Ngày 14/4/1865, Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln bị bắn vào đầu bằng một khẩu súng dí sát phía sau gáy trong lúc ông cùng vợ đang xem kịch tại nhà hát Ford ở Washington, D.C.
Ông qua đời buổi sáng hôm sau. Hung thủ là John Wilkes Booth, một nam diễn viên sân khấu kịch. Nhân kỷ niệm 151 năm ngày ông bị ám sát, hãy cùng điểm lại các tình tiết bên lề có thể bạn chưa biết về vụ ám sát chấn động nước Mỹ này.
1. Booth từng định bắt cóc Tổng thống
Sau cuộc gặp gỡ với các gián điệp Liên minh miền Nam hồi mùa hè năm 1864, Booth chủ mưu một kế hoạch bắt cóc Tổng thống Lincoln, đưa ông tới trụ sở của Liên minh ở Richmond thuộc bang Virginia rồi sử dụng ông để thương lượng với chính quyền nhằm trao đổi lấy các tù nhân nổi loạn.
Ngày 17/3/1985, Booth cùng đồng bọn ẩn nấp dọc theo một con đường ngoại ô ở Washington hòng phục kích đoàn xe chở Tổng thống đi dự sự kiện ở bệnh viện Campbell.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo này đã thay đổi chương trình hoạt động. Tên Booth cũng nhanh chóng lên kế hoạch mới. Sau khi Đại tướng của Liên minh miền Nam, Robert Lee đầu hàng tại Appomattox, Booth quyết định sát hại chứ không chỉ bắt cóc Tổng thống Mỹ nữa.
Gã John Wilkes Booth.
2. Tổng Tư lệnh Quân đội đáng lẽ đã ngồi cạnh Tổng thống
Chỉ vài ngày sau khi Đại tướng Robert Lee của Liên minh miền Nam chịu thua trận, Tổng Tư lệnh Quân đội Mỹ Ulysses S. Grant đã nhận lời mời của Tổng thống Lincoln tới xem vở kịch “Cậu em họ người Mỹ của chúng tôi” tại nhà hát Ford vào buổi tối định mệnh ấy.
Tuy nhiên, vợ của ông Grant lại có điều xích mích với Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln nên không muốn tham dự buổi kịch. Họ cáo lỗi với Tổng thống và lấy lý do muốn tới New Jersey để thăm con cái.
Ông Lincoln khá bất ngờ trước lời từ chối này và vội vàng tìm nhân vật khác để thế chỗ. Bộ trưởng Chiến tranh Edwin Stanton, Chủ tịch Quốc hội Schuyler Colfax và thậm chí cả cậu con trai Robert Todd Lincoln cũng không thể tới dự.
Cuối cùng cặp vé này đã được gửi tới Clara Harris, con gái của thượng nghị sĩ bang New York Ira Harris, và vị hôn phu là Thống đốc Henry Rathbone.
3. Âm mưu sát hại bộ máy đầu não của chính phủ
John Wilkes Booth và đồng bọn đã lập mưu sát hại không chỉ riêng Tổng thống Lincoln mà còn cả Tổng tư lệnh Grant, Ngoại trưởng William Seward và Phó Tổng thống Andrew Johnson. Chuyến đi New Jersey bất ngờ đã cứu ông Grant thoát khỏi tầm ngắm của những tên sát thủ.
Tên George Atzerod thì thất bại khi ám sát Phó Tổng thống Johnson tại nhà riêng là tòa khách sạn Kirkwood House.
Cùng thời điểm đó, Booth nổ súng bắn vào gáy Tổng thống còn tên Lewis Powell đột nhập nhà riêng của Ngoại trưởng Seward, đâm liên tiếp vào người ông, vốn đang nằm liệt giường sau một tai nạn xe nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Seward vẫn may mắn sống sót sau vụ tấn công dã man đó.
4. Số phận của những vị khách mời cũng kết thúc đen tối
Sau khi bắn người đứng đầu nước Mỹ, hung thủ Booth vung dao chém vào tay Thống đốc Rathbone một vệt kéo dài từ khuỷu tới vai. Vết chém không gây nguy hiểm cho tính mạng của Rathbone, nhưng ký ức về đêm kinh hoàng đã đó đã đeo bám dai dẳng trong tâm trí ông.
Tinh thần của Rathbone ngày càng trở nên bất thường. Hai ngày trước Giáng sinh năm 1883, ông nổ súng bắn và đâm chém liên tiếp vào người vợ rồi sau đó đâm vào người mình để tự sát.
Một lần nữa, Rathbone vẫn sống sót nhưng phải dành phần đời còn lại ở nhà thương điên. Nhân vật thứ tư có mặt trên khán đài của Tổng thống hôm đó là Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln, đã xin vào sống trong nhà từ thiện vào năm 1875.
Vợ chồng Thống đốc ngồi cùng khán đài với vợ chồng Tổng thống Lincoln.
5. Bà Mary Todd nghi Phó Tổng thống có dính líu
Vài giờ trước khi nổ súng, tên Booth đã tới nhà riêng của Phó Tổng thống Johnson tại Kirkwood House rồi sau đó để lại một mẩu giấy viết tay rằng “Không hề muốn làm phiền ông. Ông có ở nhà không?” và ký tên mình trên đó.
Bà Mary Todd trong bức thư gửi cho một người bạn đã kể lại chi tiết này và tin rằng ông Johnson đã biết trước về cái chết của chồng bà.
Bà viết: “Tại sao mẩu giấy của tên Booth lại được tìm thấy ở nhà Johson? Chắc chắn có một mối liên quan nào đó”. Và sự việc ông này bị ám sát hụt càng làm dấy thêm mối nghi ngờ trên.
6. Tổng thống từng chạm trán kẻ sát nhân trước đó
Hai năm trước vụ ám sát, Tổng thống Lincoln từng đến nhà hát Ford xem vở kịch “Trái tim cẩm thạch” do John Wilkes Booth đảm nhận.
Mary Clay, một trong số khách mời hôm đó kể lại rằng “đã hai lần Booth thốt ra lời đe dọa bất mãn rồi tiến tới rất gần và chỉ tay vào mặt ông Lincoln”.
Khi hắn lặp lại lần thứ ba, bà Clay đã nói với Tổng thống: “Ngài Lincoln, anh ta trông như thể ám chỉ điều đó với ngài”, và ông đáp lại: “Đúng vậy, anh ta nhìn tôi sắc lẹm, phải không?”.
7. Chiếc giường nơi Tổng thống qua đời nhanh chóng biến thành điểm tham quan
Vài giờ sau khi nhà lãnh đạo thứ 16 của nước Mỹ trút hơi thở cuối cùng tại phòng ngủ của nhà khách William Petersen gần nhà hát Ford, những kẻ săn đồ lưu niệm đã đổ xô tới đây và lục soát lấy đi nhiều đồ vật liên quan tới ngài Tổng thống.
Gã chủ nhà khách Petersen thấy thế cũng muốn kiếm lời cho bản thân nên đã biến chiếc giường thấm đẫm máu ông Lincoln trở thành điểm tiếp đón hàng trăm người tham quan mỗi ngày.
Bức vẽ mô tả lại phòng trọ nơi ông Lincoln qua đời.
8. Robert Todd Lincoln có mặt rất gần trong hai vụ ám sát tổng thống khác
16 năm sau ngày cha mình qua đời, người con trai của ông Lincoln là Robert Todd Lincoln giữ chức vụ Bộ trưởng Chiến tranh trong chính quyền của Tổng thống James A. Garfield.
Ông đã tận mắt trong thấy cảnh tên Charles Guiteau bắn hai phát đạn làm trọng thương Tổng thống tại một nhà ga tàu ở Washington, D.C.
Tới tháng 9/1901, Robert Todd Lincoln được Tổng thống khi đó là ông William McKinley mời tới tham dự triển lãm Mỹ - Panama tại Buffalo.
Tới nơi thì ông nhận được tin Tổng thống McKinley vừa bị ám sát. Ông đã tới thăm ngài Tổng thống vài lần trước khi ông ta qua đời vì vết thương quá nặng.