Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), trong những năm đầu chương trình du hành vũ trụ của nhân loại, các sứ mệnh trên tàu vũ trụ có người lái thường không kéo dài, do đó việc các phi hành gia đón Giáng sinh hay năm mới trên không gian thường ít xảy ra.
Cùng với sự phát triển của công nghệ, các sứ mệnh ngoài không gian ngày một kéo dài và sự ra đời của Trạm vũ trụ quốc tế ISS cũng tạo nên truyền thống đón năm mới ngoài vũ trụ của các phi hành gia.
Trong 22 năm qua, đón Giáng sinh và năm mới trên Trạm vũ trụ quốc tế đã trở thành sự kiện thường niên và không còn quá đặc biệt như những ngày đầu.
Bức ảnh đón Giáng sinh và năm mới 2012 - 2013 của các thành viên phi hành đoàn sứ mệnh Expedition 34 gồm: Thomas H. Marshburn, Kevin A. Ford và Roman Y.Romanenko, Oleg V. Novitski và Yevgeni I. Tarelkin của Roscosmos, cùng phi hành gia Canada Chris A. Hadfield. (Ảnh: NASA)
Đón năm mới đầu tiên trong không gian
Theo NASA, các phi hành gia Mỹ đầu tiên đón năm mới ở không gian là trong sứ mệnh kéo dài 84 ngày trên trạm vũ trụ Skylab (1973 – 1974) của 3 phi hành gia gồm Gerald P. Carr, William R. Pogue và Edward G. Gibson.
Các phi hành gia Mỹ trải qua ba “kỳ nghỉ” trên trạm Skylab, gồm lễ tạn ơn 1973, Giáng sinh 1973 và năm mới 1974. Thậm chí họ còn sử dụng những hộp thức ăn thừa và trang trí nó thành một cây thông Noel. Bữa tối Giáng sinh của các phi hành gia Mỹ trên Skylab có bánh trái cây và mở những gói quà mang theo từ Trái Đất.
Các phi hành gia Mỹ với cây thông Noel trong năm mới đầu tiên ngoài không gian thuộc sứ mệnh Skylab 4 (1973 - 1974). (Ảnh: NASA)
Cùng thời điểm đó, các nhà du hành vũ trụ Liên Xô Pyotr I. Klimuk và Valentin V. Lebedev cũng thực hiện sứ mệnh trên tàu vũ trụ Soyuz 13 từ ngày 18/12 đến 26/12/1973. Đây cũng là lần đầu tiên các phi hành gia Mỹ và Liên Xô thực hiện sứ mệnh trong không gian cùng một lúc. Tuy nhiên Soyuz 13 và Skylab hoạt động trên các quỹ đạo khác nhau.
Các nhà du hành vũ trụ Liên Xô đầu tiên đón năm mới trong không gian là Yuri V. Romanenko và Georgi M. Grechko, trong sứ mệnh 96 ngày vào năm 1977 và 1978 trên trạm vũ trụ Salyut-6. Dù dùng chung lịch Gregorius nhưng Liên Xô vẫn đón năm mới vào ngày 7/1 hàng năm theo Lễ Giáng sinh của Chính thống giáo Nga.
Các phi hành gia Mỹ và Nga đón Giáng sinh và năm mới đầu tiên trên trạm vũ trụ quốc tế ISS là vào năm 2000 – 2001, gồm William M. Shepherd, Yuri P. Gidzenko và Sergei K. Krikalev.
Năm mới đầu tiên trên trạm vũ trụ quốc tế
Các phi hành gia Mỹ và Nga đón Giáng sinh và năm mới đầu tiên trên trạm vũ trụ quốc tế ISS là vào năm 2000 – 2001, gồm William M. Shepherd của NASA và Yuri P. Gidzenko và Sergei K. Krikalev của Roscosmos. Kể từ đó đến nay, truyền thống tổ chức Giáng sinh và năm mới trên ISS vẫn được các phi hành gia vẫn được duy trì hàng năm bất chấp những thay đổi trong chương trình hợp vũ trụ giữa Mỹ, Nga và châu Âu.
Khi được hỏi về trải nghiệm đón năm mới trên ISS, phi hành gia người Mỹ Thomas H. Marshburn - chỉ huy sứ mệnh Expedition 66 nói: "Thật là một đặc ân khi cùng một lúc nhìn thấy nhiều quốc gia như vậy".
"Chúng ta có thể đi từ bên này của Trái Đất sang một phía khác chỉ trong vài phút và điều đó thực sự mang lại một tinh thần đoàn kết nhân loại trên toàn cầu" , phi hành gia Raja J. Chari của NASA nói thêm.
Hiện nay đang thực hiện sứ mệnh trên ISS là các phi hành gia thuộc sứ mệnh Expedition 68 của NASA gồm Nicole A. Mann, Josh A. Cassada và Francisco C. “Frank” Rubio và phi hành gia Nhật Bản Koichi Wakata. Nhóm phi hành gia Nga gồm: Sergey Prokopyev, Anna Kikina và Dimitri Petelin.
Các phi hành gia thuộc sứ mệnh Expedition 68 của NASA gồm Nicole A. Mann, Josh A. Cassada và Francisco C. “Frank” Rubio và phi hành gia Nhật Bản Koichi Wakata. (Ảnh: NASA)
Nhóm phi hành gia Nga sẽ đón năm mới 2023 trên trạm ISS gồm: Sergey Prokopyev, Anna Kikina và Dimitri Petelin. (Ảnh: TASS)
Ngoài Nga và Mỹ, Trung Quốc hiện cũng khá thành công trong chương trình du hành không gian của nước này với việc đưa vào hoạt động trạm vũ trụ Thiên Cung (2021). Các phi hành gia Trung Quốc đầu tiên đón năm mới 2022 và cả Tết Canh Dần trên Thiên Cung là Zhai Zhigang, Wang Yaping và Ye Guangfu trong sứ mệnh Thần Châu 13 - bắt đầu từ ngày 15/10/2021.
Ba phi hành gia Trung Quốc gồm: Zhai Zhigang, Wang Yaping và Ye Guangfu đón năm mới 2022 và Tết Canh Dần trên trạm vũ trụ Thiên Cung. (Ảnh: Sohu)
Cũng theo NASA, năm nay có 10 phi hành gia đến từ 4 quốc gia (nhiều nhất từ trước đến nay) sẽ cùng nhau đón năm mới 2023 trên không gian trên trạm vũ trụ quốc tế ISS và trạm vũ trụ Thiên Cung.