Các vụ khủng hoảng vì va chạm giữa Nga và Mỹ

Nguyễn Đình Thiêm |

Theo tờ “Bưu điện hàng ngày” ngày 7 tháng 6 năm 2019, hai tàu chiến của hải quân Hoa Kỳ và Nga gần như đã va chạm ở Thái Bình Dương, sau đó cả Nga và Mỹ đều cáo buộc lẫn nhau gây ra “hành động nguy hiểm” và “không chuyên nghiệp”.

Trên thực tế, những sự cố đối đầu tương tự thậm chí rất nghiêm trọng thường xảy ra giữa hai cường quốc quân sự Liên Xô và Mỹ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, những cuộc va chạm này xảy ra từ trên không đến dưới nước. Dưới đây là những vụ va chạm máy bay và tàu chiến điển hình.

Vụ va chạm tàu chiến trên Thái Bình Dương

Vào lúc 11 giờ 45 phút ngày 7 tháng 6 năm 2019, hai tàu chiến Mỹ và Nga suýt xảy ra sự cố va chạm nhau, đây không phải là lần đầu tiên tàu chiến của Mỹ và tàu chiến Nga va chạm trên biển.

Theo tin tức được thông báo, vào lúc 11:45 sáng ngày 7 tháng 6, tàu tuần dương mang tên lửa "Chancellesville" (CG-62, lớp Ticonderoga) của hải quân Hoa Kỳ và tàu khu trục chống ngầm Đô đốc Vinogradov của hải quân Nga (số hiệu DD-572) đã gần như va chạm nhau ở Thái Bình Dương.

Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tuyên bố rằng tàu chiến Mỹ chỉ cách tàu Nga 50m và sau đó tàu chiến Nga "phải có hành động khẩn cấp để tránh va chạm".

Tàu chiến Mỹ và Nga suýt va chạm nhau ngày 7 tháng 6 năm 2019.

Trong một tuyên bố khác, hải quân Hoa Kỳ cáo buộc phía Nga nói rằng tàu chiến Nga đã thực hiện một "hành động không an toàn" đối với tàu chiến Mỹ. Vào thời điểm đó, tàu tuần dương Mỹ đang di chuyển với tốc độ ổn định để cho máy bay trực thăng hạ cánh thì tàu chiến Nga đã đột ngột tăng tốc độ tiếp cận tàu tuần dương Mỹ ở khoảng cách rất nguy hiểm từ 15 đến 30 mét buộc tàu Mỹ phải khởi động tất cả các động cơ và tăng hết tốc lực để tránh xảy ra cuộc va chạm.

Đoạn video do hải quân Mỹ công bố cho thấy khoảng cách giữa hai tàu chưa đến 30 mét, thủy thủ hai bên (không cần kính viễn vọng) cũng có thể nhìn rất rõ mặt nhau, đúng là vô cùng nguy hiểm.

Trước khi xảy ra sự cố này vài ngày, Nga và Mỹ cũng vừa xảy ra cuộc tranh cãi vì hành động “đánh chặn không an toàn” của máy bay tiêm kích Su-35 của Nga với máy bay tuần tra chống ngầm P-8A của Mỹ gần Syria.

Theo quân đội Nga, máy bay tuần tra chống ngầm P-8A đã nhiều lần cố gắng tiếp cận căn cứ hải quân Tartus của quân đội Nga tại Syria. Phía quân đội Mỹ cho biết, máy bay chiến đấu Su-35S của Nga đã thực hiện ba lần đánh chặn rất nguy hiểm với với máy bay tuần tra chống ngầm P-8A của Mỹ.

Nhìn lại quá khứ ngày 12 tháng 2 năm 1988 cũng đã xảy ra một vụ va chạm giữa tàu khu trục Liên Xô và tàu tuần dương Mỹ. Hôm đó tàu tuần dương USS “York City” (số hiệu CG-48) và tàu khu trục "Karen" đã cố tình đi vào hải phận của Liên Xô chỉ cách cảng quân sự Sevastopol có 7 hải lý để thực hiện cái gọi là "hàng hải tự do".

Các vụ khủng hoảng vì va chạm giữa Nga và Mỹ - Ảnh 2.

Vụ va chạm giữa tàu khu trục Liên Xô và tàu tuần dương USS của Mỹ năm 1988.

Để đối phó với hành động khiêu khích của quân đội Hoa Kỳ, hải quân Liên Xô đã nhanh chóng phái một tàu khu trục và tàu chiến hạng nhẹ SKR-6 đến khu vực biển có tàu chiến Mỹ để cảnh báo họ.

Sau khi cảnh báo không có hiệu quả, tàu chiến Liên Xô đã gửi một thông điệp tới tàu chiến Hoa Kỳ rằng "Hải quân Liên Xô được lệnh phải ngăn chặn cuộc xâm lược lãnh hải của phía Mỹ và tàu chiến Liên Xô sẽ tấn công tàu chiến Mỹ".

Ngay sau đó, tàu khu trục của Liên Xô (với lượng giãn nước 3.300 tấn, tương đương với một phần ba lượng giãn nước của tàu tuần dương Mỹ) được cho là đã bất ngờ chuyển hướng và nhằm thẳng vào mạn trái tàu tuần dương USS "York City" lao tới. Kết quả cú va chạm đã làm hỏng hệ thống phóng tên lửa chống hạm "Harpoon" và nhiều vết thủng trên thân tàu tuần dương USS "York City ".

Hành động cứng rắn của tàu chiến Liên Xô đã làm cho tàu chiến Mỹ hoảng sợ vì nếu hệ thống phóng tên lửa phát nổ sẽ rất nguy hiểm nếu có đạn ở bên trong nhưng rất may là cả hai bên đều không xảy ra thương vong gì.

Đối với tàu khu trục Liên Xô sau vụ va chạm chỉ bị mất một mỏ neo bên phải, đây là một trong những vụ va chạm tàu chiến ly kỳ nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, sự việc này cho thấy quyết tâm của quân đội Liên Xô trong việc bảo vệ quyền lãnh hải và nó cũng làm giảm đáng kể các hành động khiêu khích tương tự của hải quân Hoa Kỳ trên biển.

Su-27 va chạm trinh sát P-3B

Nhìn lại lịch sử, những sự cố va chạm tương tự giữa máy bay trên không và tàu chiến trên biển của Nga và Mỹ không phải là hiếm, thậm chí nhiều vụ còn rất nguy hiểm. Ví dụ điển hình sự cố va chạm xảy ra vào ngày 13 tháng 9 năm 1987 giữa máy bay chiến đấu của Liên Xô và máy bạy trinh sát trên biển của Na Uy.

Hôm đó khi một máy bay tuần tra chống ngầm P-3B của không quân Na Uy đang tiến hành trinh sát một hạm đội Liên Xô trên vùng biển Barents thì bị một máy bay chiến đấu Su-27 của không quân Nga đánh chặn (máy bay Su-27 được đưa vào hoạt động vào tháng 6 năm 1985). Đây cũng là lần đầu tiên quân đội phương Tây có cơ hội nhìn thấy máy bay này ở khoảng cách rất gần.

Các vụ khủng hoảng vì va chạm giữa Nga và Mỹ - Ảnh 3.

Sự cố va chạm trên không vào ngày 13 tháng 9 năm 1987.

Vào thời điểm đó, phi hành đoàn của chiếc máy bay trinh sát chống ngầm P-3B của Na Uy không biết rằng đây là chiếc Su-27 nổi tiếng và viên phi công máy bay Su -27 có số hiệu 36 đã ba lần thực hiện hành động tiếp cận chiếc P-3B. Khoảng cách giữa hai máy bay rất gần đến nỗi phi hành đoàn P-3B có thể thấy được biểu cảm của phi công Liên Xô qua cửa kính buồng lái.

Trong lần tiếp cận thứ ba, viên phi công Liên Xô đã lái chiếc Su-27 tiếp cận từ cánh phải của máy bay chống ngầm P-3B với tốc độ cao và cánh đuôi của chiếc Su-27 đã cắt qua động cơ số 1 của P-3B như con dao mổ làm cánh quạt của động cơ bị gãy một đoạn dài hơn 30cm khiến cho động cơ số 1 của máy bay P-3B ngừng hoạt động.

Đoạn cánh quạt gãy này đã đâm thẳng vào thân máy bay P-3B như một phát đạn và chiếc máy bay P-3B đã bị rơi tự do từ độ cao 3.000 mét trong một phút (trước đó hai máy bay bay ở độ cao là 4.500 mét).

Mãi đến phút cuối cùng chiếc máy bay P-3B mới may mắn mới lấy lại được cân bằng, có thể nói rằng phi hành đoàn của chiếc P-3B đã rất bình tĩnh xử trí tốt tình huống nếu không thì chiếc máy bay đã bị rơi xuống biển.

Sau đó, dưới sự hộ tống của hai máy bay chiến đấu F-16 của không quân Na Uy, chiếc máy bay P-3B lắc lư chao đảo bay trở về Na Uy và hạ cánh xuống căn cứ không quân gần nhất. Chiếc máy bay chiến đấu Su-27 của Liên Xô đã trở nên nổi tiếng với sự cố va chạm này.

Vụ đối đầu tàu ngầm giữa Nga và Mỹ

Ngoài những vụ va chạm trên không, các tàu ngầm của Hải quân Nga - Mỹ đã có nhiều vụ “đụng nhau dưới nước” sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Tháng 2 năm 1992, nước Nga đang trong giai đoạn quá độ chuyển tiếp từ Liên Xô - Nga nên đại bộ phận các dự án nghiên cứu phát triển vũ khí bị đình chỉ và sức mạnh chiến đấu của quân đội suy yếu rất nhiều.

Các vụ khủng hoảng vì va chạm giữa Nga và Mỹ - Ảnh 4.

Tàu ngầm hạt nhân K-276 của Nga bị hư hại phần tháp sau sự cố va chạm với tàu ngầm Mỹ ngày 11 tháng 2 năm 1992.

Quân đội Hoa Kỳ cho rằng đây là cơ hội tốt nhất để do thám lực lượng quân sự của nước Nga nên đã phái một tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Los Angeles (SSN-689) bí mật xâm nhập cảng quân sự Murmansk phía bắc nước Nga thực hiện nhiệm vụ trinh sát điện tử.

Vào khoảng lúc 8:16 ngày 11 tháng 2 năm 1992 ở một địa điểm chỉ cách bờ biển nước Nga 19 hải lý. Tàu ngầm hạt nhân Baton Rouge của quân đội Mỹ đã bí mật bám theo chiếc tàu ngầm hạt nhân Kostroma (số hiệu K-276) của hải quân Nga ngay sau khi tàu này vừa rời cảng.

Việc phát hiện ra tàu ngầm này làm cho phía Mỹ vô cùng vui mừng vì tàu ngầm này thuộc lớp Sierra, thân tàu được làm bằng hợp kim titan rất cứng và rất đắt tiền. Hiện tại, cả hải quân Nga chỉ có 4 tàu ngầm loại này và rất hiếm thu được tin tức tình báo về nó.

Nhưng sự việc xảy ra lại nằm ngoài sự mong đợi của quân đội Mỹ vì tàu ngầm K-276 đã nắm được hành tung của tàu ngầm Mỹ và chỉ chờ có cơ hội để phản công. Khi biết được mình đã bị theo dõi từ phía sau, tàu ngầm K-276 của Nga đột ngột chuyển hướng 180 độ (quân đội Mỹ gọi hành động này là hành động điên rồ của Ivan) và lao thẳng vào tàu ngầm Mỹ.

Chiếc tàu ngầm Baton Rouge với lượng choán nước 6.900 tấn đã không kịp phản ứng và cú va chạm đã làm cho hai tàu đều bị hư hại nhưng may mắn là cả hai bên đều không có binh sĩ nào thương vong.

Tàu ngầm K-276 được làm bằng hợp kim titan cộng với thiết kế độc đáo nên sau vụ va chạm chỉ bị hư hại nhẹ; riêng phần vỏ áp lực thì không hề hấn gì và sau một thời gian sửa chữa nó lại tiếp tục phục vụ trong hạm đội Phương Bắc của hải quân Nga.

Với chiếc tàu ngầm Baton Rouge của Mỹ tuy rằng phía Mỹ tuyên bố “không có tổn hại nghiêm trọng” nhưng khi về cảng sửa chữa mới phát hiện lớp vỏ áp lực bị nứt nhiều chỗ ngay cả khi sửa chữa hoàn chỉnh vẫn không thể đảm bảo an toàn cho việc hoạt động dưới nước và năm 1995 quân đội Mỹ đã phải cho nó “về hưu”, trở thành tàu ngầm lớp Los Angeles đầu tiên được nghỉ hưu.

Sự kiện này đã gây nên sự lúng túng khó xử trong quân đội Mỹ. Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố rằng vụ va chạm giữa hai tàu ngầm hạt nhân là “hoàn toàn ngẫu nhiên” và cáo buộc hành động của tàu ngầm Mỹ đã xâm phạm chủ quyền hải phận của nước Nga.

Ngay cả khi hiểu được sự thật của vụ va chạm, phía Mỹ cũng không dám thừa nhận rằng vào thời điểm đó họ đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát. Phía Mỹ đành phải chịu sự tổn thất nặng nề và ra lệnh rút tất cả các tàu ngầm đang làm nhiệm vụ này trở về cảng.

Với sự gia tăng sự đối đầu gần đây của xu hướng cuộc “chiến tranh lạnh” mới giữa Mỹ và Nga thì e rằng những sự cố “va chạm nguy hiểm” tương tự sẽ không ngừng xảy ra trong tương lai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại