay của bạn trông như bị "phồng lên". Tình trạng trì trệ của cơ thể hoặc thiếu hoạt động thể chất có thể khiến bạn tăng thêm trọng lượng ở cánh tay cũng như các vùng khác. Điều này là do bạn không có đủ các vận động thể chất để làm săn chắc cơ bắp.
Mỡ bắp tay xuất hiện nhiều hơn có thể là do sự thay đổi nội tiết tố trong cơ thể (Ảnh: Internet)
Trên thực tế mỡ bắp tay cũng thường xuất hiện ở phụ nữ nhiều hơn nam giới, đặc biệt là ở phụ nữ trải qua thời kì mãn kinh do nồng độ testosterone giảm xuống.
- Mỡ hông đùi
Vùng hông được biết đến là một trung tâm dự trữ chất béo, đặc biệt là ở phụ nữ. Nguyên nhân vùng hông đùi tích tụ nhiều mỡ có thể là do di truyền, thiếu hoạt động thể chất hoặc do tác dụng phụ của thuốc dựa trên estrogen như thuốc tránh thai.
Ngoài ra, tuổi tác cũng có liên quan tới việc mỡ tích tụ quanh xương chậu, mông và đùi.
Mỡ lưng và dưới eo khiến nhiều người kém tự tin hơn (Ảnh: Internet)
- Mỡ lưng dưới và eo
Chế độ ăn thường xuyên các thực phẩm chế biến sẵn nhiều muối, giàu carbohydrate tinh chế và các loại đồ uống có đường cộng thêm việc tập thể dục không thường xuyên sẽ dẫn tới sự tích tụ mỡ thừa tại vùng lưng dưới và eo.
Ngoài ra, mỡ lưng dưới và eo cũng có liên quan tới tình trạng căng thẳng, mất ngủ, tuổi tác và các tình trạng sức khỏe chưa được chẩn đoán hoặc điều trị có ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất của cơ thể chẳng hạn như suy giáp khiến cơ thể khó đốt cháy thêm chất béo hơn.
Đây là vùng mỡ không chỉ phổ biến ở nữ giới mà còn ở cả nam giới.
Nhìn chung, chú ý tới các vùng mỡ tăng lên ở các vùng cơ thể giúp bạn nhanh chóng điều chỉnh chế độ sinh hoạt và ăn uống cũng như những triệu chứng bất thường khác kèm theo để thăm khám bác sĩ sớm.
Nguồn: Tổng hợp