Các nhà khoa học bất ngờ vì mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức của con người

TVD |

Những con mực nang trông vậy mà cũng khá thông minh.

Bạch tuộc có thể được xem là loài động vật bí ẩn nhất trên Trái đất, bởi những điều chúng ta chưa hiểu hết được về bộ não của chúng. Thế nhưng một trong số những người anh em của bạch tuộc, loài mực nang cũng có thể khiến cho các nhà khoa học bất ngờ không kém.

Những con mực nang có vẻ ngoài khá dễ thương, chuyển động vây hình sin và 12 xúc tu. Trong thử nghiệm mới nhất, 6 con mực nang đã xuất sắc vượt qua được thử nghiệm marshmallow. Đây là một bài kiểm tra nhận thức thường được áp dụng với những đứa trẻ.

Các nhà khoa học bất ngờ vì mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức của con người - Ảnh 1.

Mực nang.

Thử nghiệm marshmallow (kẹo dẻo) khá đơn giản. Một đứa trẻ được đặt trong một căn phòng với một viên kẹo marshmallow. Đứa trẻ có thể ăn viên kẹo, hoặc chấp nhận không ăn viên kẹo trong vòng 15 phút để được thưởng thêm viên kẹo thứ hai và có thể ăn cả hai sau đó.

Khả năng trì hoãn sự thỏa mãn thể hiện nhận thức, như lập kế hoạch cho tương lai. Thử nghiệm marshmallow được sử dụng để nghiên cứu cách thức phát triển nhận thức của con người. Cụ thể là để tìm hiểu xem ở độ tuổi nào thì con người bắt đầu hình thành nhận thức, để có thể trì hoãn sự thỏa mãn nhằm nhận lấy kết quả tốt hơn sau này.

Bởi vì thử nghiệm marshmallow này rất đơn giản, các nhà khoa học đã điều chỉnh để có thể tiến hành thử nghiệm trên các loài động vật. Rõ ràng bạn không thể nói để các loài vật hiểu được, nhưng có thể huấn luyện chúng, để chúng biết được rằng nếu chờ đợi thì sẽ có nhiều thức ăn hơn.

Một số loài linh trưởng đã vượt qua được thử nghiệm marshmallow khi chúng có thể trì hoãn sự thỏa mãn của mình. Loài chó cũng có thể làm được, nhưng tỷ lệ không cao. Mới đây nhất, các nhà khoa học phát hiện ra loài quạ cũng có thể vượt qua thử nghiệm này.

Một nhóm các nhà khoa học, do nhà sinh thái học hành vi Alexandra Schnell thuộc Đại học Cambridge dẫn đầu đã tiến hành thử nghiệm marshmallow trên mực nang. Sáu con mực nang được đặt trong một bể đặc biệt có hai buồng kín, có cửa trong suốt để chúng nhìn thấy bên trong.

Các nhà khoa học bất ngờ vì mực nang có thể vượt qua bài kiểm tra nhận thức của con người - Ảnh 2.

Nhà sinh thái học hành vi Alexandra Schnell.

Một buồng được đặt một miếng tôm đông lạnh, còn buồn còn lại đặt những con tôm sống hấp dẫn hơn nhiều. Phía trước cánh cửa của hai buồng cũng có những dấu hiệu mà mực nang có thể nhận biết được. Đó là hình tròn cho cửa sẽ mở ra ngay lập tức, hình tam giác cho cửa sẽ mở ra sau khoảng thời gian 10 - 130 giây, hình vuông cho cửa sẽ đóng hoàn toàn.

Tiến hành thử nghiệm, miếng tôm đông lạnh kém hấp dẫn đặt sau cánh cửa có hình tròn phía trên. Nghĩa là nó sẽ được mở ra ngay lập tức. Nhưng nếu mực nang chọn đi vào cánh cửa này, thì buồng bên cạnh nơi chứa những con tôm sống hấp dẫn sẽ đóng chặt.

Qua nhiều lần thử nghiệm, những con mực nang học được rằng nếu đợi một khoảng thời gian 50 - 130 giây, thì cánh cửa có hình tam giác ở trên sẽ mở ra, và chúng có thể đánh chén những con tôm sống hấp dẫn. Còn nếu chúng chọn buồng chứa tôm đông lạnh ngay lập tức, thì sẽ không bao giờ vào bên trong buồng có tôm sống được nữa.

Kể từ đó, những con mực nang này chỉ đợi cho đến khi cánh cửa có hình tam giác mở ra. Chúng biết trì hoãn sự thỏa mãn của mình, để nhận được phần thưởng thơm ngon hơn. “Những con mực nang trong thử nghiệm có thể đợi từ 50 đến 130 giây, để có phần thưởng tốt hơn. Tương đương với những gì chúng ta thấy ở các loài linh trưởng lớn”, tiến sĩ Alexandra Schnell cho biết.

Tham khảo: Sciencealert

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại