Tăng giá sản phẩm là điều không thể tránh khỏi
Giá một chai Pepsi lạnh có thể tăng lên ở thị trường Đông Nam Á và một số thị trường khác khi áp lực từ lạm phát làm tăng chi phí nguyên liệu, đóng gói và logistics, theo một quan chức cấp cao của PepsiCo.
Ông Parinya Kitjatanapan, Tổng giám đốc bộ phận đồ uống của PepsiCo, phụ trách thị trường Đông Nam Á, Nhật Bản và Hàn Quốc, nói với Nikkei Asia rằng đại dịch COVID-19 và xung đột tại Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và ông cũng không loại trừ việc PepsiCo có thể tăng giá sản phẩm.
"Tôi nghĩ rằng với việc giá hàng hóa tăng lên, chúng tôi sẽ phải thực hiện lại bước định giá. Không có nghi ngờ gì về điều đó. Chúng tôi sẽ cố gắng giảm thiểu tác động đối với người tiêu dùng, nhưng tôi không nói rằng chúng tôi sẽ không thực hiện việc tăng giá. Chúng tôi sẽ theo dõi thêm những diễn biến mới”, ông Parinya Kitjatanapan chia sẻ.
Các sản phẩm thuộc thương hiệu PepsiCo.
Một đợt tăng giá khác của công ty bao gồm cả những thương hiệu như Mountain Dew, Lipton và Gatorade. Đây là đợt tăng giá mới nhất của các nhà sản xuất thực phẩm trong và ngoài khu vực, nhấn mạnh áp lực mà họ đang phải đối mặt khi chi phí tăng cao.
Các công ty, từ nhà sản xuất mì Nissin Foods và nhà sản xuất mayonnaise Kewpie ở Nhật Bản cho đến gã khổng lồ hàng tiêu dùng Hindustan Unilever và nhà sản xuất bánh quy Britannia ở Ấn Độ đều đang gặp khó khăn và thực hiện tăng giá trong những tháng qua.
Việc này diễn ra sau cuộc xung đột Nga-Ukraine, làm hư hại các kho nông sản quan trọng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Chỉ số giá lương thực của Liên hợp quốc đã tăng 115% từ tháng 3 năm 2020. khi bắt đầu đại dịch đến tháng 11 năm nay.
Các nhà phân tích cho biết việc tăng giá là điều có thể xảy ra trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống. Andrew Delios, giáo sư tại trường kinh doanh của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Trong một ngành vốn nổi tiếng là eo hẹp về lợi nhuận, khả năng tăng giá của PepsiCo là điều không thể tránh khỏi”.
Dù vậy, ông nói thêm rằng những đợt tăng giá nhỏ khó có thể khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu cho các sản phẩm đồ uống. "Đồ uống và đồ ăn nhẹ không phải là khoản chi tiêu tùy ý. Mọi người sẽ không thay đổi chi tiêu cho những sản phẩm này khi có những thay đổi nhỏ về giá, nhưng họ sẽ làm như vậy khi có những thay đổi về khẩu vị và sở thích”
Châu Á - động lực tăng trưởng của PepsiCo
PepsiCo, công ty nổi tiếng với cuộc cạnh tranh cùng Coca-Cola cũng như một loạt công ty đồ uống khác, đã đạt doanh thu gần 22 tỷ USD từ tháng 6 đến tháng 8, vượt qua mức kỳ vọng của giới phân tích, chủ yếu là nhờ việc tăng giá sản phẩm.
Doanh số bán nước giải khát của hãng đã tăng 9% ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong khi chỉ tăng 1% ở thị trường trọng điểm Bắc Mỹ và thậm chí còn thu hẹp ở thị trường châu Âu.
PepsiCo coi châu Á là một động lực tăng trưởng cho doanh nghiệp do khu vực này có đặc điểm khí hậu mùa hè nóng kéo dài và thực tế là các thị trường mới nổi đang mở rộng với tốc độ nhanh hơn Bắc Mỹ và châu Âu.
PepsiCo đã thành lập một cơ sở sản xuất cô đặc tại Singapore vào năm 2017, giúp vận chuyển sản phẩm nhanh hơn đến Nhật Bản, Thái Lan và Việt Nam.
Các sản phẩm không đường ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.
Bên cạnh đó, PepsiCo cũng đang tung ra nhiều thương hiệu toàn cầu hơn ở châu Á. Ví dụ, họ đã bắt đầu bán Rockstar, một thương hiệu nước tăng lực mà họ đã mua vào năm 2020 trị giá 3,85 tỷ USD, tại Việt Nam và Thái Lan.
Công ty dữ liệu Statista ước tính quy mô thị trường nước giải khát có ga của châu Á sẽ đạt 257 tỷ USD vào năm 2027, tăng từ mức 186 tỷ USD vào năm 2022, chủ yếu nhờ các nhãn hiệu không có ga, cùng với các loại nước tăng lực và đồ uống thể thao.
Theo công ty tư vấn Mersol và Luo, doanh số bán đồ uống thể thao và nước tăng lực đã tăng ở các thị trường giàu có tại châu Á như Singapore và Hong Kong. Những sản phẩm này cũng bắt đầu thâm nhập vào các thị trường mới nổi như Malaysia, nhưng mức độ trung thành với thương hiệu vẫn còn thấp. Hầu hết người tiêu dùng thường sẵn sàng thử các thương hiệu hoặc hương vị chưa biết.
Người tiêu dùng châu Á cũng sẵn sàng chi tiền nhiều hơn cho đồ uống hỗ trợ lối sống lành mạnh. Mặc dù PepsiCo và Coca-Cola rõ ràng là những người dẫn đầu thị trường, nhưng các thương hiệu địa phương cũng đang dần đạt được đà phát triển.
Ông Kitjatanapan cho biết sự cạnh tranh chỉ có thể giúp PepsiCo trở nên tốt hơn. "Mức độ cạnh tranh đang tăng lên. Điều đó giúp chúng tôi nhận thức được rằng chúng tôi cần phải đưa ra quyết định nhanh hơn”, ông Kitjatanapan cho biết.
Theo Nikkei Asia