Trong một cuộc khảo sát mới đây của Viện Nghiên cứu Thủy quyển và Khí quyển Hoa Kỳ (NIWA), các nhà khoa học của họ đã đến khu vực ngoài khơi gần đảo South Island của New Zealand để thực hiện một cuộc điều tra dân số đối với loài hoki, một loài cá địa phương, thịt trắng và là đặc sản xuất khẩu của quốc gia này.
Mục tiêu của các nhà khoa học tại NIWA: Họ sẽ thả lưới xuống độ sâu 1.200 m ở nhiều địa điểm, thu thập, kiểm đếm số cá hoki mắc lưới rồi kết hợp những con số với nhau nhau thành một bản đồ, mô hình ước tính toàn bộ dân số của quần thể cá này ở South Island.
Thế nhưng, trong một lần kéo lưới, tình cờ, các nhà khoa học lại tìm thấy một sinh vật kỳ lạ. Nó trông giống như một con chuột trụi lông non nớt, với đôi mắt to và hai vây giống như hai chiếc lông gà ướt gắn vào.
Qua lớp da gần như trong suốt của nó, các nhà nghiên cứu nhìn thấy một chất lỏng màu vàng. Điều này khiến Brit Finucci, nhà khoa học thủy sản của NIWA ngay lập tức biết họ đã tìm thấy một mẫu vật quý hiếm: Đó là một con cá mập ma, chính xác là một con cá mập ma non mới nở ra từ trứng
"Bạn có thể biết điều đó, vì thứ vàng vàng trong bụng nó chính là noãn hoàng, hay lòng đỏ của quả trứng", Finucci nói. Bình thường, cá mập ma sẽ đẻ trứng tận mãi dưới đáy biển. Phôi trứng nằm trọn trong noãn hoàng, và chúng sẽ ăn lòng đỏ trứng cho đến khi nở ra.
Không biết vì sao con cá mập ma non nớt này lại có thể bơi lên tới độ sâu 1.200 m. "Hầu hết cá mập ma nước sâu mà con người bắt gặp từ trước đến nay đều là những con cá trưởng thành, cá sơ sinh không thường xuyên được báo cáo, vì vậy chúng tôi biết rất ít về chúng", Finucci nói.
Những thước phim quý hiếm về loài cá mập ma
Nhưng chính xác thì cá mập ma là gì? Tại sao nó lại có tên gọi như vậy? Những hình ảnh từ video trên có thể cho phép bạn tưởng tượng lần đầu tiên các nhà khoa học tình thấy nó dưới đáy biển sâu.
Con cá đã xuất hiện trước ống camera giống như một bóng ma nhợt nhạt. Nó có thân hình của một con cá mập khô quắt queo, người đầy những vết giống như sẹo khâu, và đôi mắt thì trắng dã. Con cá bơi nhưng vẻ ngoài của nó không toát ra bất kỳ một chút sức sống nào.
Trên thực tế, cá mập ma không hẳn là cá mập. Nó thuộc vào một trong 50 giống cá chuột đã được phát hiện, một loài lai giữa cá cá mập và cá đuối. Tất cả những con cá mập ma này vì vậy đều không có xương. Toàn bộ hệ thống khung giữ cho cơ thể chúng cứng cáp thực chất chỉ là sụn.
Video đầu tiên về loài cá này được quay là vào năm 2000. Nhưng phải đợi đến năm 2002, một nhóm các nhà khoa học mới mô tả nó lần đầu tiên trên tạp chí Cybium. Cá mập ma từ đó mới chính thức có một danh pháp khoa học và được công nhận: Hydrolagus trolli -cái tên là để vinh danh Ray Troll, một họa sĩ người Alaska, người thường giúp các nhà khoa học vẽ minh họa các loài động vật biển mà họ phát hiện.
Lonny Lundsten, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu Thủy cung Vịnh Monterey (MBARI) ở California cho biết: "Đó là một con cá trông kỳ lạ với cái mõm nhọn. Nó có một cái đuôi dài, thuôn và cũng nhọn, đôi mắt tương đối lớn, và nó gần như có màu xám trắng".
Cá mập ma khá nhỏ nếu so sánh với các loài cá mập thực thụ. Chúng chỉ dài từ 60-90 cm, nhưng sống ở các vùng nước rất sâu, từ 1.600 m xuống đến hơn 2.000 m. Cá mập ma thường cư trú ở các đáy biển có nhiều đá thay vì trầm tích mềm.
Các hóa thạch sớm nhất của tổ tiên loài cá này đã được các nhà cổ sinh vật tìm thấy với niên đại trong khoảng 350 triệu cho đến 375 triệu năm. Điều đó có nghĩa là cá mập ma đã có mặt trên Trái Đất trước cả thời đại khủng long.
Ngày nay, cá mập ma thi thoảng được tìm thấy ở ngoài khơi Australia, New Zealand và New Caledonia. Tuy nhiên, khi mắc vào lưới của các ngư dân và được đưa về tới đất liền, phần lớn chúng đều đã chết. Tổng cộng 23 tiêu bản cá mập ma đã được thu thập và lưu trữ, nhưng tất cả đều là cá trưởng thành.
Chưa bao giờ các nhà khoa học tìm thấy một con cá mập ma mới sinh như lần này. Vì vậy họ rất chắt chiu cơ hội để nghiên cứu nó.
Các nhà khoa học tại Viện Nghiên cứu Thủy quyển và Khí quyển Hoa Kỳ (NIWA) dự định sẽ xét nghiệm gen để xác định chính xác loài của con cá mập ma này. Các nhà khoa học hiện đã phát hiện tới hơn 50 loài cá mập ma tất cả.
Có một vài đặc điểm thú vị thu hút họ ở những con cá này. Ngoài vẻ ngoài và màu sắc nhợt nhạt, những con cá mập ma thường có những vết bớt trắng trên da, trông giống như những vết sẹo chỉ khâu sau phẫu thuật.
Các nhà khoa học cho biết chúng thực chất là những ăng ten radar của loài cá này. Những vết bớt trắng hình chỉ khâu tập trung chủ yếu ở đầu, cho phép cá mập ma cảm nhận từng rung động nhỏ của nước xung quanh.
Những con cá mập ma có thể dùng kỹ năng đó để săn mồi. Nhưng cho tới nay, chế độ ăn của cá mập ma từ nhỏ cho tới khi trưởng thành vẫn còn là điều mà các nhà khoa học phải nghiên cứu.
Với việc tìm thấy một con cá mập ma non, trong bụng vẫn còn noãn hoàng, các nhà khoa học tại NIWA bây giờ đã có thể soi thêm một luồng ánh sáng vào loài cá kỳ lạ này.
Tham khảo Sciencealert , Livescience