32 nhà khoa học hôm 6/1 đã bắt đầu một sứ mệnh kéo dài hơn hai tháng trên một con tàu nghiên cứu của Mỹ để điều tra khu vực quan trọng nhất, nơi sông băng Thwaites khổng lồ đang tan chảy, đối diện với Biển Amundsen và có thể sẽ mất một lượng lớn băng vì hiện tượng Trái đất nóng lên.
Dòng sông băng ở Nam Cực có kích thước bằng bang Florida (Mỹ) được đặt tên là "sông băng ngày tận thế" vì khối lượng băng tại đây có thể nhấn chìm hành tinh nếu tất cả đều tan chảy. Trong nhiều năm theo dõi sông băng này, các nhà khoa học ghi nhận sự tan chảy bình thường của nó đã góp phần vào khoảng 4% mực nước biển dâng hàng năm.
Trước tầm quan trọng của "sông băng ngày tận thế", Mỹ và Vương quốc Anh đang thực hiện một sứ mệnh chung trị giá 50 triệu USD để nghiên cứu Thwaites, sông băng rộng nhất trên thế giới bằng đường bộ và đường biển. Không gần bất kỳ trạm nghiên cứu lục địa nào, Thwaites nằm ở khu vực mà tất cả các nhà khoa học đều lo ngại.
"Thwaites chính là lý do mà tôi muốn nói rằng chúng ta không có sự chắc chắn quá lớn trong các dự báo về mực nước biển dâng trong tương lai và cũng là bởi đây là một khu vực rất xa xôi, khó tiếp cận", Anna Wahlin, một nhà hải dương học từ Đại học Gothenburg ở Thụy Điển cho biết hôm 5/1 trong một cuộc phỏng vấn từ Tàu Nghiên cứu Nathaniel B. Palmer, dự kiến rời cảng ở Chile vài giờ sau đó. "Thwaites được cấu tạo theo một cách rất riêng và có khả năng không ổn định. Đó là lý do tại sao chúng tôi lo lắng về điều này".
Thwaites cũng đang khiến 50 tỷ tấn băng tan thành nước mỗi năm. Cơ quan Khảo sát Nam Cực của Anh cho biết sông băng này là nguyên nhân gây ra 4% lượng nước biển dâng toàn cầu. Theo các tuyên bố của nhà khoa học về băng Ted Scambos thuộc Đại học Colorado từ trạm McMurdo vào tháng trước, các điều kiện khiến con sông này tan nhiều băng hơn đang gia tăng.
Bên cạnh đó, nhà khoa học về băng Erin Pettit thuộc Đại học bang Oregon cho biết Thwaites dường như đang sụp đổ theo ba cách.
Cách đầu tiên, con sông này sẽ tan chảy từ bên dưới bởi nước biển. Ở cách thứ hai, phần đất liền của sông băng sẽ "mất dần vị trí bám" vào khu vực gắn kết với đáy biển, vì vậy một mảng lớn có thể rơi vào đại dương và sau đó tan chảy.
Cách cuối cùng chính là thềm băng của sông băng đang vỡ ra thành hàng trăm vết đứt gãy giống như tấm kính chắn gió ô tô bị hư hỏng. Đây là điều mà Pettit lo ngại nhất với những vết nứt dài 10 km hình thành chỉ trong một năm.
Sông băng Thwaites đã bị tan chảy do sự kết hợp giữa không khí ấm áp và nhiệt độ nước khiến nó trở nên không ổn định hơn. Từ những năm 1980 đến 2017, nó đã mất đi 600 tỷ tấn băng. Trước đây chưa từng có ai đặt chân lên Thwaites. Vào năm 2019, Wahlin đã từng tham gia một nhóm khám phá khu vực bằng cách sử dụng một con tàu robot nhưng họ chưa bao giờ lên bờ.
Trong tương lai, nhóm của Wahlin sẽ sử dụng hai tàu robot - chiếc lớn của riêng cô có tên là Ran đã từng được sử dụng vào năm 2019 và chiếc Boaty McBoatface hiện đại hơn, cùng máy bay không người lái được đặt tên là crowdsource có thể đi sâu hơn dưới khu vực sông băng Thwaites nhô ra ngoài đại dương - để chạm được dưới đáy Thwaites.
Các nhà khoa học trên tàu sẽ đo nhiệt độ nước, đáy biển và độ dày của băng. Họ sẽ xem xét các vết nứt trên băng, cấu trúc của băng như thế nào để tính toán mực nước biển trong tương lai.
Wahlin nói rằng Thwaites "trông khác với các thềm băng còn lại". "Nó gần giống như một mớ hỗn độn của các tảng băng đã được ép lại với nhau. Vì vậy, ngày càng rõ ràng rằng đây không phải là một tảng băng rắn mịn như các tảng băng khác, mà là một tảng băng gồ ghề và có nhiều vết sẹo".