Tờ Bloomberg nhận định, một số đồng minh hàng đầu của Mỹ ở Trung Đông, trong đó có nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, đang xích lại gần hơn với Trung Quốc Nga, khiến bức tranh địa chính trị thế giới càng trở nên phức tạp hơn.
Hôm qua, hội nghị thượng đỉnh BRICS đã chính thức thông báo mời Saudi Arabia, UAE và Ai Cập gia nhập nhóm các nền kinh tế mới nổi. Theo kế hoạch, 3 nước này sẽ cùng với Iran, Argentina và Ethiopia trở thành thành viên mới của BRICS từ tháng 1/2024.
Động thái này nằm trong nỗ lực của các nhà lãnh đạo BRICS (nhóm hiện gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) nhằm tăng tầm ảnh hưởng của khối trong hoạt động kinh tế và thương mại quốc tế.
Anna Jacobs, chuyên gia phân tích cao cấp tại International Crisis Group, nhận định: “Saudi Arabia, UAE và Ai Cập đang cố gắng cân bằng và duy trì mối quan hệ với tất cả các siêu cường. Họ cố gắng không lựa chọn về phe Trung Quốc hay Mỹ mà thay vào đó đứng vào 1 nhóm”.
Đầu tuần này, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan khẳng định Washington không coi BRICS là 1 đối thủ địa chính trị.
Mặc dù Saudi Arabia và Nga hiện đang có tầm ảnh hưởng lớn đến nguồn cung dầu mỏ toàn cầu thông qua liên minh OPEC+, sự kiện Saudi gia nhập BRICS khiến người ta quan tâm nhiều hơn đến vị thế của đồng USD trong các giao dịch dầu mỏ. Sau khi mở rộng, hiện trong nhóm BRICS đã bao gồm cả những nước sản xuất nhiều nhất và nước nhập khẩu dầu mỏ nhiều nhất – Trung Quốc.
Lâu nay Trung Quốc và các nước trong khối BRICS vẫn có mong muốn sử dụng các loại tiền tệ khác để mua bán năng lượng thay vì USD. Tuy nhiên, để thay đổi hoàn toàn hệ thống petrodollar lâu đời là điều không đơn giản. Hiện cả Saudi Arabia và UAE đều đang neo đồng nội tệ của mình vào USD. Họ cần 1 đồng tiền khác có đủ sức mạnh để cạnh tranh với USD trên cả 2 phương diện là tính thanh khoản và nơi cất giữ giá trị.
Trong báo cáo mới đây, các chuyên gia phân tích của ING nhận định: “Nếu không có các khoản nợ phi USD được sử dụng rộng rãi, hệ thống tiền tệ thế giới sẽ phát triển thành đa cực và bị phân mảnh. Quá trình này phải mất hàng thập kỷ để hoàn tất. Kết quả là USD, euro và nhân dân tệ sẽ lần lượt trở thành đồng tiền thống trị ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á”.
Cũng theo ước tính của ING, năng lượng chỉ chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch thương mại toàn cầu. “Nếu chỉ có Saudi sử dụng đồng tiền khác ngoài USD để bán dầu mỏ sang Trung Quốc và Ấn Độ, petrodollar không thể sụp đổ”.
Dẫu vậy, trở thành một phần của BRICS vẫn mang đến cho Saudi Arabia và UAE cơ hội cũng như sự linh hoạt để giảm phụ thuộc vào đồng USD khi cần thiết.
Những năm gần đây Saudi Arabia đã chi hàng nghìn tỷ USD để đa dạng hóa nền kinh tế, đầu tư vào mọi thứ từ các thành phố mới đến xe điện hay các câu lạc bộ thể thao. Thái tử Mahammed bin Salman coi tăng cường quan hệ với những nước như Trung Quốc và Ấn Độ là điều quan trọng để đạt được mục tiêu đó.
Trong suốt thập kỷ vừa qua, Saudi Arabia và UAE cũng đã củng cố mối quan hệ với các thành viên khác của BRICS, chủ yếu qua dòng chảy dầu thô dồi dào hiện đang hướng về châu Á.
Trung Quốc và Ấn Độ là đối tác thương mại hàng đầu của cả hai nước. Ví dụ, kim ngạch thương mại giữa Saudi Arabia và Trung Quốc, Ấn Độ đã đạt mức kỷ lục gần 175 tỷ USD trong năm ngoái, theo dữ liệu của UN.
Ở chiều ngược lại, quan hệ giữa Washington và một số nước vùng Vịnh đã trở nên căng thẳng trong 18 tháng qua, một phần là vì quyết định không trừng phạt Nga và những bất đồng về sản lượng dầu mỏ. Dẫu vậy, mối quan hệ đã được cải thiện trong vài tháng gần đây.
Tham khảo Bloomberg