Hình ảnh vệ tinh cho thấy 9 cơn bão đang hoạt động ở nhiều nơi trên thế giới, tập trung ở các khu vực của Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Trong số đó, Mangkhut (siêu bão sắp đổ bộ vào Việt Nam) và Florence (siêu bão khiến hơn 1,5 triệu người dân Mỹ phải sơ tán) là mạnh nhất.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy 9 cơn bão xuất hiện cùng lúc trên thế giới. Ảnh: Deadline News
Cụ thể, siêu bão Mangkhut được dự báo đang gây nguy hiểm cho bất kỳ nơi nào mà nó quét qua, đang dần ập về phía Philippines với sức gió duy trì ở mức 265 km/h. Hệ thống Phối hợp và Cảnh báo Thảm họa Toàn cầu (GDACS) cho biết, tổng cộng khoảng 43,3 triệu người ở Philippines và miền Nam Trung Quốc là có thể bị ảnh hưởng từ siêu bão Mangkhut.
Tại Việt Nam, theo bản tin lúc 9h sáng nay (14/9) của Trung Tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão Mangkhut có thể sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Vịnh Bắc Bộ của nước ta trong khoảng ngày 16-17/9 và ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta trong khoảng ngày 17-18/9. Trong hoàn lưu bão có thể gây mưa rất to cho Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ từ 17-19/9.
Florence chỉ là một trong 9 cơn bão đang hoạt động cùng lúc trên khắp thế giới. Ảnh: Daily Express
Trong khi đó, siêu bão Florence đang di chuyển về phía Mỹ với cấp độ 2, sức gió 177km/h sau khi bất ngờ hạ cấp từ bão cấp 4 (theo thang bão Saffir-Simpson) trong ngày 13/9 (theo giờ địa phương).
Siêu bão Fliorence bất ngờ hạ cấp nhưng được dự đoán là vẫn có thể gây ra nhiều thiệt hại lớn. Ảnh: National Post
Theo sau Florence còn có bão Helene và bão Issac trở thành mối đe dọa khi đang xuất hiện ở vùng biển Atlantic trước khi chúng di chuyển vào vùng biển Caribbean, với khả năng gây ra lũ lụt. Còn cơn bão có tên là Olivia cũng đang hướng trực tiếp về phía Hawaii với sức gió tối đa là 104 km/h (tính đến ngày 11/9 giờ địa phương), gây ra mưa lớn và lũ lụt.
Điều khiến các chuyên gia thời tiết lo ngại đó là hình ảnh vệ tinh bất thường về những cơn bão mạnh cùng một lúc hình thành ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương là một điều cực kỳ hiếm khi xảy ra.
Phil Klotzbach, một nhà nghiên cứu khoa học khí tượng tại ĐH bang Colorado (Mỹ), cho biết: "Các cơn bão ở khu vực Thái Bình Dương vẫn còn hoạt động, trong khi bão ở Đại Tây Dương cũng đang mạnh lên, và điều này không phải chuyện bình thường. Tôi ngạc nhiên khi thấy những cơn bão ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đang hoạt động cùng một lúc".
Nhiều người dân trên khắp thế giới đã hoảng sợ khi trông thấy hình ảnh vệ tinh của 9 cơn bão.
Cường độ của những cơn bão ngày càng diễn biến phức tạp có thể là do ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu. Ảnh: Spectrum News
Lý giải về hiện tượng bất thường này, các nhà khoa học cho rằng, sự gia tăng cường độ của các cơn bão có thể là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cụ thể là khi nước biển đang trở nên ấm hơn. Điều này là một điều kiện thuận lợi cho phép sản sinh và hình thành nên các cơn bão và siêu bão.
Kristy Dahl, một nhà khoa học khí hậu của Liên minh các nhà khoa học liên quan (Union of Concerned Scientists), cho biết: "Chúng tôi biết những thay đổi này đang diễn ra. Có ít nhất một mối liên kết giả định giữa các cơn bão và nhiệt độ gia tăng ở các đại dương".
Một nghiên cứu gần đây từ Trung Tâm Nghiên Cứu Khí Tượng Quốc gia (NCAR) của Mỹ, cho biết: "Trong khi các cơn bão, siêu bão xuất hiện tự nhiên, thì những tác động của biến đổi khí hậu do con người gây ra, khiến chúng tăng sức mạnh và nguy cơ gây ra nhiều tổn hại nghiêm trọng hơn".
Tham khảo nguồn: CNN, Express.co.uk, Theweathernetwork, Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia