Alexander Pokryshkin - nỗi khiếp đảm của phi công Đức
“Chú ý! Chú ý! Pokryshkin đang trên không!”. Đó là cách mà phát xít Đức cảnh báo cho lính không quân của mình trước sự xuất hiện trên đường chân trời của chiếc tiêm kích P-39 Airacobra do phi công hạng ace nổi tiếng của Liên Xô Ivanovich Pokryshkin lái. (Phi công hạng ace là người bắn rơi 5 máy bay đối phương trở lên - ND).
Ba phi công ace xuất sắc nhất của Liên Xô thời Thế chiến II (Kozhedub, Rechkalov và Pokryshkin). Ảnh: RBTH.
Các phi công thuộc không quân phát xít Đức (Luftwaffe) được dặn dò phải cảnh giác hơn và tránh các trận cận chiến trên không kéo dài, riêng những phi công non trẻ hơn được khuyên nên bay về sân bay ngày lập tức.
Trong Thế chiến II, Pokryshkin bay hơn 650 phi vụ, tham gia hơn 156 trận không chiến và hạ 59 máy bay địch (lập công riêng) và hạ 6 máy bay địch (lập công tập thể). Theo một ước tính khác, bảng thành tích của ông trong không chiến đã vượt con số 100 máy bay bị bắn hạ.
Pokryshkin không chỉ là một phi công tài năng mà còn là nhà phát minh và cổ xúy các đội hình tác chiến mới và các đường bay tác chiến như “cắt kéo”, “cú đấm chim cắt”, “gọng kìm”, “con lắc”,… Nhờ có ông, đội hình tác chiến Kuban hiệu quả cao đã tạo thêm không gian cho các máy bay tiêm kích cơ động khi tìm kiếm mục tiêu, trở thành đội hình phổ biến trong Hồng quân.
Pokryshkin, người ở tuyến đầu ngay từ đầu cuộc Chiến tranh Vệ quốc, là một trong các phi công đầu tiên được phép bay đơn để “tự do săn” máy bay Đức, bao gồm cả phía sau chiến tuyến Đức, bất chấp ưu thế áp đảo của đối phương. Lối bay đơn này chỉ phổ biến trong phi công Liên Xô từ năm 1943.
Phi công Mikhail Vodopyanov nhớ lại: “Tài năng chiến đấu của Pokryshkin được thể hiện rõ nhất trong trận chiến ở khu vực Kuban (miền Nam nước Nga). Tại đây, ông ấy chiến đấu hăng say, mau lẹ tìm kiếm máy bay địch trên bầu trời. Ông sẽ bổ nhào xuống các máy bay Messerschmitt, Junker và Heinkel, tấn công chúng ở tốc độ cao và nã vào chúng các loạt đạn súng máy ngắn và chính xác, khiến các máy bay bốc cháy và rơi thẳng xuống mặt đất. Binh sĩ Hồng quân trong chiến hào ở mặt trận ngỡ ngàng trước lối đánh sắc lẹm và khốc liệt của ông trong nhiều dịp đến nỗi họ bắt đầu nhận ra “dáng hình riêng” của Pokryshkin trong không chiến ngay cả khi máy bay của ông ở rất cao trên bầu trời đến mức con số 100 sơn trắng trên thân máy bay không thể nhìn thấy từ mặt đất”.
Từ năm 1944, dù là chỉ huy của trung đoàn và sư đoàn không quân (khi ấy thuộc lục quân), Pokryshkin vẫn tiếp tục tự lái máy bay và bắn hạ máy bay đối phương cho đến ngày Chiến thắng. Ông được phong danh hiệu Anh hùng Liên Xô tới 3 lần.
Sau chiến tranh, Pokryshkin được thăng lên chức Phó Tổng tư lệnh Lực lượng phòng không Liên Xô. Năm 1972, ông được thăng lên hàm Nguyên soái Không quân.
Grigory Rechkalov - bắn rơi 17 máy bay địch trong 1 trận
Grigory Rechkalov là đồng đội của Alexander Pokryshkin. Rechkalov bay 452 phi vụ trong Chiến tranh Vệ quốc, tham gia 122 trận không chiến và bắn hạ riêng 56 máy bay địch (một số bút lục xác nhận 61 máy bay), và lập công tập thể hạ 5 máy bay địch. Ông lái nhiều loại tiêm kích nhưng đặc biệt ưa thích chiếc Airacobra.
Rechkalov là bậc thầy về “săn tự do” mà ông thường tiến hành ở độ cao lớn (lên đến 6.000m). Đối với ông, phát hiện con mồi không phải là vấn đề bởi vì thị lực của ông cực kỳ sắc.
Grigory Rechkalov được xem là một cá nhân can đảm, trung thực và thẳng thắn, nhưng đồng thời tính khí ông có những lúc mâu thuẫn và bốc đồng. Có thể lúc này ông tiến hành mệnh lệnh một cách kỷ luật và chi tiết, nhưng lúc khác ông lại dễ dàng phân tán khỏi mục tiêu chính và theo đuổi một máy bay địch ngẫu nhiên.
Thời điểm xuất thần của Rechkalov là trong trận không chiến quy mô lớn để giành giật khu vực Kuban vào mùa xuân năm 1943 khi ông bắn rơi tới 17 máy bay địch.
Ông nhớ lại: “Ban đầu, bọn phát xít rất táo tợn. Chúng xuất hiện bất thình lình và tấn công vào chúng tôi. Thế rồi một, hai máy bay của chúng tôi bốc cháy và rơi chúi xuống đất. Nhưng chúng tôi nhanh chóng nhìn thấy rõ chiến thuật của phi công phát xít và bắt đầu hành động theo cách khác: bay theo từng cặp thay vì đội hình lớn, sử dụng tốt hơn vô tuyến điện để liên lạc và xác định mục tiêu.
Hiếm có phi công Liên Xô nào có thể bắn nhiều loại máy bay địch bằng Grigory Rechkalov. Bảng thành tích của ông gồm các máy bay ném bom Heinkel He 111 và Junkers Ju 88 và 87, các máy bay tiêm kích Messerschmitt Bf 109 và Focke-Wulf Fw 190, các loại máy bay vận tải và trinh sát và thậm chí cả một chiếc thủy phi cơ Savoia.
Khi chiến tranh kết thúc, Anh hùng Liên Xô (2 lần) Grigory Rechkalov giữ chức vụ kiểm định viên chuyến bay của Đoàn Tiêm kích cận vệ số 6. Sau năm 1945, ông tiếp tục phục vụ trong không quân và được phòng quân hàm thiếu tướng.
Ivan Kozhedub - bậc thầy về lối đánh cơ động nhanh và táo bạo
Ivan Kozhedub định nghĩa thực chất của không chiến là “cơ động chính xác, nhanh chóng áp đảo trong tấn công, và đánh ở cự ly cực gần”. Bảng thành tích của ông gồm 62 máy bay địch bị bắn hạ, giúp ông trở thành phi công tiêm kích bắn hạ được nhiều máy bay địch nhất, không chỉ trong Hồng quân mà còn trong tất cả các nước trong liên minh chống trùm phát xít Hitler.
Chỉ ra trận vào mùa xuân năm 1943, Kozhedub bay ít phi vụ hơn và tham gia vào số trận cận chiến trên không ít hơn cả Rechkalov lẫn Pokryshkin (Kozhedub cất cánh 330 lần và đánh 120 trận). Tuy nhiên, sự chủ động, táo bạo, khôn ngoan, can đảm và thông minh đã đưa ông trở thành phi công hạng ace số 1 của Liên Xô.
Thành thục về tác chiến, Kozhedub luôn cố gắng tấn công đối phương trước. Nhưng đồng thời ông cũng có khả năng hành động một cách thận trọng và trầm tĩnh nếu tình hình đòi hỏi.
Dưới đây là lời thuật của Kozhedub về một cuộc cận chiến trên không trong trận đánh Kursk: “Bị cuốn đi trong sức nóng của trận chiến, tôi mắc lỗi để mất độ cao… Sửa lỗi, tôi nhanh chóng bắt đầu quá trình leo cao một lần nữa. Hai chiếc Messerschmitt bám đuôi tôi…. Tôi bình tĩnh tiếp tục tăng độ cao. Máy bay Đức bám theo ở góc cực dốc. Tôi lập tức nhận ra rằng khi lấy độ cao theo cách đó, máy bay Đức sẽ tất yếu bị rớt lại phía sau. Tôi bắt đầu quan sát kỹ chiếc Messerschmitt gần nhất. Máy bay Đức thực sự hết động lực, mất tốc độ và khựng lại. Tôi khẩn trương đưa chiếc Lavochkin của tôi vào vị trí ngoặt đầu búa (động tác bay cho phép thay đổi nhanh hướng bay), lao thẳng tới máy bay Đức và nhả loạt đạn khiến đối phương bốc cháy”.
Kozhedub cũng là một trong các phi công đầu tiên của phe Đồng minh đã bắn hạ được một chiếc máy bay tiêm kích Messerschmitt Me 262 của Đức sử dụng động cơ phản lực.
Trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Anh hùng Liên Xô (3 lần) Kozhedub chỉ huy Sư đoàn Tiêm kích 324, với chiến tích bắn hạ được 216 máy bay địch. Sau đó ông tiếp tục phục vụ trong không quân Liên Xô trên cương vị lãnh đạo. Năm 1985 ông được phong hàm Nguyên soái Không quân./.