Các nước Ả Rập từ chối bình thường hoá quan hệ với Israel, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là thất bại được báo trước

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

"Đột phá khẩu" trong tiến trình bình thường hoá quan hệ giữa Israel với các nước Ả Rập đang gặp nhiều rào cản.

Thỏa thuận tham vọng

Từ ngày 24 -27/8, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có chuyến công du đến Trung Đông và Bắc Phi gồm 5 nước: Israel, Sudan, Bahrain, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Oman.

Chuyến công du này là nằm trong trong chiến dịch ngoại giao của chính quyền Donald Trump nhằm thuyết phục các quốc gia Ả Rập khác noi gương UAE bình thường hoá quan hệ với Israel. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm với lãnh đạo các nước đến thăm đã không đạt được kết quả nếu không muốn nói là thất bại.

Tại Thủ đô các nước này, ông M. Pompeo đã không được đón tiếp mặn mà như Nhà Trắng mong muốn. Ngay cả quan hệ giữa UAE và Israel đã được tuyên bố bình thường hoá, nhưng không phải mọi việc đều diễn ra tốt đẹp.

Israel và UAE thoả thuận bình thường hoá quan hệ, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề vướng mắc trước khi ký kết chính thức

Ngày 13/8/2020, với sự trung gian của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Thái tử UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan đã tuyên bố thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa hai nước.

Theo thỏa thuận, UAE và Israel sẽ trao đổi đại sứ và hợp tác trong nhiều lĩnh vực: đầu tư, du lịch, an ninh, quốc phòng, truyền thông, công nghệ, năng lượng, y tế, văn hóa và môi trường. Israel sẽ tạm ngừng kế hoạch sáp nhập Bờ Tây và thung lũng Jordan. Lễ ký kết chính thức thỏa thuận này dự kiến ​​sẽ diễn ra tại Nhà Trắng trong vài tuần tới.

Ngày 29/8/2020, Tổng thống các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Khalifa bin Zayed Al Nahyan, đã ban hành sắc lệnh bãi bỏ luật tẩy chay và các biện pháp trừng phạt Israel.

Theo sắc lệnh này, các công dân hai nước có thể xuất nhập cảnh bình thường vào lãnh thổ của nhau, các cá nhân và công ty của UAE có thể quan hệ hợp tác bình thường với Israel, ký kết các hợp đồng thương mại, thực hiện các giao dịch tài chính và bất kỳ thỏa thuận nào khác với các tổ chức hoặc cá nhân mang quốc tịch Israel mà không chịu bất cứ hạn chế nào.

Chiều 31/8/2020, chiếc máy bay đầu tiên của hãng hàng không El Al của Israel cất cánh từ sân bay Ben Gurion, Tel Aviv, đã hạ cánh xuống sân bay quốc tế Abu Dhabi mang theo đoàn đại biểu chính thức của Israel và Mỹ.

Đoàn Israel gồm hơn 20 quan chức thân cận với Thủ tướng B. Netanyahu do Cố vấn An ninh Quốc gia Meir Bin Shabat dẫn đầu. Phái đoàn Mỹ do Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống D. Trump dẫn đầu, gồm Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O'Brien, Cố vấn cao cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia về các vấn đề Trung Đông và Bắc Phi Rob Greenway, đại diện của Mỹ tại các cuộc đàm phán quốc tế Avi Berkovets, Đặc phái viên về hồ sơ Iran Brian Hook và Giám đốc điều hành Quỹ Đầu tư Phát triển Quốc tế Adam Buehler.

Ofir Gendelman, phát ngôn viên của Thủ tướng Israel cho biết, tại Abu Dhabi với sự tham gia của J. Kushner, Bin Shabat, O'Brien và Cố vấn An ninh Quốc gia UAE, Tahnoon bin Zayed, các bên đã thảo luận về cách thức tăng cường hợp tác tay đôi trong nhiều lĩnh vực.

Bộ Hợp tác khu vực Israel cho biết, Tel Aviv và Abu Dhabi đang thảo luận việc thành lập một khu công nghiệp chung ở khu vực biên giới giáp với Jordan và các dự án liên doanh trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, môi trường và sản xuất nông nghiệp trên sa mạc. Các dự án hợp tác giữa UAE và Israel sẽ tạo ra doanh thu ban đầu ước tính khoảng nửa tỷ USD. Bộ Tài chính Israel dự kiến ​​kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên sẽ bắt đầu ở mức 2 tỷ USD và sau đó sẽ tăng lên 6,5 tỷ USD.

Các nước Ả Rập từ chối bình thường hoá quan hệ với Israel, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là thất bại được báo trước - Ảnh 2.

Tất cả những thoả thuận trên giữa UAE và Israel tỏ ra có nhiều tham vọng, nhưng mới chỉ trên lời nói.

Đến nay vẫn chưa có bất cứ hiệp định nào được ký kết, và nếu có ký kết thì việc thực hiện cũng không dễ dàng. UAE vẫn đòi Israel phải rút khỏi các vùng đất Palestine bị chiếm và khẳng định ủng hộ thành lập một Nhà nước Palestine độc lập. Mới đây nhất UAE yêu cầu được mua máy bay F-35 và các máy bay không người lái drone hiện đại của Mỹ, nhưng đã không được đáp ứng do Israel phản đối và Washington vẫn cam kết duy trì ưu thế quân sự tuyệt đối của Tel Aviv ở Trung Động.

Nguyên nhân đằng sau

Tại sao chính quyền Mỹ Tổng thống D. Trump lại tìm cách bình thường hoá giữa các nước Ả Rập với Israel lúc này? Có phải Mỹ và Israel làm việc này vì hòa bình ở Trung Đông hay không?

Nhiều nhà phân tích cho rằng, các cố gắng này chủ yếu nhằm giải quyết các vấn đề nội bộ trên chính trường Israel và Mỹ.

Các nước Ả Rập từ chối bình thường hoá quan hệ với Israel, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là thất bại được báo trước - Ảnh 4.

Tại Israel, Thủ tướng B. Netanyahu đang phải gồng mình đối phó với nhiều vấn đề nan giải, trong đó có vụ án tham nhũng và nguy cơ phải ra toà, kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tình trạng thất nghiệp lan rộng, ngày càng có nhiều cuộc biểu tình chống lại ông. Đảng Likud cầm quyền do ông đứng đầu ngày càng mất uy tín, không giành được đa số trong Quốc hội (Knesset) để đứng ra thành lập chính phủ. Thỏa thuận bình thường hóa với UAE và các nước Ả Rập khác được coi là cứu cánh cho ông B. Netanyahu.

Nội bộ Mỹ, những dấu hiệu ban đầu cho thấy cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra hết sức khốc liệt giữa đương kim Tổng thống D. Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden. Ông D. Trump đang bị chỉ trích về sự yếu kém trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, gây tổn thất lớn về người và suy thoái kinh tế chưa từng có cho nước Mỹ.

Con bài bình thường hóa giữa Israel với các nước Ả Rập được coi là chìa khoá cho sự thành công của ông Trump trong cuộc bầu cử sắp tới để giành thắng lợi nhiệm kỳ hai. Tiếp theo việc công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel, thừa nhận chủ quyền của Tel Aviv đối với cao nguyên Golan của Syria bị chiếm đóng, đưa ra sáng kiến hoà bình về Trung Đông, tìm cách tái áp đặt các lệnh trừng phạt Iran... các cố gắng nhằm bình thường hoá quan hệ giữa các nước Ả Rập với Israel, được coi như lá bài được sử dụng để đầu tư chính trị vào Mỹ và Israel.

Thất bại được báo trước của Mỹ?

Chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo thất bại, các nước Ả Rập từ chối theo bước UAE bình thường hoá quan hệ với Israel

Nhà Trắng tuyên bố thoả thuận bình thường hoá quan hệ giữa UAE và Israel là "một bước đột phá lịch sử". Washington cho đây là sự khởi đầu của một làn sóng tín hiệu ngoại giao tích cực của các nước Ả Rập gửi tới Israel. Ngày 17/8/2020, Jared Kushner nói: "Chúng tôi đang đứng trước rất nhiều bước đột phá. Bahrain, Oman, Sudan, Ả Rập Saudi sẽ gia nhập "vòng tròn hòa bình". Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chính trị cho rằng, "các quan chức Mỹ và Israel đã phóng đại khả năng các nước Ả Rập khác sẽ noi theo UAE trong việc bình thường hóa quan hệ với Israel. Trong chuyến công du Trung Đông vừa qua, ông Pompeo không nhận được bất kỳ cam kết nào về việc này.

Các nước Ả Rập từ chối bình thường hoá quan hệ với Israel, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là thất bại được báo trước - Ảnh 6.

Ả Rập Saudi là nước đã có nhiều cuộc tiếp xúc với Israel, không phê phán thoả thuận giữa UAE, đồng minh mạnh nhất của mình ở khu vực với Israel và tỏ ra sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Tel Aviv. Nhưng với tư cách là nước bảo trợ cho sáng kiến hoà bình Ả Rập năm 2002 nhằm giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine, Riyadh đã tái khẳng định không bình thường hoá quan hệ với Israel chừng nào Israel chưa rút khỏi các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng năm 1967 và chưa đạt được một giải pháp hoà bình với người Palestine.

Thái độ của Ả Rập Saudi được coi là chìa khóa để thực hiện thành công kế hoạch của Mỹ. Theo hãng tin Bloomberg, quyết định cuối cùng của Riyadh đã được nói rõ sau hội nghị trực tuyến "Liên minh vùng Vịnh chống lại bình thường hóa". Tại hội nghị này, các chuyên gia và các nhà hoạt động từ các nước vùng Vịnh đã lên án UAE hành động đơn phương trong quan hệ với Israel.

Ngày 19/8/2020, Ngoại trưởng Ả Rập Saudi Faisal bin Farhan bin Abdullah Al Saud tuyên bố, nước ông sẽ không vi phạm cách tiếp cận truyền thống, theo đó việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ chỉ có thể thực hiện được sau khi giải phóng các vùng lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng năm 1967. Ông cũng giải thích rõ, việc Ả Rập Saudi cho phép máy bay Israel bay qua không phận của mình là thể theo đề nghị của UAE và hoàn toàn không ảnh hưởng tới quan điểm trước sau như một của Riyadh đối với vấn đề Palestine.

Hơn nữa, các thông tin gần đây tiết lộ chính quyền Mỹ đã tích cực chuẩn bị cho một cuộc gặp gỡ giữa Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 31/8/2020 tại Washington. Tuy nhiên, sự kiện này đã bị Riyadh hủy bỏ.

Sudan, mặc dù Thủ tướng Abdallah Hamdok đã có cuộc gặp Thủ tướng Israel B. Netanyahu tại Uganda tháng 2/2020, nhưng tại Khartoum cả ông và Chủ tịch Hội đồng chủ quyền quá độ, tướng Abdel Fattah Al-Burhan đã khẳng định với ông Pompeo rằng, họ "không có thẩm quyền" đưa ra quyết định liên quan đến bình thường hoá quan hệ với Israel. Lý do được nêu ra là chính phủ Sudan đang điều hành công việc trong giai đoạn quá độ kết thúc vào năm 2022, sau đó một chính phủ được bầu lên mới có thể xem xét vấn đề này. Lý do là như vậy, nhưng thực chất là Sudan từ chối thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Các nước Ả Rập từ chối bình thường hoá quan hệ với Israel, chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ là thất bại được báo trước - Ảnh 7.

Bahrainlà nước vùng Vịnh cho phép Mỹ đặt căn cứ hải quân, đăng cai Hội nghị mang tên "Từ hòa bình đến thịnh vượng" tháng 6/2020 nhằm thực hiện kế hoạch hòa bình Trung Đông của Mỹ, còn gọi là "Thỏa thuận thế kỷ", được Washington và Tel Aviv hy vọng nhiều nhất sẽ tiếp nối bước đi của UAE thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel.

Tuy nhiên, tại Manama, Quốc vương Hamad bin Isa Al Khalifa cũng đã nói thẳng với ông Pompeo rằng việc bình thường hoá quan hệ với Israel phải đi đôi với việc thành lập một Nhà nước Palestine độc lập đã được nêu rõ trong sáng kiến ​hòa bình Ả Rập năm 2002.

Điều đó có nghĩa là Bahrain sẽ không thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel trước khi đạt được giải pháp với người Palestine.

Vương quốc Oman là nước có đường lối rất cởi mở, mặc dù không có quan hệ chính thức với Israel, tháng 10/2018 đã mời Thủ tướng Israel B. Netanyahu đến thăm Musqat, hội đàm với cố Quốc vương Qabus và mới đây đã hoan nghênh quyết định của UAE bình thường hoá quan hệ với Israel. Tuy nhiên, Oman vẫn luôn luôn giữ cân bằng trong chính sách đối ngoại với tất cả các quốc gia trong khu vực, bao gồm Iran, Ả Rập Saudi, Israel và không muốn mất đi vai trò trung lập, hòa giải cho các cuộc xung đột khu vực trên cơ sở lập trường chung của Liên đoàn Ả Rập. Tại Musqat, Quốc vương Haitham bin Tareq Al Said đã khẳng định với Ngoại trưởng M. Pompeo chưa đến lúc thiết lập quan hệ ngoại giao hiuwax hai nước.

Morocco không nằm trong chuyến công du của ông Pompeo nhưng cũng được Mỹ và Israel coi là ứng cử viên có nhiều khả năng noi theo quyết định của UAE. Ngày 24/8/2020, Thủ tướng Saadeddine Othmani đã tuyên bố thẳng thắn từ chối bình thường hoá quan hệ với Israel.

Có thể nói, chuyến công du Trung Đông gần đây của Ngoại trưởng Mỹ M. Pompeo là một thất bại được báo trước bởi vì nó hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc "Đất đai đổi lấy hoà bình" đã được thoả thuận giữa Israel, Mỹ với các nước Ả Rập, phá hoại sự đồng thuận của người Ả Rập trong sáng kiến hoà bình Ả Rập năm 2002.

Mọi quá trình bình thường hoá với Israel trong khi họ vẫn chiếm đóng các lãnh thổ Ả Rập và đe doạ sáp nhập phần lớn Bờ Tây rõ ràng chỉ vì lợi ích của Israel và Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại