Các vụ thử hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người

Lê Ngọc |

Các cường quốc thuộc câu lạc bộ hạt nhân từng tiến hành nhiều vụ thử hạt nhân, trong đó có những vụ nố với sức mạnh khủng khiếp.

Thời kỳ giữa cuộc thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Mỹ vào năm 1945 và vụ thử cuối cùng của Triều Tiên vào tháng 9/2019, thế giới đã chứng kiến ít nhất 2.056 vụ thử hạt nhân. Gần 85% trong số này Mỹ và Liên Xô thực hiện; ba cường quốc hạt nhân khác (Anh, Pháp và Trung Quốc) cũng đã có một số lượng đáng kể các vụ thử.

Mỹ

Mỹ là nước tiến hành các vụ thử vũ khí hạt nhân đầu tiên và nhiều nhất trong lịch sử. Vụ thử hạt nhân đầu tiên có mật danh Trinity diễn ra tại sa mạc Jornada del Muerto, New Mexico, vào ngày 16/7/1945. Từ năm 1945 đến năm 1992, Mỹ đã tiến hành 1.030 vụ thử hạt nhân, chiếm gần một nửa tổng số vụ thử của thế giới.

Vụ lớn nhất được thực hiện 9 năm sau lần thử Trinity, vào ngày 1/3/1954 tại đảo san hô Bikini ở Quần đảo Marshall. Castle Bravo là vũ khí nhiệt hạch đầu tiên được thả sau khi Mỹ lần đầu tiên thử bom nhiệt hạch vào năm 1952.

Các vụ thử hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người - Ảnh 1.

Vụ thử hạt nhân Castle Bravo của Mỹ; Nguồn: wikipedia.org

Trong khi các nhà thiết kế dự tính công suất khoảng 5-6 megaton (1 megaton tương đương 1 triệu tấn thuốc nổ TNT), vụ nổ Castle Bravo có công suất đến 15 megaton, mạnh hơn khoảng 1.000 lần so với những quả bom được thả xuống Nhật Bản trong Thế chiến II.

Cuộc thử nghiệm đã cảnh báo nguy cơ của kỷ nguyên hạt nhân đối với Mỹ và các nhà hoạch định chính sách của thế giới. Sau thử nghiệm, các cố vấn khoa học của Tổng thống Mỹ Eisenhower đã liên kết mô hình bụi phóng xạ của cuộc thử nghiệm Castle Bravo với bản đồ giả thiết Washington DC là tâm nổ.

Kết quả như Annie Jacobsen thuật lại trong cuốn sách về lịch sử của DARPA: “Nếu tâm nổ là Washington D.C, mọi cư dân trong khu vực lớn hơn Washington-Baltimore sẽ bị tử vong.

Ngay cả ở Philadelphia, cách đó gần 250km, đa số cư dân sẽ bị phơi nhiễm mức bức xạ có thể giết chết họ trong vòng 1 giờ; tại thành phố New York, cách 360km về phía bắc, một nửa dân số có thể chết sau 12 giờ. Trên tất cả các con đường đến biên giới Canada, cư dân sẽ phải nhận liều 100 roentgens (đơn vị đo liều phóng xạ bị phơi nhiễm) trở lên”.

Liên Xô

Liên Xô đã có tổng cộng 715 vụ thử so với con số 1.030 vụ của Mỹ. Trên thực tế, cả 5 vụ nổ hạt nhân lớn nhất trong lịch sử đều do Liên Xô tiến hành, lớn nhất là Tsar Bomba. Ngày 30/10/1961, một máy bay ném bom Tu-95 được sửa đổi đặc biệt cất cánh mang theo một quả bom Tsar Bomba nặng khoảng 27 tấn. Sau khi thả, bom Tsar Bomba rơi xuống cùng chiếc dù nặng 1 tấn và phát nổ ở độ cao 4.000m so với mặt đất.

Vụ nổ có công suất 57 megaton, gấp hơn 10 lần so với tổng tất cả các loại bom đạn được sử dụng trong Thế chiến II. Như BBC tường thuật, “ánh chớp vụ nổ đã có thể được nhìn thấy từ khoảng cách hơn 1.000km, đám mây hình nấm của vụ nổ bốc cao đến 65km, với tán lan rộng gần 100km”. Theo một số nguồn tin, vụ nổ đã phá vỡ kính cửa sổ ở khoảng cách 900km.

Các vụ thử hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người - Ảnh 2.

Vụ thử Tsar Bomba. Nguồn: funfactz.com

Anh

Anh là quốc gia thứ ba tham gia câu lạc bộ hạt nhân, cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên vào ngày 3/10/1952. Anh và các nước khác (Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan và Israel) có kho vũ khí nhỏ hơn nhiều so với Mỹ hoặc Liên Xô và cũng không có nhiều cuộc thử nghiệm hạt nhân như Washington và Moscow.

Anh đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân từ năm 1952 đến 1991. London bắt đầu thử nghiệm bom nhiệt hạch (bom hydro) năm 1957 nhưng các thiết kế ban đầu đã không tạo ra công suất như mong đợi. Vụ thử bom nhiệt hạch thành công đầu tiên là vào tháng 11/1957, nhưng vụ thử bom nhiệt hạch lớn nhất nước Anh là Grapple Y vào tháng 11/1958, với công suất 3 megaton.

Lúc đầu, London tự mình thử nghiệm các thiết bị hạt nhân, nhưng từ năm 1961, các vụ thử hạt nhân của Anh đã được thực hiện cùng với Mỹ. Washington từ chối hợp tác với Anh trong hầu hết các vấn đề hạt nhân cho đến khi Anh sở hữu khả năng chế tạo vũ khí nhiệt hạch.

Các vụ thử hạt nhân khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người - Ảnh 3.

Vụ thử bom nhiệt hạch Grapple Y của Anh; Nguồn: reddit.com

Pháp

Pháp là quốc gia thứ tư thử vũ khí hạt nhân vào ngày 13/2/1960. Tổng cộng, nước này đã tiến hành 210 vụ thử hạt nhân từ năm 1960 đến 1996. Chiến lược hạt nhân của Pháp gần với Anh hơn các siêu cường, nhưng khác với Anh, Pháp không thiết lập quan hệ chặt chẽ với Mỹ trong lĩnh vực hạt nhân.

Mặc dù Pháp đứng trước Trung Quốc trong câu lạc bộ nguyên tử, Bắc Kinh thực tế đã cho nổ một quả bom nhiệt hạch trước Paris. Không giống như Anh, thử nghiệm bom nhiệt hạch của Pháp đã thành công ngay từ lần đầu tiên, vào ngày 24/8/1968 với mật anh Canopus và công suất 2,6 megaton.

Trung Quốc

Trung Quốc đã phá vỡ sự độc quyền của phương Tây đối với vũ khí hạt nhân khi cho nổ một quả bom nguyên tử vào ngày 16/10/1964, tại khu thử nghiệm Lop Nur. Sau chưa đầy ba năm, ngày 17/6/1967, Bắc Kinh tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm vũ khí nhiệt hạch công suất 3,3 megaton. Đây là thời gian từ khi cho nổ bom nguyên tử đầu tiên đến nổ bom nhiệt hạch đầu tiên ngắn nhất trên thế giới.

Trung Quốc không thực hiện các vụ thử hạt nhân khác tiếp theo, trừ một ngoại lệ là vào năm 1976, Trung Quốc cho nổ một quả bom thả từ máy bay với công suất 4 megaton. Tổng cộng, Bắc Kinh đã tiến hành 45 vụ thử hạt nhân (tương đương với Anh) trong khoảng thời gian từ 1964 đến 1996.

Triều Tiên

Triều Tiên là quốc gia gần đây nhất tham gia câu lạc bộ hạt nhân sau khi cho nổ quả bom nguyên tử đầu tiên vào năm 2006, công suất 2 kiloton (1 kiloton tương đương 1.000 tấn thuôc nổ TNT). Bốn thử nghiệm hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng có công suất dưới 20 kiloton, nhưng lần thử thứ năm có thể đã lên tới 25 kiloton.

Vụ thử hạt nhân gần đây nhất là mạnh nhất, công suất thực của nó vẫn là một vấn đề gây tranh cãi, với ước tính từ 100-250 kiloton. Cũng có nhiều ý kiến khác nhau về việc Triều Tiên đã thử một quả bom nhiệt hạch, như chính Bình Nhưỡng tuyên bố, hay là một quả bom phân hạch được tăng cường.

Kết luận

Bom hạt nhân mà Mỹ và Liên Xô đã thử nghiệm vào đầu Chiến tranh Lạnh là những di chứng của quá khứ. Vào thời điểm đó, học thuyết hạt nhân vẫn còn ở giai đoạn sơ khai và vũ khí này chủ yếu nhắm vào mục tiêu là các thành phố.

Hơn nữa, như Thế chiến II đã chỉ ra, độ chính xác của bom ném từ máy bay rất thấp (tương tự các tên lửa đầu tiên), có nghĩa là một vụ nổ hạt nhân lớn không được sử dụng để tiêu diệt bất kỳ mục tiêu cụ thể nào.

Với khả năng nhắm mục tiêu và độ chính xác cao hơn, cùng với một số quốc gia, Mỹ áp dụng học thuyết mục tiêu đối kháng (mục tiêu có giá trị quân sự, chẳng hạn như silo phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, căn cứ không quân - nơi đồn trú máy bay ném bom hạt nhân, nơi neo đậu của tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hoặc nơi bố trí sở chỉ huy và điều khiển - ND) thay vì các mục tiêu quan trọng của đối phương nhưng không thực sự là mối đe dọa quân sự (thành phố và khu dân cư, khu công nghiệp… - ND).

Các vũ khí hạt nhân có công suất khổng lồ như Castle Bravo và Tsar Bomba không còn cần thiết và có lẽ, sẽ không bao giờ được sử dụng. Hiện nay, vũ khí hạt nhân mạnh nhất của Mỹ được cho là B83, có công suất 1,2 megaton, nhưng ngay cả quả bom này cũng đang trong quá trình bị loại biên./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại