Các nhà khoa học muốn được uống rượu ở hội nghị để thảo luận cởi mở, sôi nổi hơn

THANH LONG |

Nhiều chương trình hợp tác khoa học chất lượng đã bắt đầu từ một cái cụng ly.

Nếu bạn gặp một nhà khoa học ngoài đời thật, đôi khi bạn sẽ thấy họ là một người hướng nội, trầm tính và rất kiệm lời. Chỉ trong các hội thảo khoa học chuyên ngành, nhiều nhà khoa học mới thể hiện con người sôi nổi và nhiệt huyết nghiên cứu của họ.

Dẫu vậy, các cuộc trò chuyện, trao đổi chuyên môn và "small talk" đôi khi vẫn rơi vào khoảng lặng. Lúc này thì một vài ly rượu vang có thể sẽ giúp sức. Rượu - ở mức độ vừa phải - có thể kích thích mọi người cởi mở trò chuyện và chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Cho nên, khi tạp chí khoa học đa ngành hàng đầu thế giới Nature tạo một cuộc thăm dò trực tuyến để hỏi: "Liệu các hội nghị và hội thảo khoa học có nên cấm rượu hay không?", tới 2/3 số nhà khoa học đã trả lời là "Không!".

Các nhà khoa học muốn được uống rượu ở hội nghị để thảo luận cởi mở, sôi nổi hơn - Ảnh 1.

Khảo sát này nằm trong một nghiên cứu để xem xét và đánh giá vai trò của đồ uống có cồn trong môi trường làm việc khoa học. Nó đã thu hút gần 1.500 ý kiến của các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới.

Quan điểm của họ có vẻ khá thống nhất: 68% người được hỏi cho rằng các hội nghị khoa học không nên cấm rượu hoặc bia. Chỉ có 26% nhà khoa học cho rằng quy định đó nên được áp dụng và 6% không chắc chắn với quan điểm của họ.

Tại sao các nhà khoa học muốn được uống rượu?

Lý do đầu tiên của những người ủng hộ rượu đưa ra là rượu và các loại đồ uống có cồn là để thưởng thức và thư giãn. Rượu tạo ra một bầu không khí thúc đẩy kết nối xã hội và các cuộc trò chuyện.

Toàn bộ cuộc thăm dò ý kiến này được thực hiện dưới hình thức ẩn danh, nên các nhà khoa học đã không ngại đưa ra ý kiến của mình. Một người nói: "Rượu là cách tốt nhất để tạo ra các tương tác, phá bỏ rào cản giữa các nhà khoa học cấp cao và sinh viên [khi họ gặp nhau ở một hội nghị khoa học].

Một số cuộc thảo luận và hợp tác khoa học tuyệt vời nhất đã bắt đầu bằng việc các nhà khoa học cụng ly rượu vang trước một tấm poster tóm tắt công trình nghiên cứu, hoặc tại một buổi tiệc chiêu đãi, thậm chí là trong quán rượu. [Nếu cấm rượu trong các chương trình hội nghị khoa học], sẽ không có gì có thể thay thế được các trải nghiệm đó".

Các nhà khoa học muốn được uống rượu ở hội nghị để thảo luận cởi mở, sôi nổi hơn - Ảnh 3.

Trong số các ý kiến ủng hộ rượu, nhiều nhà khoa học nhấn mạnh rằng rượu nên là lựa chọn cá nhân, và quan điểm cá nhân về việc uống rượu không nên ảnh hưởng đến quyết định của những người khác. Nghĩa là có thể có một số nhà khoa học thực sự ghét rượu và không muốn uống rượu trong hội thảo, nhưng họ không nên ép các nhà khoa học khác phải như mình.

Một số người thực hiện khảo sát còn cho rằng quy định cấm rượu trong hội nghị sẽ hạn chế chính số lượng người tham gia vào hội nghị đó. Các sự kiện khoa học luôn nhắm tới tính bao quát, để thu hút được đông đảo các nhà khoa học tham gia. Một lệnh cấm rượu vô tình sẽ thu hẹp đối tượng mà họ muốn nhắm tới, ở một mức độ nào đó, rất nhiều nhà khoa học hứng thú với những ly rượu ở hội nghị.

"Theo tôi, để đảm bảo tính hòa nhập của các hội nghị khoa học, chúng ta nên tổ chức nhiều sự kiện khác nhau (bao gồm cả sự kiện có rượu và không có rượu), như vậy thì mọi người đều có thể tham gia", một nhà khoa học nêu ý kiến.

Số còn lại cho rằng về bản chất, quy định cấm rượu tại hội nghị khoa học sẽ không giải quyết được vấn đề gì, dù mục đích nó đang nhắm đến là để hạn chế những nhà khoa học uống quá nhiều rượu, gây rối, hoặc có những hành vi vượt quá chuẩn mực.

Tại sao nhiều người lại cho rằng rượu không phù hợp với môi trường khoa học?

Nói đi cũng phải nói lại, chúng ta phải xem xét đến ý kiến của hơn 1/5 số nhà khoa học đã tham gia khảo sát, những người nghĩ rằng rượu nên bị cấm tại các hội nghị.

Lý do đầu tiên mà mọi người đưa ra là rượu không tốt cho sức khỏe. Nó có thể khiến các nhà khoa học mất tỉnh táo và giảm khả năng thảo luận của họ. Khi mọi người say rồi thì thông tin khoa học họ chia sẻ sẽ bị mất đi tính chính xác.

Các nhà khoa học muốn được uống rượu ở hội nghị để thảo luận cởi mở, sôi nổi hơn - Ảnh 5.

Kế đó là những trải nghiệm tiêu cực mà nhiều nhà khoa học có với rượu ở hội nghị. Randolph Elble, một nhà nghiên cứu dược học tại Trường Y Đại học Nam Illinois cho biết các sinh viên tham gia hội nghị khoa học không nên thấy thầy mình hay một giáo sư đầu ngành uống quá nhiều rượu.

"Một nhà khoa học cấp cao say xỉn không phải là tấm gương tốt cho những thế hệ sau noi theo", Elble nói.

Trong số tất cả các lý do được đề cập để thúc đẩy quy định cấm rượu, nổi bật nhất phải kể đến hành vi ép rượu của một số nhà khoa học, khi họ muốn những người đồng nghiệp cũng phải uống với mình. Ngoài ra, một số còn có hành vi quấy rối khi họ mất kiểm soát.

"Tôi nghĩ văn hóa uống rượu trong khoa học chính là biến tướng của cái gọi là tâm lý 'câu lạc bộ con trai'. Nó nói rằng bạn không thể kết nối và giao lưu với bạn bè, đồng nghiệp nếu bạn không thể thoải mái và uống rượu với người khác. Điều này vô tình gây áp lực và cô lập những người khác, thúc ép họ phải uống".

Đã có nhiều câu chuyện trong đó, một sinh viên hay một nhà khoa học trẻ mới bắt đầu sự nghiệp bị lợi dụng trong tình huống này.

Rượu nên được phục vụ như thế nào trong các hội nghị khoa học?

Các nhà khoa học muốn được uống rượu ở hội nghị để thảo luận cởi mở, sôi nổi hơn - Ảnh 7.

Tuy có ý kiến trái chiều nhau, nhưng cả hai nhóm ủng hộ và không ủng hộ quy định cấm rượu tại hội nghị khoa học đều cho rằng cách phục vụ trong chương trình mới là vấn đề.

"Tôi không nghĩ rượu là một loại đồ uống phù hợp trong giờ làm việc, các phiên thuyết trình poster, hội thảo hoặc hội nghị", một nhà khoa học nên ý kiến. Nhưng rượu hoàn toàn có thể được phục vụ trong giờ giải lao, các buổi tiệc chiêu đãi hoặc hoạt động giao lưu, khi mà tính xã hội được đề cao hơn tính khoa học.

Về bản chất, hội nghị khoa học là một sự kiện vừa mang tính chuyên môn, vừa mang tính xã hội, nên ban tổ chức phải tính đến việc phục vụ đồ uống đa dạng. Trong đó, đồ uống có cồn nên được cân nhắc trong những khoảng thời gian và không gian hợp lý.

Ví dụ, một số nhà khoa học gợi ý ban tổ chức nên phát vé giới hạn cho mỗi nhà khoa học có từ một tới hai lượt vào quầy bar. Họ sẽ được uống rượu miễn phí, nhưng cũng không được tự mang theo rượu hoặc mua bao nhiêu tùy thích.

Tham khảo Nature

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại