Biến đổi khí hậu đang đe dọa đến sự tồn tại của các bãi biển trên thế giới và nhiều khả năng vào cuối thế kỷ 21, một nửa trong số chúng sẽ biến mất.
Đến năm 2050, một số miền duyên hải sẽ thay đổi đến múc không thể nhận ra, trong số đó, 14 đến 15% bãi biển sẽ đối mặt với hiện tượng xói mòn nghiêm trọng.
Số lượng bãi biển biến mất sẽ khác nhau dựa trên vùng miền. Dựa theo bản báo cáo khoa học mới được đăng tải, đến năm 2100, đường bờ biển ở nhiều khu vực đông dân - trong đó bao gồm miền duyên hải phía Đông Hoa Kỳ, miền Nam châu Á và trung tâm châu Âu - lui vào trong đất liền tới gần 100 mét.
Bãi biển Waikiki, Hawaii
"Chúng tôi cân nhắc giới hạn thụt lui chỉ trong 100 mét bởi vì hầu hết các bãi biển trên thế giới đều có chiều rộng hẹp hơn 100 mét, nếu xói mòn vượt qua con số này, các bãi biển sẽ biến mất". Michalis Vousdoukas nói. Ông là một nhà hải dương học kiêm cán bộ khoa học tại Ủy ban châu Âu, đồng thời cũng là tác giả của bản báo cáo khoa học ta đã nhắc đến.
Bản báo cáo khoa học được xuất bản trên tờ Journal Nature Climate Change vào ngày 2 tháng 3 vừa qua, được tiến hành bởi các nhà khoa học từ Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban châu Âu, hợp tác cùng với các trường Đại học ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hà Lan.
Dựa trên dự kiến mức độ gia tăng mực nước biển, các nhà nghiên cứu phân tích sự thay đổi của các bãi biển trong tương lai và phản ứng của chúng đối với mực nước biển dâng cao và các cơn bão nghiêm trọng xuất hiện thường xuyên.
Họ cũng cân nhắc đến các nguyên nhân khác có thể ảnh hưởng đến tình trạng của bãi biển. Trong đó có một số nguyên nhân tự nhiên như xói mòn gây ra bởi sóng, địa chất bên dưới và các nguyên nhân gây ra bởi con người như việc xây dựng các tòa nhà ven biển, sự tồn tại của các con đập và các nỗ lực cải tạo biển.
Các nhà khoa học dự kiến rằng sự gia tăng mực nước biển sẽ là yếu tố vượt trội hơn những yếu tố khác. Đồng thời lượng khí thải nhà kính mà con người tạo ra càng nhiều thì các bãi biển trên thế giới sẽ càng bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bờ đê ngăn hiện tượng xói mòn ở bãi biển Royal Palms, Los Angeles
Các bãi biển rất quan trọng, chúng chiếm một phần ba diện tích các miền duyên hải trên thế giới và đóng vai trò cốt yếu bảo vệ các vùng ven biển khỏi nước dâng. Ngoài ra, các bãi biển là một nguồn tài nguyên kinh tế dồi dào, chúng hỗ trợ ngành dịch vụ, du lịch và các hoạt động khác. Ở một số khu vực như Brazil hay Úc, đời sống của các cư dân đều dựa vào các bãi biển.
"Có rất nhiều bãi biển đầy cát trên thế giới sở hữu giá trị không thể đo đạc được bằng tiền", Vousdoukas nói.
Thông thường, bởi vì các bãi biển là một dạng môi trường năng động, chúng sẽ tự dời đường bờ biển sao cho phù hợp với thủy triều và sự thay đổi mực nước biển. Nhưng một số bãi biển nổi tiếng trên thế giới đang phải đối đầu với nguy cơ biến mất.
"Bờ biển mà chúng ta nhìn thấy hiện tại chỉ là tình trạng tạm thời", Robert Young phát biểu. Anh là Giám đốc Chương trình Nghiên Cứu Đường bờ biển của trường Đại học Carolina, đồng thời là một nhà địa chất học, tuy nhiên không tham gia vào nghiên cứu này.
"Kể từ thuở sơ khai, bãi biển của chúng ta, các vùng ngập nước và cửa sông đều di chuyển tới và lui dựa trên sự thay đổi mực nước biển".
Tuy nhiên, theo lời của các nhà khoa học, vì con người sinh sống ven biển nên chúng ta đã vô hiệu hóa khả năng di chuyển tới lui của của bờ biển và xáo trộn các quy trình bổ sung cát tự nhiên.
Hiện tại, các bãi biển đối mặt với các đợt xói mòn tệ nhất là các bãi nằm ở khu dân cư, nơi có các tòa nhà cao tầng và đường phố cạnh biển.
Bãi biển Miami đang phải bổ sung cát bằng các xe tải cỡ lớn nhằm khôi phục các khu vực bị xói mòn nghiêm trọng . Một số địa điểm khác thì xây dựng các bờ đê và đê chắn sóng lớn để giữ lượng cát quý báu ở lại bãi biển. Tuy nhiên, chi phí cho những dự án này rất lớn và các nhà khoa học khẳng định rằng đối mặt với mực nước biển ngày một dâng cao và các cơn bão ngày một mạnh lên, những nỗ lực này sẽ chỉ trở nên phí hoài.
Xe tải chở cát đến bãi biển Miami
"Ngay bây giờ, những gì mà chúng ta đang làm là giữ cho các đường bờ biển không thay đổi. Nhưng vài thập kỷ trôi qua, dù có muốn, chúng ta cũng sẽ không đủ khả năng để tiếp tục", Young nói.
Bản báo cáo mới nói rằng với tình trạng mực nước biển ngày một dâng cao, trên thế giới sẽ có nhiều bãi biển đối mặt với vấn đề xói mòn hơn. Trong đó, châu Úc sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất với hơn 10.000 km đường bờ biển, chiếm 50% đường bờ biển toàn lục địa, sẽ bị đe dọa vào năm 2100.
Một số quốc gia khác cũng bị ảnh hưởng lớn là Chile, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga, Mexico và Argentina.
Vousdoukas nói rằng các hòn đảo nhỏ cũng sẽ bị tác động, đặc biệt là những đảo ở vùng biển Caribe vì địa hình chúng khá bằng phẳng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng con người có một phần khả năng quyết định kết cục của các bãi biển. Nếu các chính phủ trên thế giới có thể giảm lượng thải khí thải nhà kính thì các nhà khoa học khẳng định 17% số bãi biển dự kiến biến mất sẽ được giữ lại. Con số này thậm chí tăng lên tới 40% vào năm 2100 nếu lượng khí thải bị hạn chế.
"Bằng sự nỗ lực hoàn thành mục tiêu của hiệp nghị Paris (kí vào 2016), chúng ta có thể giảm 40% tác động xấu được dự kiến trong bản báo cáo", Vousdoukas nói.
Theo CNN