Ngày 20/11 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các Tổ chức tín dụng và có hiệu lực kể từ 15/1/2018. Trong các điểm sửa đổi và bổ sung, đáng chú ý có Điều 34 quy định về chức danh của lãnh đạo ở ngân hàng.
Theo đó, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp tổ chức đó là công ty con của TCTD.
Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của TCTD không được đồng thời là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của TCTD không được đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.
Qua thống kê cho thấy, có rất nhiều các lãnh đạo ngân hàng đang đồng thời là chủ ở doanh nghiệp khác. Và trong số ấy có những cái tên gắn với doanh nghiệp nhiều hơn ở ngân hàng bởi họ đã gây dựng sự nghiệp và tên tuổi gắn với doanh nghiệp suốt hàng chục năm qua.
Chẳng hạn như ông Minh Him Lam, ông Thắng Đồng Tâm, ông Tiền Geleximco, bà Nga BRG, ông Hiển “T&T”, ông Phú Doji, bà Thái Hương T.H, bà Thảo Vietjet…Tới đây họ buộc phải lựa chọn: đứng ở doanh nghiệp hoặc ngân hàng.
Một số người cho rằng, các ông chủ chắc sẽ nghiêng về lựa chọn ngân hàng nhiều hơn. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng chưa chắc đã vậy bởi hoạt động ngân hàng thực sự khó khăn và rất rủi ro, nếu buộc phải lựa chọn, không ít người sẽ rút lui.
Việc họ đi hay ở tất nhiên chỉ người trong cuộc mới rõ và thời gian ngắn nữa thôi sẽ có câu trả lời chính xác.
Vấn đề ngay lúc này mà nhiều người quan tâm có lẽ là việc từ bỏ thương hiệu của các sếp ngân hàng sẽ tác động thế nào tới tình hình kinh doanh của ngân hàng, doanh nghiệp; rồi có cách nào đó để nếu họ chọn ngân hàng thì thương hiệu vẫn giữ được hay không; vì sao cơ quan quản lý lại đưa ra quyết định này và có chăng sẽ có những tác động ngược không như mong muốn?
Xoay quanh những câu hỏi này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS.LS Bùi Quang Tín, một chuyên gia tài chính ngân hàng và luật.
PV: Thưa ông, dưới góc nhìn của luật sư, ông có thể phân tích kỹ hơn về bản chất của nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 34 của Luật TCTD?
TS.LS Bùi Quang Tín: Bản chất của quy định này cần nhìn ở hai điểm. Thứ nhất là như quy định đã nêu rõ, đó là chủ tịch, TGĐ của các TCTD không đảm nhiệm các chức danh từ phó TGĐ hoặc giám đốc DN khác trở lên, hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp.
Thứ hai, bản chất của quy định này là nhắm tới vấn đề hạn chế tình trạng một lãnh đạo ngân hàng lại đi chỉ đạo hoạt động, đưa ra các quyết định với doanh nghiệp khác.
Nếu anh là chủ của DN này thì có thể đồng thời là chủ của DN khác, nhưng lĩnh vực tài chính ngân hàng lại rất nhạy cảm vì đó là dịch vụ kinh doanh tiền, sự đảm nhiệm đồng thời các chức danh tương đương làm cho tình hình sở hữu chéo, sở hữu vòng trong lĩnh vực ngân hàng rất khó kiểm soát.
Nhưng trong Luật TCTD và cả Thông tư 36 cũng đã có các quy định liên quan đến vấn đề cho vay đối với doanh nghiệp sân sau hoặc liên quan đến người trong Ban điều hành, HĐQT ngân hàng, vậy thì quy định lần này có trùng lặp?
Quy định này không hề có sự chồng chéo với quy định cũ, vì ngân hàng hiện nay hoạt động không chỉ là cho vay mà còn các dịch vụ khác.
Trọng tâm của quy định mới là NHNN muốn hạn chế sở hữu chéo, hạn chế tình trạng sân trước sân sau làm lũng đoạn ngân hàng và ảnh hưởng đến thị trường tài chính.
Chẳng thế mà như trường hợp gần đây nhất, ở Sacombank người ta lại phải yêu cầu người tham gia tái cơ cấu không có sở hữu chéo, rồi phải có tiền tươi thóc thật để đảm bảo làm thật về ngân hàng.
Các sếp ngân hàng đang có những thương hiệu mà họ đã bỏ công gây dựng suốt mấy chục năm qua, chẳng hạn ông Minh Sacombank vẫn quen được gọi là “Minh Him Lam” hay như ông Phú của TPBank là “Phú Doji”, theo ông liệu có dễ dàng để các vị ấy từ bỏ?
Các vị lãnh đạo ngân hàng sẽ đưa ra những quyết định cẩn trọng về vị trí mà họ mong muốn. Chẳng hạn thông tin nội bộ cho biết ông Dương Công Minh nói sẽ từ bỏ làm chủ doanh nghiệp Him Lam. Nhưng theo tôi họ sẽ không từ bỏ thương hiệu của mình mà đồng thời vẫn theo đuổi giấc mơ tài chính ngân hàng.
Bằng cách nào thưa ông?
Họ sẽ theo ngân hàng hoặc doanh nghiệp mà không cần phải đứng tên, không cần phải ra mặt chính thức. Tôi lấy ngay ví dụ, thời ACB có ông Trần Xuân Giá làm chủ tịch HĐQT nhưng ông Trần Mộng Hùng vẫn đứng sau và đứng vị trí chủ tịch Hội đồng sáng lập.
Những ông chủ thực sự, những người có tiền, họ có thể không tham gia trực tiếp điều hành, quản trị ngân hàng. Trên thế giới, như Microsoft thì ông Bill Gates giờ đây cũng không đứng tên chủ tịch, nhưng cái thương hiệu Bill Gates - Microsof thì chẳng ai có thể chối bỏ.
Song tôi cho rằng đây cũng là vấn đề, là mặt trái của quy định hệ thống ngân hàng cần phải lưu ý.
Xin ông nói rõ hơn?
Có 2 vấn đề mà ngân hàng sẽ phải đối mặt từ nay về sau, đòi hỏi cơ quan quản lý phải làm việc vất vả hơn.
Thứ nhất, tình trạng sở hữu chéo sẽ khó kiểm soát hơn. Nếu thanh tra giám sát của NHNN không kỹ lưỡng, nếu bộ máy quản lý không chặt chẽ thì sẽ khó phát hiện sở hữu chéo vì có thể phát sinh trường hợp đứng tên hộ.
Thứ hai, là phải tìm ra ông chủ thực sự của ngân hàng và doanh nghiệp. Bởi hiện có nhiều người đứng quyền điều hành doanh nghiệp khác nhưng chỉ có được một số quyền nhất định, còn quyền điều hành thực chất lại thuộc về ông chủ thực sự của doanh nghiệp.
Nhưng tôi khẳng định sự sửa đổi mang đến những cái lợi rất lớn cho hệ thống ngân hàng đó là hạn chế rủi ro và kiểm soát tình trạng phá rối ngân hàng của nhóm cổ đông nào đó. Còn những mặt trái có thể khắc phục bằng việc kiểm soát chặt chẽ hơn.
Tôi đánh giá cao những quy định mới của Luật như là NHNN có thể can thiệp sớm vào các TCTD bị kiểm soát đặc biệt, hoặc cho phá sản ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khi không thể cứu chữa được nữa.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn, tiêu chí để NHNN chấp thuận cho một chức danh Tổng giám đốc hoặc danh sách ứng cử vào HĐQT là rất chặt. Những điều này cho thấy NHNN đang có chủ trương nhắm đến sự ổn định của hệ thống và gia tăng vai trò của kiểm soát, hơn là các quyết định mang tính hình thức trước đây.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!