Các nhà khoa học mới đây cho rằng một lượng nước rất lớn trên Sao Hỏa cổ đại có thể đã bị chôn vùi bên dưới bề mặt của hành tình này, thay vì bị thoát ra ngoài không gian như những dự đoán ban đầu.
Theo báo cáo của tạp chí Science, các nhà khoa học mới đây cho rằng một lượng nước rất lớn trên Sao Hỏa cổ đại có thể đã bị chôn vùi bên dưới bề mặt của hành tình này, thay vì bị thoát ra ngoài không gian như những dự đoán ban đầu. Phát hiện mới có thể giúp giải thích một cách hợp lý hơn sự biến mất của nước trên Sao Hỏa, vốn là một nguồn tài nguyên dồi dào trên hành tinh này từ hàng tỷ năm trước.
Thông qua mô hình và dữ liệu thu thập từ tàu thăm dò Sao Hỏa mới đây, các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ California đã phát hiện một lượng lớn (30 - 99%) lượng nước trên Hành tinh Đỏ có thể đã biến mất khỏi bề mặt thông qua một quá trình địa chất, được gọi là hydrat hóa lớp vỏ, khiến cho nước bị ẩn bên dưới lớp đá của Sao Hỏa.
Trên Sao Hỏa có thể vẫn còn có nước ở dưới bề mặt.
Bằng chứng về sự tồn tại của nước trong quá khứ trên Sao Hỏa có thể tìm thấy trên khắp bề mặt của nó, nơi các lòng hồ khô cạn và các vách đá đã chứng minh rằng bề mặt này được tạo hình bởi chất lỏng từ hơn 3 tỷ năm trước. Trong nhiều năm, các nhà khoa học tin rằng nước trên Sao Hỏa đã bị bốc hơi và biến mất vào không gian, để lại một bề mặt khô cằn như hiện tại.
Nhưng quá trình đó cần rất nhiều thời gian. Tốc độ nước có thể thoát ra khỏi bầu khí quyển, so với tổng lượng nước từng có trên Sao Hỏa, là không phù hợp với những quan sát của các nhà khoa học. “Nếu quá trình đó kéo dài 4 tỷ năm, nó cũng chỉ làm biến mất một phần nhỏ lượng nước”, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết.
Nghiên cứu cho thấy rằng phần lớn lượng nước bị mất đi trong thời kỳ Noachian của Sao Hỏa, từ 3,7 đến 4,1 tỷ năm trước. Trong thời gian đó, nước trên Sao Hỏa có thể đã tương tác và kết hợp với khoáng chất trong vỏ của hành tình này. Các khoáng chất có thể hấp thụ và lưu trữ nước. Ví dụ như thạch cao, một khoáng chất được tìm thấy tự nhiên trên Sao Hỏa, có thể giữ nước ở bên trong cho đến khi được đun nóng ở nhiệt độ trên 100 độ C.
Ảnh chụp từ tàu thăm dò Perseverance tại miệng núi lửa Jezero.
Hiện tượng này cũng xảy ra cả trên Trái đất của chúng ta, nhưng các hoạt động địa chất làm nóng các lớp đá ở tầng sâu và giải phóng nước trở lại bề mặt. Ông Christopher Adcock, nhà địa hóa học tại Đại học Nevada, cho biết nước được đưa trở lại bề mặt của Trái đất thông qua các hoạt động núi lửa.
Trong khi đó, Sao Hỏa không có những hoạt động địa chất giống như Trái đất. Điều này giải thích vì sao Sao Hỏa có lượng nước trên bề mặt hạn chế hơn nhiều so với Trái đất. Bằng chứng rõ nhất về nước trên Sao Hỏa là ở dạng băng ở hai cực và một số lượng rất nhỏ trong khí quyển.
Tháng trước, NASA đã hạ cánh tàu thăm dò Perseverance trên miệng núi lửa Jezero trên Sao Hỏa, đây cũng là một lòng hồ khô cạn mà có thể lưu giữ bằng chứng về các khoáng chất ngậm nước và có thể là sự sống của vi sinh vật hóa thạch.
Giáo sư khoa học địa chất và hành tinh tại Caltech và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu trên, bà Bethany Ehlmann cho biết: “Các mẫu đá lấy từ Jezero sẽ giúp chúng tôi xác nhận lý thuyết này”.
Tham khảo: Theverge