Ta có thể sống được trên Trái Đất là nhờ một trường từ trường khổng lồ bao quanh hành tinh này, bảo vệ chúng ta khỏi gió Mặt Trời cũng như phóng xạ vũ trụ.
Tin xấu ập tới. Các nhà khoa học đã đang điều tra một trong những cơn bão địa từ lớn nhất trong lịch sử hiện đại và họ phát hiện ra rằng, vòng bảo vệ từ tính bao quanh Trái Đất chúng ta đã bị nứt.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích thông tin từ kính viễn vọng GRAPES-3 tại Ooty, Ấn Độ. Thông tin ghi lại được cho thấy nhiều tia vũ trụ đã bắn xuống Trái Đất vào ngày 22 tháng 6 năm 2015.
Trong khoảng thời gian 2 tiếng đồng hồ, quyển từ của Trái Đất đã bị ảnh hưởng sau đợt tấn công của những hạt vũ trụ phát năng lượng phóng xạ mạnh này. Những hạt nói trên di chuyển trong không gian với vận tốc gần bằng vận tốc ánh sáng.
Những hạt này mạnh tới mức chúng có thể dễ dàng xuyên qua vỏ tàu vũ trụ, Trái Đất chúng ta có lá chắn từ tính là hàng phòng ngự đầu tiên trước chúng.
Khoảng 40 tiếng trước sự kiện ngày 22 tháng 6 diễn ra, một đám mây plasma khổng lồ đã được phóng ra từ tầng quyển ngoài của Mặt Trời, đâm thẳng vào quyển từ Trái Đất với vận tốc 2,5 triệu km/h.
Vào thời điểm ấy, vụ va chạm này gây ra một cơn bão địa từ khiến cho tín hiệu radio tại nhiều vùng tại Bắc và Nam Mỹ bị ảnh hưởng. Chưa hết, nó còn gây ra hiệu ứng cực quang siêu tích, hiện tượng xảy ra khi những hạt tích điện từ ngoài không gian va chạm với tầng khí quyển của Trái Đất.
Cực quang xảy ra khi quyển từ của chúng ta bị "tấn công" bởi Mặt Trời.
Cho tới giờ, thời điểm hơn một năm sau khi xảy ra sự kiện trên, các nhà nghiên cứu cuối cùng cũng đã tìm ra được quy mô của vụ va chạm tia vũ trụ ấy.
Một đội ngũ nghiên cứ từ Viện Nghiên cứu cơ bản Tata tại Ấn Độ đã dựng nên nhiều hệ thống giả lập lại sự kiện va chạm với những thông tin thu thập được, và ra được kết quả rằng vụ “tấn công từ bên ngoài vũ trụ” ấy đã khiến quyển từ của chúng ta nứt ra một vết, gây nhiễu loạn hệ thống radio ở nhiều nơi trên Trái Đất.
Họ còn nói thêm rằng vụ va chạm này gay gắt tới mức chúng khiến cho quyển từ của chúng ta bị co lại. Các nhà nghiên cứu lo ngại rằng những cơn bão địa từ như vậy có thể mạnh tới mức “kết cấu lại” lá chắn điện từ của chúng ta, gây ra những điểm yếu trên vòng bảo vệ này và để lọt qua phóng xạ cũng như các tia vũ trụ.
“Việc suy yếu lớp bảo vệ có thể diễn ra khi các plasma nhiễm từ từ Mặt Trời va chạm với từ trường của Trái Đất, chúng sẽ khiến từ trường giãn ra tại hai cực và làm suy yếu khả năng phản lại hạt tích điện”, nhà nghiên cứu Katherine Wright giải thích.
Quyển từ của Trái Đất.
Đây là một điều đáng lo ngại, bởi lẽ sự kiện này diễn ra gợi lên rằng từ trường của chúng ta đang thay đổi hoặc tệ hơn, đang yếu đi tại nhiều điểm.
“Sự việc này diễn ra đã khiến lớp từ trường bảo vệ Trái Đất bị yếu đi trong khoảng hai giờ đồng hồ”, theo báo cáo của các nhà khoa học.
“Điều này chứng tỏ từ trường Trái Đất đang yếu đi, và cũng thể hiện được rằng những siêu bão vũ trụ tương lai sẽ có thể làm tê liệt công nghệ trên Trái Đất và làm nguy hại tới những phi hành gia hiện đang trên vũ trụ”.
Tin tốt là sự kiện đó chỉ khiến quyển từ, vòng bảo vệ tự nhiên của chúng ta, bị nứt tạm thời nhưng tin xấu và cũng cực xấu là chúng sẽ vẫn có thể nứt một hoặc nhiều lần nữa.
Chúng ta không làm gì nhiều để ngăn chặn điều này xảy ra, chỉ có thể tiến hành tiếp tục nghiên cứu khi mà quyển từ lại nứt lần nữa. Nhưng ít ra thì vẫn có thêm được chút thông tin để có thể tìm cách bảo vệ Trái Đất hay những thứ thuộc về Trái Đất khỏi ảnh hưởng, hư hại từ những “cuộc tấn công từ bên ngoài Trái Đất này”.