Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Politico
Theo trang tin Inews (Anh), các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai nhiều biện pháp để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới, trong bối cảnh thiếu khí đốt đẩy giá cả tăng cao khiến chính phủ cũng như các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải chịu nhiều áp lực.
Inews trích dẫn dữ liệu của viện nghiên cứu kinh tế Bruegel có trụ sở tại Brussels cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, các chính phủ EU đã chi khoảng 280 tỷ Euro để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng.
Sau đây là một số biện pháp được một số quốc gia EU áp dụng để bảo vệ người dân trong bối cảnh giá năng lượng tăng cao.
1. Đức
Là quốc gia phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng nhập khẩu từ Nga (năm ngoái là 55% tổng lượng khí đốt nhập khẩu, nhưng tháng trước đã giảm xuống còn khoảng 25%), Berlin hiện đang gấp rút xem xét và chỉnh sửa chính sách năng lượng của mình.
Đầu tuần trước, Đức đã tuyên bố trì hoãn việc đóng cửa hai nhà máy điện hạt nhân vốn được lên kế hoạch từ trước.
Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz đã ban bố tình trạng khủng hoảng khí đốt, yêu cầu các nhà sản xuất công nghiệp cắt giảm sử dụng và khuyến khích việc tắt đèn giao thông vào ban đêm, cắt giảm sử dụng điều hòa không khí và ngừng thắp sáng các công trình lịch sử nổi tiếng để tiết kiệm điện.
Chính phủ Đức cũng đã đưa ra mức giá siêu rẻ cho các phương tiện giao thông công cộng nhằm khuyến khích người dân sử dụng phương tiện cá nhân ít hơn.
Khoảng 13 tỷ Euro sẽ được phân bổ hàng năm để trợ cấp cho việc cải tạo các tòa nhà cũ ở Đức. Ngoài ra, chính phủ Đức cũng đã chấp thuận gói trợ cấp 65 tỷ Euro để giảm bớt áp lực cho các hộ gia đình.
EU và các quốc gia thành viên đang nỗ lực đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng. Ảnh: Unsplash
2. Pháp
Nhờ có nguồn năng lượng hạt nhân, Pháp ít phụ thuộc vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga hơn so với Đức. Trước cuộc xung đột Nga-Ukraine, nước này nhập khoảng 17% khí đốt từ Nga.
Tuy nhiên, các nhà máy hạt nhân của Pháp - sản xuất hơn 2/3 tổng sản lượng điện của cả nước - hiện đang phải đối mặt với các vấn đề kỹ thuật chưa từng có tiền lệ, yêu cầu bảo trì.
Vào tháng 8 vừa qua, chính phủ Pháp đã công bố gói trợ cấp 65 tỷ Euro để giải quyết khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Giá khí đốt tại Pháp được giữ nguyên ở mức tháng 10/2021 cho đến cuối năm nay, sau đó mức tăng giá điện sẽ được giới hạn tối đa là 4%, và các hộ gia đình có thu nhập thấp và trung bình sẽ nhận được khoản trợ cấp trị giá 100 Euro để giúp chi trả hóa đơn năng lượng.
Chính phủ Pháp vẫn đang hoàn thiện kế hoạch tiết kiệm năng lượng và cho biết chế độ phân phối sẽ được quyết định dựa vào thời tiết.
Pháp cũng áp dụng một số biện pháp tiết kiệm năng lượng khác như tắt điện ở các bảng hiệu quảng cáo trên đường phố, hiện đã được áp dụng tại các thành phố nhỏ.
Chính phủ Pháp cho hay, từ nay cho đến năm 2024, họ sẽ giảm tiêu thụ năng lượng 10% so với năm 2019.
Tháp Eiffel tắt điện sớm hơn để tiết kiệm năng lượng.
3. Tây Ban Nha
Madrid từ lâu đã chuyển hướng sang nguồn cung từ Algeria, mặc dù động thái hỗ trợ gần đây của chính phủ Tây Ban Nha dành cho Morocco trong tranh chấp Tây Sahara đã khiến nguồn cung khí đốt từ Algeria sụt giảm.
Tây Ban Nha đã tự định vị mình là một cửa ngõ nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) mới của châu Âu, nhưng đã có sự chậm trễ trong việc xây dựng các hệ thống kết nối mới cần thiết để tăng cường xuất khẩu LNG từ Tây Ban Nha sang Pháp.
Tháng trước, các nghị sĩ Tây Ban Nha đã thông qua sắc lệnh hạn chế sử dụng điều hòa nhiệt độ để làm mát dưới 27°C trong mùa hè, và sử dụng hệ thống sưởi quá 19°C trong mùa đông sắp tới.
Chính phủ cũng yêu cầu các cửa hàng đóng kín cửa ra vào trong khi hệ thống sưởi đang hoạt động để ngăn thoát nhiệt, và tắt hết đèn ở mặt tiền cửa hàng từ 10 giờ tối.
Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez cho biết ông sẽ cắt giảm thuế VAT đối với khí đốt từ 21% xuống còn 5% kể từ tháng 10 tới.
Trước đó, kế hoạch giảm giá điện bán buôn của Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trị giá 8,4 tỷ Euro đã được EU thông qua vào tháng 6, theo đó khí đốt được sử dụng để sản xuất điện sẽ được áp mức giá trần, và điều này có thể giúp giảm đến 20% trong hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình.
Ảnh minh họa: Jeff Pachoud/AFP/Getty Images
4. Italy
Năm ngoái, Italy nhập khẩu 40% khí đốt từ Nga. Vào tháng 7 năm nay, chính phủ Italy đã công bố một kế hoạch tiết kiệm cho các trường hợp khẩn cấp, trong đó bao gồm việc hạn chế sử dụng điều hòa và hệ thống sưởi như Tây Ban Nha, cắt giảm sử dụng đèn đường vào ban đêm, và yêu cầu các cửa hàng đóng cửa sớm.
Italy dự kiến sẽ giảm 7% mức tiêu thụ khí đốt vào tháng 3/2023, đồng thời tăng cường sản xuất nhiệt điện than để bù cho lượng khí đốt nhập khẩu thiếu hụt.
Italy đã ký kết một thỏa thuận với Algeria vào tháng 4 năm nay để tăng lượng khí đốt nhập khẩu thêm 4 tỷ mét khối so với mức 21 tỷ mét khối mà hai bên đã đồng thuận trước đó.
Vào đầu tháng 8, chính phủ Italy đã phê duyệt gói viện trợ bổ sung trị giá 17 tỷ Euro (ngân sách được thông qua từ tháng 1/2022 là 35 tỷ Euro) để giúp các công ty và hộ gia đình đối phó với khủng hoảng năng lượng.
Cổng Brandenburg ở Đức vào ngày đầu tiên áp dụng luật tiết kiệm năng lượng toàn quốc. Ảnh: Carsten Koall/Getty Images
5. Hà Lan
Dù Hà Lan là nhà sản xuất khí đốt tự nhiên lớn nhất của EU và lớn thứ 2 ở Tây Âu sau Na Uy, nhưng trong năm 2021, nước này vẫn nhập khẩu từ Nga khoảng 15% nhu cầu khí đốt.
Việc khai thác tại mỏ Groningen đang phải tạm dừng do những lo ngại về các trận động đất tại địa phương, nhưng chính phủ Hà Lan cho biết họ sẽ tiếp tục nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu.
Hà Lan đã đã cắt giảm thuế năng lượng cho 8 triệu hộ gia đình, và đang hỗ trợ các hộ gia đình thu nhập thấp một khoản 1.300 Euro để chi trả hóa đơn năng lượng, cùng với đó là nâng mức lương tối thiểu và giảm thuế VAT đối với năng lượng xuống 9%.
Từ tháng 4, chính phủ Hà Lan cũng đã tiến hành một chiến dịch quy mô lớn nhằm kêu gọi các hộ gia đình và doanh nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt.
Các cửa hàng ở Tây Ban Nha phải đóng cửa sớm và tắt đèn để tiết kiệm điện. Ảnh: Angel Garcia/Bloomberg
6. Ba Lan
Ba Lan nhập khẩu khoảng 50% nhu cầu khí đốt từ Nga, nhưng Moskva đã "khóa van" sang nước này vào cuối tháng 4 sau khi chính phủ Ba Lan từ chối tuân thủ yêu cầu thanh toán bằng đồng rúp.
Tuy nhiên, Ba Lan chủ yếu dựa vào nhiệt điện than, và cũng đã trữ đầy các kho dự trữ khí đốt.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cam kết sẽ trợ cấp cho các chủ nhà để họ nâng cấp hệ thống cách nhiệt và thay hệ thống sưởi sạch hơn trong ngôi nhà của họ.
Ngoài ra, ông Morawiecki cũng tuyên bố cắt giảm thuế đối với các mặt hàng năng lượng, xăng dầu và thực phẩm cơ bản, cùng với đó là hỗ trợ tiền mặt cho các hộ gia đình.
Theo The Local, ngoài những biện pháp hỗ trợ kể trên, các quốc gia EU còn áp dụng nhiều biện pháp khác như đánh thuế vào lợi nhuận vượt quá của các công ty năng lượng, cải cách thị trường điện, đa dạng hóa các nguồn năng lượng, kí kết các thỏa thuận song phương để giúp đỡ lẫn nhau trong vấn đề năng lượng...
Bloomberg dẫn lời ông Ed Birkett, trưởng bộ phận năng lượng và khí hậu của Onward, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại London, cho hay: "Thực tế là châu Âu không có đủ khí đốt. Nếu nhu cầu không giảm, thì các doanh nghiệp - và kịch bản tệ hơn là các hộ gia đình - sẽ bị cắt điện."
Do đó, các chuyên gia và chính phủ đang kêu gọi người dân và doanh nghiệp tiết kiệm điện ngay từ lúc này để chuẩn bị cho mùa đông đang tới rất gần./.
Tổng hợp: Inews, Bloomberg, The Local