Nắng nóng cao điểm không chỉ gây cháy rừng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân tại những nơi đông dân cư. Những khu vực vốn quanh năm lạnh lẽo cũng chứng kiến tác động tiêu cực và rõ rệt của nắng nóng khắc nghiệt.
Những ngọn núi ở dãy Alps không còn được phủ một màu trắng tinh của lớp băng dày như trước đây. Nay lớp đất đá màu đen ở bên dưới bắt đầu hiện lên sau khi những con sông băng tan chảy với tốc độ đáng kinh ngạc, như sông băng Morteratsch dài 15 km ở Thuỵ Sĩ. Năm nay, các chuyên gia đã phải tới đây thực hiện công việc kiểm tra khẩn cấp do sông băng Morteratsch đã bị mất đi một lượng băng rất dày.
Anh Andreas Linsbauer, chuyên gia nghiên cứu về băng, nói: "Việc cắm những cây cọc như thế này giúp chúng tôi đo lượng băng mất đi. Năm nay, độ dày mất đi của băng là khoảng hai mét, trong khi mọi năm là một mét".
Các sông băng đã hứng chịu tác động tiêu cực và rõ rệt của nắng nóng khắc nghiệt. (Ảnh: AP)
Hầu hết các sông băng trên núi trên thế giới, tàn tích của kỷ băng hà cuối cùng, đang tan chảy do biến đổi khí hậu. Những con sông ở dãy Alps ở châu Âu đặc biệt dễ tan chảy hơn vì chúng hẹp hơn với lớp băng phủ tương đối mỏng. Trong khi đó, nhiệt độ ở dãy Alps đang ấm lên vào khoảng 0,3°C mỗi thập kỷ, nhanh gấp 2 lần so với mức trung bình toàn cầu.
Chị Lisa Neyt, khách du lịch Bỉ, cho biết: "Tôi đã đến đây 15 năm trước đây và bây giờ tuyết không còn nữa, các con sông băng trên núi cũng không còn. Thời tiết nóng hơn. Bình thường chúng tôi có mũ và găng tay để giữ ấm, bây giờ chúng tôi không cần chúng nữa".
Theo các chuyên gia, nếu lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, các sông băng trên dãy Alps dự kiến sẽ mất hơn 80% khối lượng hiện tại của chúng vào năm 2100.