Hiện tại, Miền Nam đang bước vào mùa mưa nên sẽ là giai đoạn thuận lợi cho muỗi Aedes (muỗi truyền vi rút Zika) sinh sản và phát triển nhanh chóng. Thế nên Miền Nam đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh này.
Các tỉnh phía Nam phải tích cực phòng chống muỗi
Theo TS. Trương Đình Bắc, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì bệnh Zika có nhiều cách lây lan như qua đường máu, đường tình dục, mẹ truyền sang con... Trong số đó, muỗi là nguyên nhân chính khiến căn bệnh này lây lan nhanh chóng.
Thời tiết phía Nam vừa nắng nóng lại đang bước vào mùa mưa nên là "thời gian vàng" cho muỗi sinh sôi nảy nở. Thế nên người dân phải chú ý làm vệ sinh nơi ở, nhất là chất thải sinh hoạt, nước tồn đọng.
Ở các khu dân cư, nơi mua bán,… các khu công nghiệp chưa đảm bảo định cư cho công nhân nên họ phải ở tập trung, chưa đủ an toàn vệ sinh; những nơi có thể đưa vào danh sách ổ dịch, người dân cần được quan tâm, nhắc nhở, hướng dẫn về các phương thức vệ sinh hợp lý.
TS. Bắc cho rằng bên cạnh dịch Zika thì các tỉnh phía Nam cũng phải đề phòng sốt xuất huyết, vì đây là giai đoạn thời tiết chuyển mùa rất dễ xảy ra cả hai loại dịch bệnh này.
"Cách phòng chống bệnh tốt nhất là thực hiện chiến dịch diệt muỗi và loăng quăng nhất là các tỉnh tại phía Nam, vì thời tiết tại đây đang thay đổi theo hướng thích hợp cho muỗi sinh sản, phát triển. Nếu không có những phương pháp phòng chống hợp lý, dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát tại đây", ông Bắc chia sẻ.
Ông Bắc khuyến cáo, nếu một người có các triệu chứng như sốt, đau cơ, đau mắt, mệt mỏi… thì phải đến ngay trung tâm y tế gần nhất khám bệnh, phải làm các xét nghiệm để có thể phát hiện, cách ly và chữa trị kịp thời nếu như mắc bệnh Zika. Tránh lây lan sang người thân, hoặc những người xung quanh.
Đến thời điểm hiện tại, Viện VSDT/Pasteur đã lấy hơn 2.000 mẫu xét nghiệm vi rút Zika. Trong đó 2 mẫu được phát hiện dương tính, đều là nữ giới ở Nha Trang, và TP.HCM. Tuy nhiên, Viện có thể tiếp tục ghi nhận trườnghợp mắc bệnh do vi rút Zika gây ra.
Thời gian tới, Cục y tế cũng sẽ đẩy mạnh việc giám sát, lấy mẫu xét nghiệm vi rút Zika tại các địa phương, để sớm phát hiện và xử lý ổ dịch.
Phụ nữ mang thai hoặc có ý định mang thai không nên đi du lịch trong mùa hè này
Ai cũng có thể nhiễm bệnh Zika, tuy nhiên phụ nữ mang thai có nguy cơ nhiễm bệnh cao hơn. Khi thai nhi bị lây bệnh sẽ để lại hậu quả nặng nề thể hiện ở đầu nhỏ, có thể bị bại liệt cơ, dẫn đến các hệ lụy bé kém phát triển, có vấn đề về ngôn ngữ, nhận biết,…
Về bệnh Zika, phụ nữ mang thai siêu âm sớm cũng không phải giải pháp tốt để phát hiện bào thai có bị nhiễm bệnh này hay không. Tuy nhiên ở giai đoạn cuối của thai kỳ, khi phân tích nước ối có thể phát hiện được vi rút Zika, và thai nhi có thể bị đầu nhỏ hay không. Nhưng đợi đến lúc đó thì đã muộn để can thiệp cho thai nhi.
Về tình hình dịch Zika trên thế giới, ông Emmanuel Eraly (Đại diện Văn phòng WHO tại Hà Nội) cho biết, nhiều người bị muỗi cắn thì hầu hết không ai biết mình có bị truyền vi rút Zika hay không, vì bệnh này biểu hiện rất nhẹ, chỉ hơi nhức đầu và ngứa đôi chút.
Ông Emmanuel Eraly (Đại diện Văn phòng WHO tại Hà Nội) cho biết, phụ nữ mang thai cần tìm hiểu kỹ về bênh Zika để con mình được đảm bảo sức khỏe.
Vì vậy, trong 10 người thì có đến 8 người không biết mình bị nhiễm bệnh. Điều này vô tình có thể tạo điều kiện cho vi rút Zika lây lan nhanh chóng, mà khi phát hiện muộn thì vùng đó sẽ bùng phát dịch.
Nguy hiểm của bệnh Zika là thường bị nhầm lẫn với bệnh sốt xuất huyết. Và khi một người mắc bệnh, họ đi xét nghiệm thấy bệnh sốt xuất huyết thì người bệnh không xét nghiệm nữa. Nhưng có khả năng họ sẽ nhiễm Zika mà không biết.
Ông Emmanuel Eraly lo ngại những chuyến du lịch trong thời gian này sẽ khiến dịch bệnh lây lan xuyên quốc gia. Điển hình là những nước có khí hậu nhiệt đới, từ đó rất khó kiểm soát vi rút Zika. Mà trong đó, phụ nữ mang thai là đáng lo ngại nhất, vì đứa con được sinh ra sẽ hứng chịu những di chứng nặng nề nếu nhiễm bệnh từ mẹ.
Ông khuyến cáo: "Mùa hè này nhiều người có kế hoạch đi du lịch qua các nước lân cận hoặc xa hơn. Nhưng hiện nay có hơn 70 quốc gia có sự xuất hiện của vi rút Zika, nên nếu ai có ý định mang thai hoặc đang có thai, thì ở thời điểm này nếu như không thực sự cần thiết thì nên ở nhà, và hạn chế đi đến vùng Nam Mỹ, nơi bị Zika rất nặng".
Hiện tại, tổ chức y tế thế giới cũng đã tổ chức nghiên cứu về bệnh này nhưng vẫn chưa tìm ra vắc xin, nên chúng ta phải tự phòng ngừa. Bên cạnh đó, có hơn 70 dự án nghiên cứu các đề tài liên quan để tìm ra nguyên nhân và ảnh hưởng đến sơ sinh.
Ông thẳng thắn chia sẻ: "Chúng tôi biết được vi rút Zika gây nên khiếm khuyết sơ sinh. Nhưng chúng tôi không biết sự phát triển bệnh nó như thế nào, chúng tôi không biết trong giai đoạn nào của thai kỳ sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Và ít nhất vài tháng tới cũng chưa tìm ra vắc xin phòng ngừa.
Điều quan trọng, mặc dù chúng ta chưa biết rất nhiều thứnhưng chúng ta có nhiều biện pháp đơn giản để phòng chống vi rút Zika".
Cũng theo ông từ khi Việt Nam phát hiện bệnh dịch thì Bộ y tế đã làm việc rất tốt trong việc phát hiện, khống chế bệnh dịch này. Tuynhiên, ở các nước lân cận như Thái Lan, Campuchia,… đã có trường hợp nhiễm bệnh, nhất là ở phụ nữ.
ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA BỆNH ZIKA
Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính chủ yếu do muỗi Aedes truyền. Có thể lây truyền qua đường tình dục, đường máu và từ mẹ sang con.
Biểu hiện của bệnh: sốt, phát ban trên da, viêm kết mạc, đau khớp, đau cơ, mệt mỏi và đau đầu,...
WHO đã khẳng định dịch bệnh do vi rút Zika là sự kiện y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại quốc tế.
USCDC đã khẳng định vi rút Zika gây ra chứng đầu nhỏ cũng như một số biến chứng nghiêm trọng khác về não.
Theo WHO, từ 01/2007 đến tháng 05/2016, đã ghi nhận 70 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành hoặc có sự lây truyền vì rút Zika. Trong đó có 57 quốc gia và vùng lãnh thổ tiếp tục óc sự lây truyền của Vi rút Zika do muỗi. Vi rút Zika vẫn tiếp tục lan truyền trong thời gian tới.