Nguồn cung vắc-xin Covid-19 hạn chế buộc Bộ Ngoại giao Mỹ phải đưa ra những quyết định khó khăn. Ảnh minh họa: Reuters
The Washington Post dẫn các tài liệu liên quan tiết lộ các nhà ngoại giao Mỹ trên khắp thế giới đã "phàn nàn về quyết định phân phối vắc-xin Covid-19 của cấp trên họ".
"Tại Nga, một số nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Moscow cho phép họ tiêm vắc-xin Sputnik V do Nga sản xuất sau khi Washington không thể cam kết cung cấp vắc-xin Covid-19 trong tương lai gần. Bộ Ngoại giao Mỹ không khuyến nghị nhân viên của mình dùng vắc-xin mà để họ tự quyết định sức khỏe của bản thân" - The Washington Post đưa tin hôm 18-2.
Cũng theo tờ báo, Bộ Ngoại giao Mỹ yêu cầu 315.000 liều vắc-xin Covid-19 cho toàn bộ nhân viên trên khắp thế giới nhưng hiện mới chỉ nhận được 23% trong số đó.
Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Moscow - Nga. Ảnh: Sputnik News
Hôm 19-2, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã gửi giấy mời đến tất cả đại sứ quán ở nước này, kêu gọi nhân viên của họ đi tiêm chủng.
Trong khi Mỹ chưa phê duyệt vắc-xin Sputnik V, loại vắc-xin này đã được cho phép sử dụng ở 29 quốc gia khác nhau, bao gồm Argentina, Mexico và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE)...
Các nhà phát triển vắc-xin Nga cũng nộp đơn xin phép Liên minh châu Âu (EU) thông qua vắc-xin Sputnik V tại Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA). Tuần trước, Hungary trở thành quốc gia EU đầu tiên tiêm chủng vắc-xin theo công thức do Nga sản xuất bất chấp việc không được Brussels chấp thuận. Ở Nga, quá trình tiêm chủng hàng loạt bắt đầu từ tháng 1 năm nay.
Sputnik V do Viện Gamaleya của Nga sản xuất. Đây là vắc xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới được đăng ký hồi tháng 8 năm ngoái. Vào tháng 2 năm nay, tạp chí y khoa The Lancet (Anh) công bố kết quả thử nghiệm sơ bộ giai đoạn III, cho thấy Sputnik V đạt hiệu quả 91,6%.
Trong khi đó, Công ty công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) hôm 16-11-2020 cho biết vắc-xin Covid-19 của họ đạt hiệu quả 94,5% trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2.
Trước đó, gã khổng lồ dược phẩm Pfizer (Mỹ) tuyên bố vắc-xin Covid-19 do tập đoàn này phát triển đạt hiệu quả hơn 90% nhưng cần phải trữ lạnh sâu ở -70 độ C trở xuống.
Còn vắc-xin của Moderna dự kiến duy trì ổn định ở nhiệt độ tủ lạnh tiêu chuẩn từ 2-8 độ C trong 30 ngày, tăng so với ước tính trước đó là 7 ngày. Nó có thể duy trì ổn định ở -20 độ C trong tối đa 6 tháng và ở nhiệt độ phòng trong 24 giờ.