Mới đây, các nhà khoa học tại MIT vừa tạo ra một loại cây có thể phát sáng với tiềm năng thay thế đèn điện vào ban đêm. Bằng cách nhúng hạt nano vào lá của cây cải xoong, các nhà khoa học giúp loại cây này có thể phát ra ánh sáng mờ trong vòng gần bốn tiếng.
Nhóm nghiên cứu tin rằng họ có thể cải tiến kỹ thuật của mình để làm cho cây đủ khả năng chiếu sáng cho một không gian làm việc.
Theo Carbon P. Dubbs, Giáo sư Cơ khí Hóa học tại MIT, mục tiêu của nhóm là tạo ra một loại cây có thể hoạt động như một chiếc đèn bàn. Loại đèn này không cần điện và được cung cấp năng lượng bằng chính hoạt động trao đổi chất của cây.
Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng một ngày nào đó công nghệ mà họ đang nghiên cứu có thể biến cây cối thành những chiếc đèn đường.
Nhóm nghiên cứu gọi kỹ thuật của họ là "thực vật nanobionics" và họ cũng từng tạo ra loại cây có thể phát hiện chất nổ và truyền thông tin tới smartphone. Họ sử dụng enzym có tên luciferase để giúp cây phát ra ánh sáng, đây cũng là loại enzym giúp đom đóm có thể phát sáng.
Luciferase hoạt động trên một phân tử có tên luciferin và các tác nhân giúp nó phát ra ánh sáng. Nhóm nghiên cứu cũng sử dụng một đồng enzym khác để loại bỏ sản phẩm phụ tạo ra trong quá trình phản ứng, tránh ức chế hoạt tính của luciferase.
Cả ba thành phần này đều được chứa trong một hạt nhỏ bằng nano.
Các hạt nano có đường kính khoảng 10 nanomet này được FDA chứng nhận an toàn. Để cấy hạt nano vào lá cây, cây sẽ được nhúng vào dung dịch sau đó tiếp xúc với áp lực để hạt nano đi vào các lỗ khí hoặc khoang trên lá cây.
Sau đó, những vật liệu trong hạt nano sẽ tạo ra ánh sáng xanh lục như trong ảnh.